menu search
Đóng menu
Đóng

Châu Mỹ, EU chưa phải khu vực xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam

08:07 25/03/2020

Vinanet - Châu Á mới là đối tác thương mại lớn nhất và cũng là khu vực thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta.
Châu Mỹ hay Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) là những thị trường xuất khẩu quan trọng hàng đầu của Việt Nam, trong đó Mỹ là thị trường lớn nhất trong hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ nước ta có quan hệ ngoại thương. Nhưng xét theo châu lục, châu Á mới là đối tác thương mại lớn nhất và cũng là khu vực thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta.

chau my eu chua phai khu vuc xuat khau lon nhat cua viet nam

Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến các thị trường, khu vực thị trường trong 2 tháng đầu năm 2020. Biểu đồ: T.Bình.
Gần 50% thị phần kim ngạch xuất khẩu
Thông tin một số đối tác ở Mỹ, EU thuộc ngành hàng dệt may và một số lĩnh vực tạm ngừng hoặc giãn tiến độ nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam do ảnh hưởng của Covid-19 đang làm nhiều doanh nghiệp lo lắng.
Tuy nhiên, Việt Nam còn nhiều đối tác thương mại lớn để “chia lửa” khi doanh nghiệp gặp khó trong xuất khẩu sang EU và Mỹ, nhất là những thị trường lớn ở châu Á- châu lục giữ vị trí đối tác thương mại số 1 cả về xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam.
Trong 3 năm gần đây, châu Á đều chiếm trên 50% trị giá kim ngạch xuất khẩu cả nước.

 

Kim ngạch xuất khẩu sang châu Á năm 2017 đạt 111,95 tỷ USD chiếm 52,3% kim ngạch xuất khẩu cả nước; năm 2018 đạt 131,36 tỷ USD chiếm tỷ trọng 53,95%; năm 2019 vừa qua đạt 135,45 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 51,3%.

 

Theo thông tin mới nhất của Tổng cục Hải quan, hết tháng 2/2020, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với châu Á tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất, tới 64,3% trong tổng trị giá của cả nước, tương đương con số 49,09 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, trị giá xuất khẩu là 19,23 tỷ USD, tăng 4,2% và trị giá nhập khẩu là 29,86 tỷ USD, tăng 2%.
Đáng chú ý, châu Á đang là đầu ra lớn nhất cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam với thị phần 49,2% kim ngạch cả nước.
Tại châu Á, Việt Nam cũng có nhiều thị trường xuất khẩu “tỷ USD” như khối ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Riêng thị trường Trung Quốc đạt 5,48 tỷ USD, tăng mạnh 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm thị phần 14% kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Như vậy, riêng thị trường Trung Quốc cũng có kim ngạch xấp xỉ của tất cả thành viên EU (kim ngạch tại thị trường EU đạt 5,89%).
Điểm đáng chú ý, trong khi kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh thì tốc độ ở EU lại giảm 4,6%.
Ngoài ra, các thị trường khác như khu vực ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc đạt kim ngạch và tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước lần lượt là: 3,94 tỷ USD, 10,1%; 3,12 tỷ USD, 8%; 2,95 tỷ USD, 7,6%.
Điều đáng mừng là dù tốc độ tăng trưởng không lớn như tại Trung Quốc nhưng cả 3 thị trường nêu trên ở châu Á đều đạt tăng trưởng dương trong 2 tháng đầu năm.
Dù chưa có được ưu thế vượt trội như tại thị trường Mỹ và EU, nhưng các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như điện thoại, máy vi tính, dệt may, giày dép, nông sản… vẫn đang có sự hiện diện đáng kể ở khu vực châu Á.
Cơ hội cải thiện cán cân thương mại
Tình hình dịch Covid-19 đang có chiều hướng được kiểm soát tốt ở Trung Quốc và nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ ở châu Á là cơ hội tốt để doanh nghiệp trong nước tăng trưởng xuất khẩu vào khu vực này.
Ngoài việc “chia lửa” cho giai đoạn khó khăn khi xuất hàng sang Mỹ, EU, việc tăng trưởng xuất khẩu tốt cũng giúp cải thiện được cán cân thương mại đang bị thâm hụt lớn của Việt Nam ở khu vực châu Á.
Việt Nam vẫn đang phụ thuộc lớn vào nguồn cung linh kiện hàng điện tử; nguyên phụ liệu dệt may, da giày; máy móc, thiết bị… từ các thị trường châu Á, nhất là Trung Quốc và Hàn Quốc.
Trong khi đây đang là những nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam và cũng là sự đóng góp quan trọng cho sản phẩm đầu ra của những ngành hàng xuất khẩu chủ lực.
Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm nay, nước ta đang nhập siêu hơn 10 tỷ USD từ châu Á. Trong cả 4 đối tác quan trọng hàng đầu ở châu Á kể trên, nước ta đều chịu cảnh nhập siêu.
Trong đó, nhập siêu lớn nhất của Việt Nam từ Hàn Quốc với con số thâm hụt lên đến 4,9 tỷ USD. Tiếp đến là Trung Quốc với mức thâm hụt hơn 3,8 tỷ USD; ASEAN có con số thâm hụt khoảng 750 triệu USD; Nhật Bản là thị trường nước ta có cán cân khá cân bằng với con số nhập siêu chỉ khoảng 20 triệu USD.
 

Nguồn:Haiquanonline.com.vn

Link gốc