Cập nhật lúc 9h30 ngày 7/4
Tính đến 6h ngày 7/4, thế giới ghi nhận
1.342.372 ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, với
74.558 ca tử vong và
278.182 ca hồi phục.
|
Nguồn: Baoquocte.vn |
Mỹ: Tính đến sáng 7/4,Mỹ có số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 cao nhất thế giới và là một trong những quốc gia ghi nhận nhiều bệnh nhân tử vong nhất, cùng với Tây Ban Nha và Italy. Tình trạng này dự kiến sẽ còn trở nên tồi tệ hơn. Nhà Trắng hôm 31/3 đã dự báo, số ca tử vong do SARS-CoV-2 ở Mỹ có thể lên tới khoảng từ 100.000 - 240.000 người.
Số ca tử vong do Covid-19 ở Mỹ tăng thêm 1.176 ca, lên tổng cộng 10.792. Mỹ hiện là quốc gia có số ca nhiễm đứng đầu thế giới và số ca tử vong do Covid-19 đứng thứ ba thế giới (sau Ý và Tây Ban Nha).
Ngày 6/4, một nhân viên điều tra Mỹ xác nhận, 1 trẻ sơ sinh 1 ngày tuổi đã tử vong do SARS-CoV-2 tại Giáo xứ East Baton Rouge, bang Louisiana.
Italy: Tại Italy, Cơ quan Bảo vệ Dân sự xác nhận thêm 3.599 ca dương tính với SARS-CoV-2 trong ngày 6/4, đây là số ca bệnh mới thấp nhất kể từ ngày 17/3 tại quốc gia này. Có thêm 636 ca tử vong do SARS-CoV-2 ở Italy, cao hơn so với 525 trường hợp được thống kê trong ngày 5/4, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 thiệt mạng lên 16.523 người - mức cao nhất trên thế giới.
Tổng số bệnh nhân mắc Covid-19 ở Italy hiện là 132.547 người, trong đó có 22.837 bệnh nhân đã hồi phục.
Pháp: Ngày 6/4, Pháp ghi nhận thêm 833 ca tử vong do Covid-19 bên trong các bệnh viện và viện dưỡng lão trong vòng 24 giờ. Đây là số ca tử vong tăng thêm trong một ngày cao nhất tới nay ở nước này.
Trước đó, Pháp đã ghi nhận các tín hiệu tích cực khi số ca tử vong tăng thêm trong ngày 5/4 chỉ là 357, mức tăng thấp nhất trong khoảng một tuần, làm dấy lên hi vọng rằng nước này đã chạm đỉnh dịch.
Tuy nhiên, với diễn biến mới nhất, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran nhận định nước này vẫn chưa tới giai đoạn đó. Hiện số ca tử vong do Covid-19 ở Pháp là 8.911 ca, cao thứ tư thế giới sau Ý, Tây Ban Nha và Mỹ.
Đức: Ngày 6/4, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng đại dịch Covid-19 là thử thách lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU) tới nay và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường sức mạnh khối để vượt qua khủng hoảng.
Canada: Tại Canada, người đứng đầu Cơ quan y tế công cộng Theresa Tam cho rằng, đối với những người nhiễm SARS-CoV-2 mà không biết, việc đeo khẩu trang là cách tránh lây bệnh cho người khác.
Phát biểu này đánh dấu một bước thay đổi trong đánh giá của giới chức y tế Canada về vai trò của khẩu trang trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19. Người đứng đầu Cơ quan y tế công cộng Canada nhấn mạnh: “Đeo khẩu trang là một biện pháp bổ sung mà bạn có thể làm để bảo vệ những người xung quanh mình”. Người đeo khẩu trang vẫn phải tuân thủ các biện pháp khác để phòng chống dịch bệnh, như thực hiện giãn cách xã hội và rửa tay thường xuyên.
Theo Worldometers, Canada đã ghi nhận 16.666 ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó có 323 người tử vong.
Anh: Ngày 6/4, Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết, ông Boris Johnson đang được điều trị đặc biệt tại bệnh viện sau khi tình trạng bệnh của nhà lãnh đạo này diễn biến xấu đi.
Tuyên bố của Phố Downing cho hay: “Kể từ đêm Chủ Nhật (5/4), Thủ tướng đã được các bác sĩ của Bệnh viện St Thomas ở thành phố London chăm sóc… Suốt buổi chiều hôm nay, tình trạng của Thủ tướng đã xấu đi và theo lời khuyên từ đội ngũ y tế, ông đã được chuyển đến Khoa Điều trị Tích cực”.
Tính đến nay Anh đã ghi nhận 51.608 ca Covid-19, trong đó có 5.373 ca tử vong và chỉ 135 ca hồi phục.
Châu Phi: Tại châu Phi, ngày 5/4, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi) cho biết số ca tử vong do virus SARS-CoV-2 gây dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 tại lục địa này đã chạm mốc 360, đồng thời số trường hợp nhiễm chủng virus nguy hiểm này cũng tăng lên 8.536.
Theo CDC châu Phi, dịch Covid-19 đã lan rộng tới 50 quốc gia ở châu lục này, trong đó các trường hợp nhiễm bệnh cao nhất được ghi nhận tại Nam Phi (với 1.585 ca), Algeria (1.171) và Ai Cập (1.070).
Bên cạnh đó, khoảng 710 bệnh nhân mắc Covid-19 đã phục hồi tại châu Phi. CDC châu Phi cho biết thêm, chỉ riêng trong vòng 24 giờ, qua số trường hợp mắc Covid-19 tại châu Phi đã tăng thêm 795 trường hợp, từ mức 7.741 lên 8.536. Trong khi đó, số ca tử vong tăng tương ứng từ 313 lên 360.
Hiện Liên minh châu Phi, thông qua CDC châu Phi, đã kích hoạt Trung tâm Hoạt động Khẩn cấp và Hệ thống Quản lý Sự Cố (IMS) để xử lý sự bùng phát của dịch Covid-19 trên toàn châu lục. CDC châu Phi cũng đã lên kế hoạch hành động thứ ba trong giai đoạn từ 16/3 đến 15/4.
Trung Quốc: Theo hãng tin AFP, Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) Trung Quốc thông báo, lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu công bố số liệu dịch bệnh tháng 1/2020, nước này không ghi nhận ca tử vong nào theo ngày vì Covid-19.
Mặc dù ca bệnh tại Trung Quốc đại lục đã giảm dần từ tháng 3, nhưng nước này vẫn đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ hai từ nước ngoài đưa vào với tổng cộng gần 1.000 ca nhập khẩu. Tính hết ngày 6/4, Trung Quốc có thêm 32 ca nhiễm mới trên toàn quốc, tất cả đều từ bên ngoài đưa vào. Cũng có 30 ca mới chưa có triệu chứng.
Như vậy tới nay Trung Quốc có tổng cộng 81.740 người nhiễm bệnh, 3.331 người đã chết vì Covid-19.
|
Nguồn: Tuổi trẻ |
Philippines: Tổng thống Philippines, ông Rodrigo Duterte, hôm nay 7/4 đã đồng ý kéo dài thêm thời gian phong tỏa và các biện pháp cách ly xã hội với hơn một nửa dân số trong nước để phòng dịch Covid-19.
Lệnh tăng cường cách ly cộng đồng đáng lẽ sẽ hết hạn trong tuần tới, nhưng sẽ được được gia hạn tới 30/4, theo thông báo của thư ký nội các chính phủ Karlo Nograles.
Thái Lan: Ngày 7/4, Thái Lan công bố thêm 38 ca nhiễm SARS-CoV-2, với 1 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm bệnh lên 2.258 bệnh nhân và tổng số ca tử vong lên 27 người.
Đây là ngày thứ hai liên tiếp số ca nhiễm SARS-CoV-2 được ghi nhận trong một ngày ở Thái Lan giảm xuống 2 con số. Cho đến nay, 824 bệnh nhân Covid-19 ở Thái Lan đã được xác nhận bình phục.
Trong khi đó, Hội Chữ thập Đỏ Thái Lan đang mời các bệnh nhân khỏi bệnh hiến huyết tương để hỗ trợ điều trị các bệnh nhân Covid-19 nặng. Những người mong muốn hiến huyết tương phải là những bệnh nhân nhiễm Covid-19 không có triệu chứng bệnh, đã được xuất viện, cách ly ở nhà trong 14 ngày và có sức khỏe tốt.
Cập nhật mới nhất về dịch COVID-19 tại Việt Nam:
Thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết: Tính đến 9h sáng ngày 7/4, Việt Nam chưa ghi nhận thêm ca bệnh mới dương tính với virus SARS-CoV-2. Tổng số ca mắc vẫn là 245 trường hợp, gồm 153 người từ nước ngoài, chiếm 62,4%; có 92 người lây nhiễm thứ phát, trong đó 62 người thuộc ổ dịch nội địa. Trong ngày 7/4, dự kiến sẽ có 18 bệnh nhân được công nhận khỏi bệnh.
Báo cáo của Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, hiện có 3 ca bệnh nặng. Trong đó, hai ca đang thở máy, lọc máu là bệnh nhân thứ 19 và bệnh nhân thứ 161 đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Bệnh nhân thứ 19 đã có tiến triển, kết thúc ECMO lúc 12 giờ 20 ngày 4/4/2020. Bệnh nhân thứ 91 đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh đã chuyển từ thở máy không xâm nhập sang thở máy xâm nhập và ECMO.
Tổng số có 32 trường hợp có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với virus SARS-CoV-2 và 30 trường hợp có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với virus SARS-CoV-2.
Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 cũng cho biết: Thủ tướng đã yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, căn cứ quy định của pháp luật hiện hành cần tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, kịp thời phát hiện, khẩn trương xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19.
Trong đó, các hành vi vi phạm cần chú ý nhất là: Không chấp hành biện pháp phòng, chống dịch; chống đối người thi hành công vụ phòng, chống dịch; đưa tin sai, không đúng sự thật, gây hoang mang dư luận, mất ổn định xã hội; tái chế khẩu trang y tế đã qua sử dụng; sản xuất hàng giả, đầu cơ găm hàng, tăng giá trái pháp luật, gian lận thương mại, gây bất ổn thị trường... Nếu có dấu hiệu tội phạm phải chuyển ngay hồ sơ đến cơ quan chức năng để điều tra, xử lý hình sự.
Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương tiến hành điều tra, xem xét, xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm có dấu hiệu cấu thành tội phạm hình sự.
Các Bộ, cơ quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo tình hình và kết quả thực hiện, gửi Bộ Y tế trước ngày 15/4/2020 để Bộ Y tế tổng hợp, báo cáo Thủ tướng trước ngày 17/4/2020.
Công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Công Thương
Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh
Theo Nghị định số 17, Bộ Công Thương tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa 205 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ như: Kinh doanh ôtô, điện lực, hóa chất, thực phẩm, khoáng sản, kinh doanh khí, thuốc lá. Đồng thời, Nghị định 17 cũng giữ lại và bổ sung một số điều kiện kinh doanh trong một số lĩnh vực. Cụ thể, với lĩnh vực kinh doanh thực phẩm, có bổ sung một số điều kiện về khu vực sản xuất, chế biến, bao gói, vận chuyển, bảo quản…
|
Nguồn: Congthuong.vn |
Sau khi Nghị định 17 được ban hành, Bộ Công Thương đã chủ động rà soát nội dung các văn bản liên quan và nhận thấy cần thiết xây dựng Thông tư để sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong một số lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương. Trên cơ sở này, Bộ Công Thương đã quyết định thành lập Tổ soạn thảo xây dựng Thông tư. Đến nay, dự thảo Thông tư đã được đăng tải trên cổng thông tin của Bộ và được gửi lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị liên quan đến các lĩnh vực kinh doanh thực phẩm, hóa chất, kinh doanh khoáng sản, điện lực. Theo kế hoạch, đến tháng 5 sẽ hoàn tất việc lấy ý kiến xây dựng Thông tư.
Theo Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương), dự thảo Thông tư tập trung lấy ý kiến sửa đổi, bãi bỏ một số quy định liên quan đến các lĩnh vực: Kinh doanh thực phẩm, hóa chất, kinh doanh khoáng sản, điện lực. Cụ thể, như sửa đổi, bãi bỏ một số điều của Thông tư số 43/2018/TT-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về quản lý an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương; bãi bỏ một số điều của Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT của Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ trưởng Bộ Công Thương hướng dẫn việc phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; sửa đổi, bãi bỏ một số điều khoản của Thông tư số 55/2014/TT-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 38/2014/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hóa chất thuộc diện kiểm soát của Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí…
Đối với kinh doanh khoáng sản, Bộ Công Thương lấy ý kiến sửa đổi một số điều khoản của Thông tư số 12/2016/TT-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 41/2012/TT-BCT quy định về xuất khẩu khoáng sản; sửa đổi, bãi bỏ một số điều khoản của Thông tư số 14/2013/TT-BCT quy định về điều kiện kinh doanh than; sửa đổi, bãi bỏ một số điều khoản của Thông tư số 15/2013/TT-BCT quy định về xuất khẩu than...; Bãi bỏ khoản 2 Điều 25 Thông tư số 43/2013/TT-BCT ngày 31/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực đã được sửa đổi tại Điều 2 Thông tư số 24/2016/TT-BCT ngày 30/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định một số nội dung về rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng.
Nguồn:VITIC Tổng hợp