menu search
Đóng menu
Đóng

Chính sách tiền tệ sẽ lại đảo chiều trong năm 2024

16:50 25/02/2024

Năm 2024 đã đến với kỳ vọng của tất cả các nhà đầu tư, nhà kinh tế, lãnh đạo doanh nghiệp và người tiêu dùng: Hãy bắt đầu cắt giảm lãi suất!
 
Hầu hết các NHTW từ các nền kinh tế phát triển đã kết thúc năm 2023 với việc giữ nguyên lãi suất và phát đi tín hiệu chu kỳ tăng lãi suất mạnh mẽ trong suốt hai năm qua có thể đã kết thúc.
Lý do khiến các NHTW lớn có thể làm như vậy là lạm phát tại các nền kinh tế phát triển đã hạ nhiệt khá nhanh trong năm 2023. Tuy nhiên hiện lạm phát tại nhiều nền kinh tế lớn vẫn đang cao gấp khoảng 1,5 lần mục tiêu của các NHTW. Điều đó cũng có nghĩa là vẫn còn nhiều việc phải làm và đó cũng chính là lý do các NHTW lớn không muốn tuyên bố là họ đã giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lạm phát. Vì lẽ đó câu khẩu hiệu “lãi suất sẽ được duy trì ở mức cao trong thời gian dài” vẫn được nhiều NHTW lớn sử dụng.
Thế nhưng theo giới chuyên gia, lạm phát không cần phải giảm hoàn toàn xuống 2% để các nhà hoạch định chính sách bắt đầu cắt giảm lãi suất và tỷ lệ lạm phát biến động xung quanh mức 2% có thể sớm trở thành mục tiêu mới của các NHTW. Bởi theo các nhà kinh tế, việc duy trì lãi suất cao trong khi lạm phát chậm lại hơn nữa cũng là một hình thức thắt chặt chính sách và nó có thể không còn phù hợp trong thời gian tới.
Đó cũng chính là điều mà một số quan chức Fed đã bắt đầu công khai coi đó là lý do cho việc cắt giảm lãi suất mà họ đã cảnh báo tại cuộc họp chính sách cuối năm, đặc biệt nếu họ hy vọng mang lại một “cuộc hạ cánh nhẹ nhàng” cho nền kinh tế Mỹ.
Quả vậy việc duy trì lãi suất ở mức hạn chế trong thời gian dài hơn mức cần thiết có nguy cơ dẫn đến một kết quả khắc nghiệt hơn, với đặc điểm là hoạt động kinh tế chậm lại nhanh chóng, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái – điều mà phần lớn các nền kinh tế đã cố gắng tránh được trong năm qua.
Tuy nhiên rủi ro là hiện các thị trường đặt kỳ vọng về việc nới lỏng chính sách nhiều hơn mức mà các NHTW có thể sẵn sàng cung cấp. Ví dụ, tại cuộc họp chính sách cuối năm 2023, các quan chức Fed chỉ kỳ vọng lãi suất sẽ giảm 75 điểm cơ bản trong năm 2024, thì thị trường trái phiếu và lãi suất tương lai đang đặt cược mức cắt giảm gấp đôi con số đó. Điều đó đã khiến Chủ tịch Fed Chicago Austan Goolsbee phải thú nhận rằng ông "bối rối" trước hành vi của thị trường.
Tương tự ở bên kia Đại Tây Dương, các nguồn tin quen thuộc nói với Reuters rằng khó có khả năng ECB sẽ cắt giảm lãi suất trước tháng 6. Trong khi thị trường lại đang đặt cược động thái cắt giảm lãi suất có thể đến sớm hơn tới… 3 tháng.
Tất nhiên điểm mấu chốt cho thời điểm và mức độ giảm lãi suất của các NHTW vẫn là diễn biến lạm phát vì các nhà hoạch định chính sách cho biết họ sẵn sàng chịu đựng một mức độ đau đớn kinh tế nào đó, nếu cần thiết, để cuối cùng đưa lạm phát về mức mục tiêu của họ.
Trong khi đó diễn biến lạm phát năm tới vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường do tác động của dịch bệnh và bất ổn địa chính trị. Chẳng hạn các cuộc tấn công của phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn nhằm vào các tàu chở hàng ở Biển Đỏ đã buộc các chủ hàng phải tạm dừng hoặc định tuyến lại giao thông, một trục trặc trong chuỗi cung ứng có thể cản trở tiến bộ nhanh hơn nữa về lạm phát.
Bên cạnh chính trị cũng có thể ảnh hưởng tới quyết định của các nhà hoạch định chính sách, với các cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào cuối năm, đặc biệt là ở Mỹ và Vương quốc Anh.
Dưới đây là dự báo chính sách của 10 NHTW lớn trong năm 2024:
Fed: Trong chu kỳ thắt này, Fed đã tăng lãi suất tổng cộng 525 điểm, đưa lãi suất lên 5,25% - 5,5%, cao nhất trong hơn hai thập kỷ. Tuy nhiên tại cuộc họp chính sách tháng 12/2023, Fed đã giữ nguyên lãi suất và phát đi tín hiệu có thể cắt giảm lãi suất 75 điểm cơ bản trong năm 2024. Thế nhưng với việc lạm phát tại Mỹ hạ nhiệt nhanh hơn dự kiến, thị trường đang đặt cược mức cắt giảm là 150 và bắt đầu ngay từ cuộc họp chính sách tháng 3 tới.
ECB: ECB cũng giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp chính sách cuối năm và được dự kiến sẽ là một trong những NHTW lớn đầu tiên bắt đầu cắt giảm lãi suất vào năm 2024 trước triển vọng kinh tế không mấy sáng sủa của khu vực. Hiện thị trường đang đặt cược là ECB sẽ cắt giảm lãi suất khoảng 140 điểm cơ bản trong năm nay và cũng bắt đầu ngay từ tháng 3. Tuy nhiên các nguồn tin quen thuộc nói với Reuters hồi cuối tháng 12 rằng, không có khả năng ECB sẽ cắt giảm lãi suất trước tháng 6.
NHTW Anh (BOE): Cơ quan này đã tuyên bố tại cuộc họp chính sách cuối năm - cuộc họp mà cơ quan này giữ nguyên lãi suất ở mức cao nhất 15 năm - là lãi suất sẽ cần phải duy trì ở mức cao trong một "thời gian dài". Sau tuyên bố này, thị trường đã giảm mức đặt cược so với trước đó, nhưng vẫn kỳ vọng BOE sẽ cắt giảm lãi suất hơn 100 điểm cơ bản trong năm 2024.
Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) cũng giữ ổn định lãi suất ở mức 4,35% tại cuộc họp chính sách cuối năm. Hiện thị trường đang dự kiến RBA sẽ cắt giảm lãi suất từ giữa năm.
Ngân hàng Dự trữ New Zealand (RBNZ) đã giữ nguyên lãi suất ở mức cao nhất trong 15 năm là 5,5% trong tháng 11/2023, nhưng đã khiến thị trường ngạc nhiên khi điều chỉnh tăng dự báo về mức lãi suất cao nhất lên 5,69%. Mặc dù vậy các thị trường đặt cược rằng RBNZ đã kết thúc việc tăng lãi suất và sẽ bắt đầu nới lỏng vào đầu tháng 5.
Ngân hàng quốc gia Thụy Sĩ (SNB) đã giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp thứ hai liên tiếp vào tháng 12/2023 sau khi lạm phát tại nước này vẫn nằm trong mục tiêu 0% đến 2% của NHTW trong tháng thứ 6 liên tiếp vào tháng 11. Hiện các nhà kinh tế dự đoán SNB sẽ giữ nguyên lãi suất cho đến tháng 9, tuy nhiên các thị trường lại đặt cược việc cắt giảm lãi suất sẽ đến từ tháng 3.
NHTW Canada (BOC) đã giữ nguyên lãi suất ở mức cao nhất trong 22 năm là 5% tại cuộc họp chính sách tháng 12/2023, nhưng vẫn để ngỏ khả năng tăng một lần nữa với lý do các điều kiện tài chính đã giảm bớt và ngân hàng vẫn lo ngại về lạm phát.
NHTW Na Uy (Noges Bank) thậm chí còn khiến thị trường ngạc nhiên khi tăng lãi suất cơ bản thêm 25 điểm cơ bản lên 4,50% tại cuộc họp chính sách cuối năm. Lý do là mặc dù lạm phát cơ bản trong tháng 11 ở mức 5,8%, thấp hơn mức dự báo 6,1% của NHTW, song đồng Crown của Na Uy yếu hơn dự kiến có khả năng gây ra lạm phát.
NHTW Thụy Điển (Riksbank) cũng được dự báo đã hoàn thành chu kỳ tăng lãi suất sau khi giữ nguyên lãi suất ở mức 4% tại cuộc họp chính sách tháng 11/2023. Lãi suất tăng cao đã khiến nhiều khó khăn cho các hoạt động kinh tế, đặc biệt là các công ty bất động sản thương mại. Trong khi lạm phát của Thụy Điển đã giảm xuống 3,6% so với cùng kỳ trong tháng 11, giảm mạnh từ mức 10,2% vào tháng 12/2022.
NHTW Nhật Bản (BOJ) đã khép lại năm 2023 với việc tiếp tục duy trì lãi suất ngắn hạn ở mức -0,1% và kiểm soát lợi suất trái phiếu Chính phủ Nhật kỳ hạn 10 năm quanh mức 0% cho dù mức độ biến động được nới lỏng hơn. Đáng chú ý Thống đốc Kazuo Ueda không gợi ý về việc sắp chấm dứt chính sách này. Mặc dù vậy hơn 80% các nhà kinh tế kỳ vọng BOJ sẽ chấm dứt chính sách này vào năm tới, trong đó nhiều người dự đoán sẽ có động thái vào tháng 4.

Nguồn:Hoàng Nguyên/Thời báo ngân hàng

Link gốc