- Nguồn: Tuổi trẻ
- Mỹ: Trong 24 giờ qua, số người nhiễm bệnh COVID -19 tại Mỹ tăng thêm 21.146 lên 1.031.502, trong đó có 58.706 người thiệt mạng, tăng thêm 1.909. Số ca tử vong trong ngày tăng trở lại lên xấp xỉ 2.000 ca sau 2 ngày giảm xuống hơn 1.000.
Tính tới thời điểm hiện tại, số ca mắc COVID -19 tại Mỹ hiếm 1/3 tổng số ca mắc trên toàn thế giới, trong đó số ca tử vong chiếm 1/4.
Dù số liệu thống kê này cao một phần do dân số Mỹ đông, bên cạnh đó, Mỹ đã thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 trên diện rộng, đến nay đã có 5.846.276 người được xét nghiệm, song cũng cho thấy dấu hiệu đáng lo ngại của dịch COVID -19 tại cường quốc lớn nhất thế giới này. Trong khi dịch đã có dấu hiệu giảm tốc tại các nước "tâm dịch" khác thì tại Mỹ lại chưa thấy rõ được xu thế tương tự.
Theo một nhóm nghiên cứu chuyên theo dõi số liệu về dịch COVID -19 trên cả nước Mỹ, hiện số ca tử vong đã giảm, nhưng vẫn ở mức cao, với khoảng 24.000-41.000 ca mắc mới và khoảng 1.200-2.600 ca tử vong mỗi ngày.
Trong khi một số tiểu bang tại Mỹ đã bắt đầu nới lỏng biện pháp hạn chế khi cho phép các cửa hàng và dịch vụ mở cửa trở lại, giới chuyên gia cảnh báo, việc giảm số lượng ca mắc mới sẽ mất thời gian lâu hơn nhiều so với tốc độ tăng cao trong tháng 4.
Tổng thống Donald Trump ngày 28/4 cho biết, nước này đang cân nhắc xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với hành khách trên các chuyến bay quốc tế đến từ những điểm nóng của đại dịch COVID -19 hiện nay.
Italy: Ngày 28/4 Italy thông báo ghi nhận thêm 2.091 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID -19 tại nước này lên 201.505, số ca tử vong tăng lên 27.359 trường hợp (tăng 382 ca) và số ca hồi phục là 68.941 người (tăng 2.317 người).
Theo Cơ quan Bảo vệ dân sự Italy, hiện có 19.723 ca nhập viện với các triệu chứng, trong đó, tổng số ca phải điều trị tích cực là 1.863 ca, giảm 93 trường hợp.
Thủ tướng Giuseppe Conte nhấn mạnh, nguy cơ lây nhiễm trở lại hay bùng phát các ổ dịch là rất rõ ràng, do đó, Italy sẽ áp dụng các biện pháp nới lỏng nhưng thận trọng. Theo kế hoạch, nước này sẽ triển khai khai giai đoạn 2 từ ngày 4/5. Hơn 4,5 triệu người dân sẽ quay trở lại làm việc và sẽ tạo ra nhiều nguy cơ lây nhiễm, đó là lý do các trường học vẫn phải đóng cửa.
Tây Ban Nha: Ngày 28/4, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã thông báo một kế hoạch gồm 4 giai đoạn nhằm dỡ bỏ lệnh phong tỏa toàn quốc, được áp đặt để kiểm soát một trong những nơi bùng phát dịch COVID -19 nghiêm trọng nhất thế giới, với mục tiêu đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường trước cuối tháng 6.
Thủ tướng Sanchez cho biết, việc dỡ bỏ các biện pháp nghiêm ngặt sẽ bắt đầu vào ngày 4/5 và khác nhau giữa các vùng, phụ thuộc vào các nhân tố như tỷ lệ mắc bệnh, số giường trong khu điều trị đặc biệt tại mỗi địa phương cũng như cách mỗi vùng tuân thủ các quy tắc giãn cách.
Hiện Tây Ban Nha ghi nhận 232.128 ca nhiễm COVID -19 (tăng 2.706 ca trong 24 giờ qua) với 23.822 trường hợp tử vong (tăng 301 ca). Tây Ban Nha là nước có số ca nhiễm cao thứ 2 thế giới sau Mỹ, trong khi số ca tử vong cao thứ 3 thế giới chỉ sau Mỹ và Italy.
Anh: Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock thông báo, số ca tử vong do nhiễm SARS-CoV-2 tại các bệnh viện của Anh đã tăng thêm 586 trường hợp, nâng tổng số ca tử vong lên thành 21.678 người. Số ca nhiễm COVID -19 ở Anh hiện là 161.145, tăng 3.996 trường hợp trong 24 giờ qua.
Pháp: Tại Pháp, số ca tử vong vì SARS-CoV-2 đã lên tới 23.660 người (tăng 367 ca trong 24 giờ), trong đó có 14.810 người ở bệnh viện (tăng 313 ca) và 8.850 người ở nhà dưỡng lão và cơ sở y tế xã hội (tăng 54 ca). Số người nhiễm bệnh hiện tại là 165.911 ca, tăng 2.638 trường hợp.
Hiện có 27.484 người đang nằm viện (giảm 571 trường hợp so với hôm trước), trong đó 4.387 người phải chăm sóc đặc biệt (giảm 221 trường hợp). Như vậy, số bệnh nhân nặng cần hồi sức tích cực đã giảm liên tiếp từ 20 ngày qua.
Chiều 28/4, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe đã trình bày trước Quốc hội kế hoạch của Chính phủ về việc nới lỏng dần các biện pháp phong tỏa toàn quốc từ ngày 11/5. Kế hoạch này được 75 nghị sĩ, đại diện cho tổng số 577 thành viên Quốc hội, tranh luận trước khi đưa ra quyết định thông qua bỏ phiếu.
Trung Quốc: Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc thông báo ghi nhận thêm 22 ca nhiễm SARS-CoV-2 trong ngày 28/4, nâng tổng số ca mắc COVID -19 tại Trung Quốc đại lục lên thành 82.858 người. Đây là ngày có số ca nhiễm cao nhất trong vòng 1 tuần qua, với mức tăng mới trong ngày chỉ ghi nhận trên dưới 10 ca.
Trong số 22 ca mới ghi nhận trong ngày 28/4 có 21 ca là xuất phát từ nước ngoài. Tính tới thời điểm hiện tại, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 4.633 ca tử vong do COVID -19.
Hàn Quốc: Cơ quan Quản lý và Phòng chống Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết, tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 tăng thêm 9 ca lên thành 10.761 trong 24 giờ qua. Số ca tử vong tăng thêm 2 lên thành 246 ca.
Hàn Quốc có thêm 68 bệnh nhân mắc COVID -19 hồi phục hoàn toàn, nâng tổng số ca được chữa khỏi lên 8.922 ca.
Sau 4 tuần giãn cách xã hội nghiêm túc và tích cực xét nghiệm, Hàn Quốc dường như đã kiểm soát được dịch bệnh, với khoảng 10 hoặc ít hơn các ca nhiễm mới được ghi nhận mỗi ngày trong hơn một tuần qua.
Thái Lan: Ngày 29/4, Thái Lan xác nhận thêm 9 ca nhiễm SARS-CoV-2, nhưng không có thêm trường hợp tử vong nào. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp số lượng ca mắc COVID -19 mới ghi nhận theo ngày ở Thái Lan ở mức 1 con số.
Hiện Thái Lan ghi nhận tổng cộng 2.947 bệnh nhân COVID -19, trong đó có 54 trường hợp tử vong. Nước này đã chữa thành công cho 2.665 bệnh nhân, trong khi còn 228 bệnh nhân đang được điều trị tại các bệnh viện.
Trong khi đó, giới chức y tế Thái Lan khuyến cáo các bệnh viện tư không nên lập các trạm xét nghiệm COVID -19 lưu động tại những khu vực đông đúc để tránh làm lây lan thêm và biến trạm sàng lọc thành một điểm nóng. Khuyến cáo này được đưa ra sau khi có tin tức về một số bệnh viện đã lập các trạm xét nghiệm bên ngoài các trung tâm mua sắm và cây xăng.
Diễn biến tình hình dịch COVID -19 tại Việt Nam
Sáng 29/4, không có ca mắc mới COVID-19, thêm 1 ca dương tính trở lại sau khi khỏi bệnh
- Nguồn: Baotainguyenmoitruong
- Bản tin lúc 6h00 ngày 29/4 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết, đến sáng nay không có ca mắc mới COVID-19, tuy nhiên có thêm 01 ca dương tính trở lại sau khi khỏi bệnh
Tổng số ca mắc: Tính đến 6h ngày 29/4, Việt Nam có tổng cộng 130 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.
Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 42.057, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 323; Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 6.643; Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 35.091.
Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19:
BN151 dương tính trở lại với SARS-CoV-2: Bệnh nhân là vợ của BN207. Bệnh nhân cũng đã được công bố khỏi bệnh và cùng chồng được ra viện, tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà thêm 14 ngày theo quy định của Bộ Y tế.
Tuy nhiên, ngày 27/4, sau khi chồng là BN207 dương tính trở lại, BN151 cũng được đưa vào bệnh viện cách ly. Cũng trong ngày 27/4, bà được xét nghiệm và cho kết quả âm tính. Ngày 28/4, xét nghiệm lại lần 2 và cho kết quả dương tính trở lại. Hiện bệnh nhân đang được tiếp tục theo dõi và điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi.
Như vậy, đến thời điểm này, có 3 bệnh nhân dương tính trở lại sau khi khỏi bệnh đang cách ly, điều trị, theo dõi tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi là : BN207, BN224 và BN151.
Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo xây dựng giải pháp tăng trưởng hậu COVID-19
Sáng ngày 29/4/2020, Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đã đến làm việc tại Bộ Công Thương. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải và Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ đã tham dự, làm việc cùng Đoàn công tác.
- Nguồn: Tapchicongthuong
- Tập trung phát triển thị trường trong nước
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, cả nước hiện đang chuyển sang một giai đoạn mới, phòng chống dịch dài hơi hơn, căn cơ hơn; tiếp tục thực hiện mục tiêu kép bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân, kiểm soát tốt dịch bệnh và tích cực triển khai các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Bộ trưởng, chúng ta cần đánh giá bối cảnh mới, từ đó xác định cụ thể các yêu cầu, mục tiêu, cơ hội là gì. Theo Bộ trưởng, các cơ hội cũng cần phải cụ thể, định lượng được theo từng nhóm ngành hàng, lĩnh vực để đề ra cho phù hợp. Dẫn câu chuyện liên quan đến Hiệp định EVFTA, Bộ trưởng cho biết, thuận lợi đã nói nhiều, nhưng hiện nay cần đặt trong bối cảnh dịch bệnh, trong giai đoạn phục hồi kinh tế, hướng đến chủ thể là doanh nghiệp, địa phương và người dân thì cơ hội của Hiệp định là gì, tác động như thế nào đến đời sống, kinh tế - xã hội. Từ việc xác định được chủ thể thì cơ chế, chính sách đòi hỏi phải có sự tương thích, gắn với tình hình thực tế.
Bộ Công Thương đã triển khai thực hiện nghiêm túc, tích cực các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19.
Theo đó, tại Quyết định số 481/QĐ-BCT và Chỉ thị số 06/CT-BCT, Bộ đã xây dựng các giải pháp và phân giao 127 nhiệm vụ cho các Đơn vị triển khai thực hiện. Trong đó, bao gồm cả các nhiệm vụ cấp bách trước mắt và các nhiệm vụ mang tính dài hạn để củng cố năng lực sản xuất kinh doanh trong nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đến thời điểm này, các đơn vị đều đang bám sát yêu cầu nội dung và tiến độ của các nhiệm vụ được giao để triển khai thực hiện theo kế hoạch.
Việc triển khai thực hiện một cách đồng bộ các nhiệm vụ được Bộ đề ra tới nay đã cho thấy những kết quả tích cực, cả trong công tác phòng chống dịch bệnh, cả trong công tác tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
Theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, bên cạnh việc tiếp tục xử lý các vấn đề cấp bách để vừa phòng chống dịch, vừa tháo gỡ khó khăn cho sản xuát kinh doanh thì yêu cầu đặt ra trong thời gian tới là cần xây dựng kế hoạch để thúc đẩy tái cơ cấu trong các lĩnh vực của ngành Công Thương trong tình hình mới. Trong đó, Bộ Công Thương đang xây dựng Kế hoạch hành động, tập trung vào 8 nhóm nội dung chính:
Một là, khẩn trương xây dựng ban hành nội dung khung hướng dẫn các biện pháp bảo đảm an toàn chô các cơ sở sản xuất kinh doanh trong ngành Công Thương trong giai đoạn mới phòng chống dịch COVID -19.
Hai là, tiến hành cập nhật đánh giá các yếu tố ảnh hưởng trong tình hình mới để điều chỉnh nội dung và đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu các lĩnh vực sản xuất công nghiệp và thương mại.
Ba là, rà soát để điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Bốn là, tái cơ cấu thị trường, khai thác hiệu quả thị trường xuất nhập khẩu và thị trường trong nước trong tình hình mới.
Năm là, nâng cao hiệu quả công tác hội nhập quốc tế về kinh tế
Sáu là, bảo đảm trật tự thị trường, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp và bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng.
Bảy là, tiếp tục rà soát để đơn giản hóa thủ tục hành chính, thực hiện Chính phủ điện tử, tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp và người dân.
Tám là, rà soát, cập nhật và tổ chức triển khai Kế hoạch hành động của ngành Công Thương về nâng cao năng lực và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Bộ trưởng chia sẻ thêm, gói kích cầu đầu tiên là tạo thuận lợi cho kích cầu tiêu dùng. Bên cạnh đó, bối cảnh hiện tại nên thúc đẩy thương mại điện tử phát triển. Theo Bộ trưởng, đây là lúc phải định vị lại phát triển thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của tất cả các doanh nghiệp Việt Nam.
Kết luận buổi làm việc, Tổ trưởng Tổ tư vấn Nguyễn Đức Kiên và TS. Trần Đình Thiên đánh giá cao các ý kiến thẳng thẳn, thấu đáo và “có tầm nhìn” của Bộ Công Thương. Tổ hy vọng sẽ tiếp tục có những buổi làm việc như vậy để Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng và Bộ Công Thương có những trao đổi, phản biện nhiều hơn, từ đó đóng góp những ý kiến xác đáng, tham mưu chính sách cho Chính phủ trong giai đoạn phục hồi kinh tế hậu COVID -19 cũng như giai đoạn sau.
Nguồn:VITIC Tổng hợp