Phá vỡ truyền thống tồn tại 6 năm qua, “Văn bản số 1” được quốc tế theo dõi sát sao của Trung Quốc vừa ban hành, đã không đề cập chút nào tới cụm từ “tự đáp ứng lương thực cơ bản” (basic self-sufficiency), một nội dung lớn trong chính sách nông nghiệp của Trung Quốc trong suốt thập kỷ qua.
Sự vắng bóng cụm từ này là dấu hiệu mới nhất cho thấy chính phủ Trung Quốc đang đạp phanh sang số sau nhiều năm hỗ trợ sản xuất các loại ngũ cốc chính như ngô, lúa mỳ và gạo, dẫn tới các kho dự trữ khổng lồ không được giao dịch. “Không ai nghĩ rằng Trung Quốc sẽ duy trì chính sách tự cung tự cấp theo cách họ đang làm. Họ triển khai chính sách này thông qua trợ giá và chính sách trợ giá này quá tốn kém”, theo Erlend Ek, giám đốc nghiên cứu nông nghiệp về chính sách Trung Quốc thuộc một hãng tư vấn tại Bắc Kinh nhận định.
Trung Quốc đã dỡ bỏ chính sách giá tối thiểu đối với mặt hàng ngô trong năm 2016, và tuyên bố tiếp tục duy trì trợ giá cho lúa mỳ và gạo trong năm 2017. Nhưng các nhà chức trách nước này cho biết giá cả trong tương lai sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào diễn biến của thị trường.
Các kho dự trữ ngũ cốc khổng lồ cho phép chính phủ nước này tạm gác lại trọng tâm về sản lượng ngũ cốc và thay vào đó quan tâm tới việc chuẩn bị tốt hơn cho ngành nông nghiệp để đáp ứng các cuộc khủng hoảng trong tương lai bằng cách đầu tư hàng tỷ NDT vào hệ thống thủy lợi, cơ sở hạ tầng và phục hồi đất nông nghiệp.
Theo ông Tang Renjian, phó trưởng nhóm chính sách nông thôn của Đảng Cộng sản Trung Quốc, trọng tâm đã chuyển từ vấn đề thiếu hụt nông sản sang cân đối cung – cầu, “cải thiện chất lượng và khả năng cạnh tranh, thúc đẩy khả năng phát triển nông nghiệp bền vững”.
Văn bản này còn kêu gọi ổn định sản xuất thịt lợn, thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm sữa và tìm các kênh mới để tiêu thụ các kho dự trữ ngô. Đồng thời, chính sách này cũng nhấn mạnh vai trò của thị trường quốc tế để giúp Trung Quốc đáp ứng nhu cầu, trong một tín hiệu mạnh mẽ từ Bắc Kinh về chấp thuận việc nhập khẩu là cần thiết.
Trong khi văn bản số 1 của năm 2016 đặt trọng tâm vào nhu cầu đa dạng hóa nguồn thực phẩm nhập khẩu, văn bản số 1 của năm 2017 nhấn mạnh việc thúc đẩy đầu tư quốc tế, khuyến nghị rằng Trung Quốc sẽ tăng nhập khẩu nhưng cũng muốn nhận được một phần lợi nhuận. “Thương mại toàn cầu là rất quan trọng”, ông Ek cho biết thêm. “Mục tiêu cơ bản của phát triển nông nghiệp là đáp ứng mục tiêu của con người. Bất kể nguồn hàng hóa đến từ sản xuất nội địa hay thị trường quốc tế đều ok”.
Nguồn: gappingworld.wordpress.com/ Reuters