menu search
Đóng menu
Đóng

Cơ hội thúc đẩy xuất khẩu đồ gỗ vào thị trường Canada

21:04 30/09/2020

Canada là thị trường còn nhiều tiềm năng cho doanh nghiệp đồ gỗ và nội thất Việt Nam khai thác mở rộng thị phần và nâng cao giá trị.
 
Đây là khẳng định của các chuyên gia tại chương trình “Kết nối giao thương trực tuyến Việt Nam – Canada” do Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp. Hồ Chí Minh (HAWA) phối hợp cùng Thương Vụ Việt Nam tại Canada tổ chức, ngày 30/9.
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký HAWA thông tin: Canada là thị trường xuất khẩu chiến lược tại khu vực Bắc Mỹ của sản phẩm gỗ nội thất Việt Nam trong nhiều năm qua.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại toàn cầu, xuất khẩu đồ gỗ và nội thất của Việt Nam vào Canada vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương. Đây sẽ là một trong những thị trường hỗ trợ đắc lực cho mục tiêu xuất khẩu 12 tỷ USD của ngành gỗ và lâm sản trong năm 2020.
Ông Phạm Cao Phong, Đại sứ Việt Nam tại Canada chia sẻ, Việt Nam – Canada đã có quan hệ ngoại giao gần 50 năm và từ năm 2017 đến nay đã trở thành đối tác hợp tác toàn diện của nhau trên nhiều lĩnh vực từ chính trị đến kinh tế, văn hóa, giáo dục…
Đặc biệt, trong hợp tác kinh tế hai nước có nhiều điều kiện thuận lợi để thúc đẩy thương mại, ngoài Hiệp định Thương mại và Mậu dịch Việt Nam – Canada đã được ký kết từ năm 1995, Việt Nam và Canada còn thường xuyên kết nối với nhau trong vai trò là thành viên của WTO, APEC và mới đây nhất là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đó là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh hợp tác với nhau,
Quan hệ thương mại giữa Việt Nam – Canada những năm gần đây có bước phát triển vượt bậc. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất trong khu vực ASEAN và đối thương mại lớn tác lớn thứ 5 ở châu Á của Canada.
Năm 2019, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Canada đạt 6,2 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2018. Riêng 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù thương mại toàn cầu suy giảm nghiêm trọng đến 20% do ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19 nhưng thương mại song phương Việt Nam – Canada vẫn giữ được mức tăng trưởng 0,1%.
Tính riêng ở mặt hàng gỗ, Canada là một thị trường lớn, mỗi năm nhập khẩu tới 15 tỷ USD đồ nội thất. Với việc tham gia Hiệp định CPTPP, các sản phẩm đồ gỗ, nội ngoại thất của Việt Nam có thêm lợi thế cạnh tranh về giá tại thị trường Canada do được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi 0%, trong khi các mặt hàng tương tự từ Trung Quốc (đối thủ cạnh tranh trực tiếp và là nhà cung cấp đồ gỗ lớn nhất cho Canada hiện nay) phải chịu thuế từ 6-9%.
Nhờ đó, trong 8 tháng năm 2020, gỗ là một trong những mặt hàng giữ được tốc độ tăng trưởng cao, ở mức 10,3%. Ngoài ra, Canada còn là một cửa ngõ quan trọng để đồ gỗ, nội thất Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường Bắc Mỹ.
Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu đồ gỗ, nội thất Việt Nam sang Canada mới chỉ chiếm khoảng 2,5% tổng giá trị xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam và mới chỉ chiếm 1,6% tổng giá trị nhập khẩu đồ gỗ hàng năm của Canada. Như vậy, dư địa mở rộng thị phần sản phẩm gỗ và nội thất Việt Nam tại Canada vẫn còn rất lớn. Trong bối cảnh thương mại thế giới nhiều biến động, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Canada cũng đang đẩy mạnh việc đa dạng hóa thị trường, mong muốn đẩy mạnh hợp tác thương mại - đầu tư với các nước trong khu vực ASEAN, đặc biệt là Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm hiểu thông tin thị trường , tìm kiếm đối tác và cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng đồ gỗ tại thị trường Canada
Phân tích thị trường đồ gỗ Canada, ông Jacques Nadeaus, chuyên gia thương mại của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) cho biết, nhu cầu đỗ gỗ, nội thất ở Canada dự báo sẽ tiếp tục gia tăng và đặc biệt bùng nổ trong năm 2021, sau một thời gian dài người dân giãn cách xã hội và làm việc tại nhà nhiều hơn.
Cơ cấu thị trường đồ gỗ Canada trong những năm tới được dự báo sẽ tập trung vào sản phẩm nội thất phòng khách và phòng ăn chiếm khoảng 30%, nội thất phòng ngủ chiếm 21%, đồ gỗ nhà bếp chiếm 12%, ván sàn khoảng 10% và nội thất văn phòng chiếm 8%.
Điều đáng nói là nếu như trước đây, Canada tự cung ứng trên 80% sản phẩm đồ gỗ, nội thất tiêu dùng trong nước thì những năm gần đây xu hướng nhập khẩu đồ gỗ tăng lên. Hiện nay, có tới 55% sản phẩm đồ gỗ, nội thất tiêu thụ tại Canada đươc nhập khẩu, người dân Canada có xu hướng ưa chương đồ nội thất được sản xuất từ gỗ cứng, có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường.
Theo ông Jacques Nadeaus, hệ thống phân phối đồ nội thất của Canada khá đa dạng từ các nhà phân phối sỉ đến các chuỗi cửa hàng bán lẻ và cả các kênh thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát trên diện rộng.
Nếu như năm 2019, doanh số bán đồ nội thất trực tuyến mới đạt 6,6% thì 6 tháng đầu năm 2020, con số này đã tăng lên 16,4% và dự báo đến cuối năm 2020 sẽ đạt tới 30%. Không chỉ có các sàn thương mại điện tử mà ngay cả cửa hàng bán lẻ cũng khai thác nguồn khách hàng mua nội thất online trong mùa dịch.
“Để khai thác hiệu quả thị trường Canada, doanh nghiệp gỗ và nội thất Việt Nam cần thường xuyên kết nối với các khách hàng đã từng mua hàng của Việt Nam, chủ động tìm hiểu nhu cầu của nhà nhập khẩu và phát triển sản phẩm đón đầu xu hướng mua sắm theo mùa của người dân Canada.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần phát huy hiệu quả kết nối của nền tảng triển lãm trực tuyến HOPEFAIRS mà HAWA đã xây dựng được để tiếp cận và kết nối trực tiếp với khách hàng tiềm năng.”, ông Jacques Nadeaus chia sẻ thêm./.

Nguồn:bnews.vn

Link gốc