menu search
Đóng menu
Đóng

Chủ tịch Chung nêu 8 thành quả về kinh tế-xã hội của Hà Nội

20:26 26/06/2017

Vinanet - Tại Hội nghị "Hà Nội 2017 - Hợp tác đầu tư và phát triển" diễn ra sáng 25/6, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã nêu rõ 8 thành quả kinh tế - xã hội của thành phố trong năm 2016.
Theo Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, một năm vừa qua ghi nhận dấu ấn quan trọng cho những chuyển biến tích cực của Thành phố Hà Nội toàn diện trên các mặt, mở đầu thành công cho kỳ kế hoạch 5 năm 2016-2020.
Thứ nhất, Hà Nội tiếp tục duy trì mức tăng trưởng kinh tế nhanh với mức 8,2% năm 2016; thu ngân sách vượt 10,5% so với dự toán; khách du lịch quốc tế tăng 19,9%; Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhất từ trước đến nay với 22.666 doanh nghiệp, tăng 18% và có sự đột phá về thu hút đầu tư với số vốn đăng ký ngoài ngân sách đạt 439,2 nghìn tỷ đồng, trong đó, đầu tư nước ngoài 3,11 tỷ USD (tăng gần 3 lần so với năm 2015). 6 tháng đầu năm 2017, Thành phố tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao với mức 7,37%; thu ngân sách tăng 18%, vốn đầu tư xã hội tăng 9,9%, khách du lịch quốc tế tăng 14%, xuất khẩu tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây với mức 12,1%, thị trường hàng hóa sôi động, tổng mức lưu chuyển hàng hóa tăng 7,2%; số doanh nghiệp thành lập mới là 13.355 doanh nghiệp, tăng 16%.
Thứ hai, Thành phố tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh thành công theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 19/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 thuộc nhóm địa phương có chất lượng điều hành tốt, tăng 10 bậc so với năm 2015, xếp thứ 14/63 tỉnh thành. Chỉ số Cải cách hành chính tăng 6 bậc, xếp thứ 3/63 tỉnh thành. Hà Nội xếp thứ 2 cả nước về mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông. Thành phố tăng cường hỗ trợ giúp đỡ nhà đầu tư, doanh nghiệp từ khâu đăng ký kinh doanh đến triển khai dự án và giải quyết các yêu cầu tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện. Tổ chức nhiều sự kiện kết nối cung cầu, liên kết các vùng; hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong chương trình xúc tiến đầu tư để giới thiệu các sản phẩm tại các hội trợ trong nước và quốc tế; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài. Theo kết quả điều tra, năm 2016 là năm các doanh nghiệp trên địa bàn hoạt động kinh doanh khá hiệu quả: 67% doanh nghiệp kinh doanh có lãi; 47% doanh nghiệp FDI có ý định tăng quy mô kinh doanh.
Thứ ba, Thành phố tạo chuyển biến căn bản về xây dựng Chính phủ điện tử để giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Những dịch vụ công liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp đều có thể thực hiện 100% trên môi trường mạng như: đăng ký thành lập doanh nghiệp, kê khai và nộp thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, đăng ký quyền sử dụng đất, cấp phép xây dựng. Thành phố tập trung triển khai đảm bảo điều kiện hạ tầng kỹ thuật, thiết bị đầu cuối để hỗ trợ công dân, doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng dịch vụ công ngay tại nhà.
Thứ tư, tập trung rà soát tất cả các thủ tục hành chính của các sở ban ngành, trên cơ sở đó, cắt giảm, phối hợp liên thông các thủ tục hành chính. Thời gian giải quyết TTHC trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh giảm 30%; lĩnh vực đầu tư giảm 40-60%, trong lĩnh vực quy hoạch, đất đai giảm 30-50%... Thành lập Tổ công tác liên ngành của Thành phố để giải quyết thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt đề xuất dự án và giải quyết khó khăn vướng mắc các dự án đầu tư xây dựng. Tổ công tác liên ngành hoạt động sẽ giúp giảm thời gian thực hiện thủ tục các dự án đầu tư đến 43%.
Thứ năm, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức “kỷ cương - trách nhiệm - tận tình - thân thiện” với để phục vụ doanh nghiệp và người dân. Thành phố đã ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức; Xây dựng mô hình Cơ quan Đăng ký kinh doanh thân thiện. Tiến hành sắp xếp xong tổ chức bộ máy trên toàn Thành phố với quan điểm: thu gọn đầu mối quản lý; một việc - một đầu mối xuyên suốt và phương châm 5 rõ “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ hiệu quả, rõ trách nhiệm”; các sở, ngành, quận huyện tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước, nhiệm vụ Chủ đầu tư các dự án, chương trình giao cho các Ban Quản lý dự án chuyên ngành và khu vực.
Thứ sáu, Hà Nội đang hướng tới cung cấp các dịch vụ đạt chuẩn quốc tế. Đưa vào hoạt động Khu Trung tâm kỹ thuật cao và phẫu thuật tiêu hóa Hà Nội thuộc bệnh viên Xanh Pôn, Khởi công Bệnh viên U bướu Quốc tế Việt Nam - Nhật Bản. Nâng cao chất lượng đào tạo lao động hướng tới đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế như: Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc,... Tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc làng nghề Vạn Phúc và Bát Tràng, hai làng nghề truyền thống tiêu biểu của Hà Nội theo hướng bảo tồn, phát triển làng nghề kết hợp du lịch, xây dựng nơi đây thành những điểm đến du lịch tiêu biểu của Thủ đô. Triển khai tuyến phố đi bộ xung quanh Hồ Hoàn Kiếm, xây dựng Phố Sách, quảng bá hình ảnh Thủ đô trên kênh CNN. Thí điểm ứng dụng trông giữ xe qua điện thoại di động Iparking; Nghiên cứu xây dựng trung tâm tích hợp quản lý đô thị thông minh.
Thứ bảy, Thành phố xây dựng các cơ chế chính sách mới để tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư xã hội, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Thứ tám, Hà Nội tiếp tục khẳng định là địa điểm đầu tư an toàn, môi trường chính trị ổn định, là điểm đến được các nhà đầu tư trong nước và quốc tế ưu tiên hàng đầu khi cân nhắc quyết định đầu tư.
Theo ông Chung, để đạt được các kết quả nêu trên là nhờ có sự đóng góp to lớn của cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư, đặc biệt là sự đồng hành của người dân, Chính phủ, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước.
Nguồn: doanhnghiepvn.vn