Cập nhật lúc 9h30 ngày 29/3:
Tính đến 7h sáng 29/3 thế giới đã có 30.471 trường hợp tử vong do bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Mỹ đang là quốc gia có nhiều ca nhiễm nhất, trong khi Italy dẫn đầu về số ca tử vong khi vượt ngưỡng 10.000.
Mỹ: Trong 24h qua, Mỹ ghi nhận thêm 16.403 ca COVID-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 120.529. Với con số này, Mỹ đã bỏ xa hai nước đứng sau là Italy và Trung Quốc. Số ca tử vong ở Mỹ cũng tăng 312 ca, lên 2.008. Các số liệu trên cho thấy Mỹ đã ghi nhận số ca mắc và tử vong do COVID-19 tăng cao kỷ lục.
Thành phố New York hiện là nơi có nhiều ca tử vong nhất với 517 trường hợp. Trong khi đó, tính trên phạm toàn bộ “tâm dịch” của nước Mỹ là bang New York, tổng số ca nhiễm virus corona chủng mới SARS-CoV-2 là 52.318 trường hợp, trong đó có 728 ca tử vong.
Điểm nóng thứ hai của Mỹ về dịch COVID-19 là bang New Jersey đã ghi nhận 11.124 ca mắc COVID-19, trong đó 140 ca tử vong. Bang California ở bờ Tây nước Mỹ cũng đã ghi nhận 4.950 ca nhiễm bệnh, trong đó có 104 ca tử vong.
Italy: Nước này vẫn là quốc gia có số ca tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 cao nhất thế giới, vượt ngưỡng 10.000 người. Số ca tử vong vì nhiễm virus ở Italy là 10.032 sau khi tăng thêm 889 ca ngày trước đó. Số ca nhiễm virus ở Italy là 92.472.
Theo hãng thông tấn ANSA của Italy, từ ngày 28/3, Italy áp dụng quy định mới đối với tất cả các trường hợp nhập cảnh vào nước này. Theo đó, những người nhập cảnh bằng đường không, đường sắt, đường biển, đường bộ đều phải cung cấp cho người điều hành phương tiện các thông tin về lý do di chuyển, địa chỉ nơi ở đồng thời cũng là nơi người nhập cảnh sẽ phải cách ly bắt buộc đủ 14 ngày, số điện thoại cá nhân để nhận các thông tin trong thời gian cách ly.
Người nhập cảnh vào Italy, kể cả những người không có các triệu chứng nhiễm bệnh, đều phải có trách nhiệm liên hệ ngay với cơ quan chức năng địa phương và chịu sự giám sát tình trạng sức khỏe của cơ quan y tế. Hành khách khi lên các phương tiện phải được đo thân nhiệt, trang bị khẩu trang và đảm bảo khoảng cách an toàn ít nhất 1 mét.
Tây Ban Nha: Trong khi đó, tình hình dịch COVID-19 tại Tây Ban Nha cũng đang diễn biến rất nghiêm trọng. Tính tới 7h sáng ngày 29/3, nước này đã có thêm 688 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong vì COVID-19 lên 5.826. Số ca nhiễm virus tăng thêm 6.750, nâng tổng số ca nhiễm lên 72.469, xếp sau Mỹ và Tây Ban Nha nếu không kể Trung Quốc. Hiện Tây Ban Nha là quốc gia có số trường hợp tử vong do mắc COVID-19 cao thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Italy.
Số ca nhiễm virus ở Tây Ban Nha gia tăng sau khi nước này tăng đáng kể số lượng người được xét nghiệm. Thủ đô Madrid tiếp tục là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19, dẫn tới tình trạng quá tải tại các bệnh viện.
Anh: Sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson và Bộ trưởng Y tế Matt Hancock thông báo có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, Cố vấn y tế trưởng của Chính phủ Anh - Giáo sư Chris Whitty - ngày 28/3 cũng cho biết ông đã xuất hiện những triệu chứng nhẹ của bệnh COVID-19 và đang tự cách ly.
Tính tới 7h ngày 29/3, tổng số ca tử vong do mắc COVID-19 tại Anh đã lên đến 1.019 người trong tổng số 17.089 ca được xác định dương tính với virus gây bệnh. Khoảng 6.200 bệnh nhân đang được điều trị trong các bệnh viện tại Vương quốc Anh.
New Zealand: Nước này ghi nhận ca tử vong đầu tiên liên quan tới dịch COVID-19 và số ca nhiễm tăng thêm 63 lên 514 trường hợp. Theo ông Ashley Bloomfield, Tổng giám đốc cơ quan y tế thuộc Bộ Y tế New Zealand, bệnh nhân mới qua đời là một cụ bà 70 tuổi đã được chuẩn đoán mắc bệnh cúm trước đó.
Nga: Nước Nga lần đầu tiên ghi nhận có trên 200 ca nhiễm trong một ngày. Tính đến 7h sáng 29/3, Nga đã ghi nhận thêm 228 trường hợp mới nhiễm SARS-CoV-2 tại 26 tỉnh thành, nâng tổng số ca nhiễm lên thành 1.264. Trong số 228 ca nhiễm mới, có tới 114 ca ở thủ đô Moscow.
Nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan, Chính phủ Nga đã quyết định đóng cửa đường biên giới kể từ ngày 30/3; tất cả các địa điểm nghỉ dưỡng công cộng của nước này sẽ đình chỉ hoạt động cho đến ngày 1/6; tất cả các quán cà phê và nhà hàng trên cả nước cũng phải đóng cửa trong một tuần, từ ngày 28/3 đến ngày 5/4.
Pháp: Bộ Y tế Pháp ghi nhận thêm 319 ca tử vong trong đợt dịch COVID-19, tính tới ngày 28-3. Tổng số ca tử vong tại quốc gia này đã là 2.314, trong khi số ca nhiễm tăng từ 32.964 lên 37.575 ca.
Hy Lạp: Cơ quan Y tế Hy Lạp đã ghi nhận thêm 95 ca mới nhiễm virus SARS-CoV-2 trong ngày 28/3, nâng tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của nước này lên 1.061 trường hợp kể từ khi ghi nhận ca đầu tiên từ hôm 26/2.
Đại diện Bộ y tế Hy Lạp Sotiris Tsiodras cho biết, đến nay đã có 32 ca tử vong do COVID-19. Hy Lạp cũng đã ban bố một lệnh giới nghiêm có hiệu lực đến đầu tháng 4, hạn chế việc đi lại của người dân trừ vài trường hợp ngoại lệ. Nước này cũng đã đóng cửa biên giới với Italy, Tây Ban Nha và các nước ngoài Liên minh châu Âu (EU) nhằm khống chế sự lây lan của SARS-CoV-2.
Pakistan: Hiện nước này đang dẫn đầu khu vực Nam Á về số ca mắc dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, với 1.495 trường hợp (trong đó có 7 ca nguy kịch) tính đến tối 28/3, sau khi ghi nhận thêm 130 bệnh nhân mới.
Cũng theo nguồn tin, số ca tử vong do COVID-19 tại Pakistan là 12 trường hợp. Trường hợp bệnh nhân đầu tiên xuất hiện ở nước này vào ngày 26/2. Nguyên nhân khiến số ca nhiễm ở Pakistan gia tăng mạnh được cho là do chính quyền quản lý yếu kém những người hành hương tại trung tâm cách ly Taftan và việc người dân không chịu tuân thủ các hướng dẫn về giữ khoảng cách khi tiếp xúc.
Qatar: Ngày 28/3, Qatar đã ghi nhận ca đầu tiên tử vong do bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 - đó là một công dân Bangladesh - và thêm 28 ca mới nhiễm virus SARS-CoV-2), nâng tổng số ca mắc COVID-19 của nước này lên 590 trường hợp.
Hãng thông tấn nhà nước QNA cho biết, công dân Bangladesh 57 tuổi trước đó đã có bệnh lý mãn tính.
Iran: Bộ Y tế Iran ngày 28/3 cho biết trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 139 ca tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca tử vong vì COVID-19 ở quốc gia Trung Đông này lên 2.517 người. Quan chức trên cũng cho hay tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Iran hiện tăng lên thành 35.408 người.
Phát biểu trên truyền hình quốc gia, Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 28/3 cho biết cơ sở hạ tầng y tế của Iran tốt và sẵn sàng đối phó với nguy cơ bùng phát các ca nhiễm virus. Iran là một trong số các quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do đại dịch COVID-19
Israel: Bộ Y tế Israel cho hay số ca nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 tại nước này đã lên tới 3.460 người, sau khi có thêm 425 người được xác nhận dương tính với virus SARS-CoV-2. Đến nay, COVID-19 đã cướp đi mạng sống của 12 người tại Israel.
Để ứng phó với dịch bệnh, Chính phủ Israel đã cho đóng cửa tất cả trường học, cấm tụ tập quá 10 người cả trong phòng kín cũng như ngoài trời. Tất cả các cửa hàng cũng phải đóng cửa từ ngày 15/3, ngoại trừ các siêu thị, nhà thuốc, trạm xăng và ngân hàng. Bên cạnh đó, Israel cũng cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài, trừ những người có giấy phép cư trú tại nước này.
Algeria: Ủy ban giám sát khoa học về sự phát triển của đại dịch Covid-19 của Algeria cho biết, tính đến chiều 28/3 (giờ địa phương), cơ quan này đã ghi nhận thêm 45 trường hợp nhiễm mới virus SARS-CoV-2 và 3 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc COVID-19 trong cả nước lên 454 người và 29 ca tử vong.
Hiện Algeria đang đặt trong tình trạng báo động cao nhất để ngăn chặn đại dịch COVID-19, đồng thời để tránh lây lan dịch bệnh, chính quyền đã yêu cầu tất cả mọi người phải ở nhà và chỉ đi ra ngoài trong trường hợp khẩn cấp.
Ai Cập: Ngày 28/3, truyền thông nhà nước Ai Cập dẫn thông báo của Bộ Y tế cho hay, đã có thêm 6 trường hợp tử vong do COVID-19 và ghi nhận thêm 40 ca nhiễm chủng mới của virus SARS-CoV-2. Như vậy, tính đến nay tổng số trường hợp mắc COVID-19 ở Ai Cập đã lên đến 576 người, trong đó có 36 ca tử vong.
Trước đó, Bộ Y tế Ai Cập cho biết đã quyết định kéo dài thời gian cách ly tại nhà đối với những người từ nước ngoài trở về lên thành 28 ngày thay vì 14 ngày. Quyết định này cũng được áp dụng đối với những người trở về từ các cuộc hành hương ở Saudi Arabia.
|
Nguồn: Tuổi trẻ |
Hàn Quốc: Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (CDC) ngày 29/3 thông báo nước này đã ghi nhận thêm 105 ca nhiễm, nâng tổng số ca tại đây lên 9.583.
Trung Quốc: Nước này ghi nhận thêm 45 ca nhiễm trong ngày 28/3, thấp hơn so với mức tăng 54 ca của 1 ngày trước đó. Cơ quan y tế Trung Quốc ngày 29/3 cho biết chỉ có một trường hợp trong số ca nhiễm mới không phải du khách nước ngoài.
Trung Quốc hiện có tổng cộng 81.439 ca nhiễm và 3.300 người đã chết vì COVID-19.
Việt Nam: Cập nhật đến 9h30 ngày 29/3/2020
Tới 9 giờ sáng 29/3, Việt Nam đã ghi nhận thêm 5 trường hợp mắc mới, nâng tổng số người mắc COVID-19 của Việt Nam lên 179.
Bốn ca trong số này liên quan tới Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội); ca còn lại được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
Bộ Y tế khuyến cáo tất cả bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và những ai đã đến Bệnh viện Bạch Mai trong khoảng thời gian từ 12-27/3 thực hiện các biện pháp sau đây:
- Gửi tin nhắn thông báo họ tên đầy đủ và địa chỉ nơi ở của mình vào số điện thoại 8889.
- Liên lạc với Trung tâm kiểm soát bệnh tật tại địa phương để được tư vấn.
- Thực hiện khai báo y tế trên ứng dụng NCOVI (ncovi.vn), hoặc khai trực tuyến tại tokhaiyte.vn, thường xuyên cập nhật tình trạng sức khỏe để được tư vấn và trợ giúp.
Bộ Công Thương và công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19
Ngày 27/3/2020, Bộ Công Thương đã có Công văn hỏa tốc gửi Sở Công Thương các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương (đồng thời gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương) về việc kết nối cung cầu khẩu trang vải kháng khuẩn và khẩu trang vải kháng giọt bắn, kháng khuẩn phục vụ người dân phòng chống dịch COVID-19.
|
Cổng Thông tin Điện tử Bộ Công Thương |
Để hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận các điểm bán khẩu trang vải (khẩu trang vải kháng khuẩn, khẩu trang vải kháng khuẩn, kháng giọt bắn, khẩu trang vải thường) để phòng chống dịch bệnh Covid-19, Vụ Thị trường trong nước liên tục cập nhật và cung cấp trên trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương thông tin về danh sách các điểm bán khẩu trang vải các loại trên địa bàn một số tỉnh, thành phố trong cả nước.
Trong thời gian tới, Tổng cục sẽ tiếp tục chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ găm hàng, gây khan hiếm giả tạo, hàng giả, hàng nhái trên thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu trong phòng chống dịch như khẩu trang, nước rửa tay khô, vật tư y tế.
Phát hiện và xử lý 28 đối tượng doanh khẩu trang y tế, với số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 40 triệu.
Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, cục QLTT Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các Đội QLTT phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra kiểm soát thị trường đối với các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân, các loại trang thiết bị y tế dùng để phòng bệnh, chữa bệnh.
Qua công tác kiểm tra, lực lượng QLTT đã phát hiện và xử lý 28 đối tượng doanh khẩu trang y tế, với số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 40 triệu; tạm giữ 12.170 chiếc khẩu trang và một số nguyên liệu để sản xuất khẩu trang. Bên cạnh đó, lực lượng quản lý thị trường Vĩnh Phúc tích cực tuyên truyền, vận động gần 700 cơ sở ký cam kết không kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, không đầu cơ găm hàng, tăng giá bất hợp lý.