Diễn biến kim ngạch 3 nhóm hàng lớn nhất. Biểu đồ: T.Bình.
Quy mô nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng hơn 29,84 tỷ USD trong 8 tháng qua, với 46/53 nhóm hàng chủ lực có kim ngạch tăng so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, nhiều nhóm hàng tăng thêm hàng tỷ USD, có thể kể đến như: máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 10,2 tỷ USD (tương ứng tăng 21,8%); xăng dầu các loại tăng 3,45 tỷ USD (tương ứng tăng 125%); than đá tăng hơn 2,72 tỷ USD (tương ứng tăng 98,2%); dầu thô tăng 1,62 tỷ USD (tương ứng tăng 49,5%); hóa chất tăng 1,61 tỷ USD (tương ứng tăng 32%)…
Một số nhóm hàng nhập khẩu chính trong 8 tháng đầu năm như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 57,24 tỷ USD. Thị trường nhập khẩu lớn nhất là Trung Quốc với hơn 16,66 tỷ USD, tăng 3,05 tỷ USD (tương ứng tăng 22,4%).
Tiếp theo là Hàn Quốc với 16,56 tỷ USD, tăng 4,08 tỷ USD (tăng 32,7%); thị trường Đài Loan với 7,82 tỷ USD, tăng 1,8 tỷ USD (tăng 29,2%)…
Tuy nhiên, nhập khẩu nhóm hàng này từ thị trường Hoa Kỳ lại giảm khi chỉ đạt 2,47 tỷ USD, giảm 754 triệu USD (giảm 23,4%) so với cùng kỳ năm ngoái.
Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 30,73 tỷ USD, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp FDI nhập khẩu 21,49 tỷ USD, tăng 5,6% và doanh nghiệp trong nước nhập khẩu 9,24 tỷ USD, giảm 14,2%.
Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam với kim ngạch 16,63 tỷ USD, nhưng giảm 0,6%. Tiếp đến là Hàn Quốc với 4,39 tỷ USD, tăng 2,9%; Nhật Bản với 2,86 tỷ USD, giảm 2%...
Nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may, da, giày (bao gồm: bông, xơ sợi dệt, vải các loại, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày) đạt 19,36 tỷ USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước.
8 tháng qua, Trung Quốc cũng là thị trường lớn nhất cung cấp nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may da giày cho Việt Nam, chiếm tỷ trọng tới gần 52%, với 10 tỷ USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước...