menu search
Đóng menu
Đóng

Đại dịch nCoV và cạnh tranh khốc liệt “đe dọa” tăng trưởng hàng không Việt

15:25 07/02/2020

Vinanet - Đại dịch viêm phổi 2019-nCoV đang “gây họa” đối với ngành hàng không nội địa khi hơn 400 chuyến bay/tuần của 3 hãng hàng không Việt Nam tới Trung Quốc bị hủy. Bên cạnh đó, dự báo về mức độ gia tăng cạnh tranh trong năm 2020 khiến nhiều hãng phải đối mặt với xu hướng “giảm tốc”.
nCoV “gây họa” lớn cho hàng không Việt
Dịch viêm phổi cấp do chủng virut mới Corona (nCoV) bùng phát từ Vũ Hán (Trung Quốc) và nhan chóng lan ra nhiều quốc gia trên thế giới đã buộc Cục Hàng Không Việt Nam phải tạm hủy các phép bay đã cấp cho các hãng hàng không khai thác chuyến bay giữa Việt Nam và Trung Quốc từ chiều ngày 1/2/2020.
3 hãng hàng không Việt Nam, gồm: Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines và Vietjet Air đang khai thác 87 đường bay thường lệ và thuê chuyến từ 5 thành phố: Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cam Ranh và Phú Quốc đến 54 điểm tại Trung Quốc với tần suất trên 400 chuyến/tuần.
Việc tạm ngừng các chuyến bay đến Trung Quốc đang và sẽ gây thiệt hại nặng nề cho ngành hàng không Việt Nam vì Trung Quốc hiện là thị trường lớn thứ 2 sau thị trường Đông Bắc Á với hàng không Việt Nam. Nếu tính cả các chuyến bay thuê chuyến, đây có thể là thị trường lớn nhất. Vì vậy, việc ngừng đột ngột các chuyến bay đến Trung Quốc chắc chắn sẽ tác động mạnh mẽ đến hoạt động của các hãng hàng không trong thời gian tới đó là chưa kể khách nội địa cũng sụt giảm đáng kể trong thời gian đang dịch như hiện nay.
Chị Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc một công ty Quảng cáo tại TP. Hồ Chí Minh cho biết đã hủy bay đến Đà Nẵng theo lịch họp trước tết cho đến khi hết dịch. Tương tự, hàng loạt khách du lịch nội địa như: chị L.T.T.H, Giám đốc Marketing một công ty bảo hiểm; anh N.T.M.L nhân viên công ty kiểm toán Ernt & Young…cũng cho biết đã huỷ tour nghỉ sau Tết của gia đình đến Đài Loan vì dịch.
Vietnam Airlines đã phải hủy nhiều chuyến bay tới Trung Quốc vì ảnh hưởng từ dịch nCoV
Không chỉ các đường bay đến Trung Quốc bị thiệt hại, các hãng hàng không Việt đang phải đối mặt với tình trạng hủy vé của nhiều công ty lữ hành nội địa và quốc tế khi khách huỷ tour vì dịch vẫn đang ở mức cao khi ngày 5/2 Trung Quốc công bố kỷ lục có tới 73 người chết/ngày, con số cao nhất từ lúc bùng phát dịch.
Đơn cử đại diện Công ty du lịch lữ hành Mekong Travel (Tp. Hồ Chí Minh) cho biết: Cho tới nay, số lượng khách đoàn và cả khách lẻ hủy tour inbound tại công ty này từ các hãng Mỹ như Remos, hay Wendy (Úc) đã chiếm khoảng 20% trong tổng số tour có kế hoạch thực hiện trong năm 2020. Ngay khi các đoàn khách hủy tour doanh nghiệp này cũng lập tức báo hủy các chuyến bay với các hãng hàng không.
Theo Mekong Travel, nếu tình trạng này kéo dài vài tháng nữa sẽ thật sự khó khăn cho doanh nghiệp và ngành du lịch do WHO đã ban hành tình trạng trạng khẩn cấp y tế toàn cầu nên khi khách hủy tour là tiền mua tour có thể hoàn lại cho khách hàng.
Hiện dịch nCoV vẫn đang ở “ tâm bão” chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, điều này đe dọa đến hoạt động kinh doanh của các hãng hàng không Việt và dự báo tình hình sẽ còn ảm đạm trong vòng 1 vài tháng tới.
Kể từ khi đi vào khai thác Bamboo Airways đã giành thị phần nội địa từ các hãng hàng không hiện hữu
Cạnh tranh khốc liệt hơn nhìn từ thị trường chứng khoán
Vốn hóa thị trường ngành hàng không tăng 14% trong năm 2019, cao hơn tăng trưởng VN Index là +6,69%. Cổ phiếu có tăng trưởng tốt nhất trong ngành là VJC (+20%), trong khi tăng trưởng thấp nhất là HVN (Vietnam Airlines) (+6%).
Đóng góp vào tăng trưởng của ngành hàng không năm 2019 là do nhu cầu du lịch trong nước đang phát triển cùng với số lượng chuyến bay nội địa tăng khắp cả nước. Sản lượng khách trong nước là 74 triệu lượt khách, +11% YoY, trong khi khách quốc tế là 41,7 triệu lượt, +13,6% YoY. Tổng sản lượng khách hàng không tại Việt Nam (cả quốc tế và nội địa) đạt 116 triệu lượt khách trong năm 2019 theo ACV, +12% YoY.
Tuy nhiên theo phân tích của Công ty chứng khoán SSI, năm 2020 sẽ có một số yếu tố khiến mức độ cạnh tranh ngành hàng không gia tăng và khốc liệt hơn. Cụ thể 3 hãng hàng không mới đã quyết định gia nhập thị trường hàng không hấp dẫn tại Việt Nam vào năm 2019, ngay cả sau sự hợp tác không thành công của liên doanh AirAsia - Thiên Minh. Những công ty này là Bamboo, Kite Air và Viettravel. Bamboo đã bắt đầu vào năm 2019 và các công ty còn lại dự kiến bắt đầu vào năm 2020. Mô hình nhị quyền - duopoly (HVN-VJC) tại thị trường nội địa trước đó đã nhanh chóng chuyển thành một thị trường rất cạnh tranh và làm giảm thị phần, lợi suất và RASK của mỗi công ty trong ngành.
Nhờ liên tục đưa vào khai thác các đường bay mới đi nhiều nước, Vietjet hiện chiếm khoảng 41,2 % thị phần hàng không Việt Nam
Trong 9 tháng/2019, theo CAAV, Bamboo Airways đã giành thị phần nội địa từ cả HVN và VJC. Nhóm các hãng thuộc Vietnam Airlines (HVN-JPA-VASCO) đã mất 1,2% thị phần xuống còn 54,8% (từ 56% vào cuối năm 2018), trong khi VJC mất 2,8% thị phần (từ 44% vào cuối năm 2018 xuống còn 41,2 % vào 9T2019). Điều này dẫn đến thu nhập giảm sút. Trong 9T2019, lợi nhuận gộp của công ty mẹ VJC (không bao gồm bán quyền mua máy bay) giảm -10% YoY, so với mức tăng trưởng năm ngoái là 22,5% YoY. Lợi nhuận gộp của HVN trong 9T2019 cũng giảm -1,5% YoY.
Trong năm 2020, theo ước tính của SSI, tính cạnh tranh tiếp tục gia tăng do các công ty mới gia nhập thị trường và tăng trưởng về quy mô đội tàu của những công ty hiện tại. Cụ thể hơn Air và Viettravel Airlines đều có kế hoạch bắt đầu chuyến bay thương mại đầu tiên từ giữa đến cuối năm 2020, mặc dù cả hai công ty đều đang chờ phê duyệt cuối cùng về Chứng chỉ khai thác máy bay (AOC). Trong trường hợp AOC được phê duyệt, tổng số hãng hàng không tại Việt Nam sẽ tăng từ 5 đến 7 hãng hàng không. Ban đầu, 2 công ty mới này đều đặt kế hoạch bắt đầu bằng các tuyến bay ngắn đến các thành phố nhỏ hơn so với tập trung vào các tuyến chính (Hà Nội-TP HCM) do không còn chỗ trống tại các điểm đến đó. Viettravel ban đầu sẽ tập trung vào phục vụ khách du lịch hiện tại của chính mình (khoảng 1 triệu khách/ năm và tăng 15% mỗi năm) bay đến các điểm du lịch ở Việt Nam và các nơi khác ở châu Á (thông thường, Viettravel đặt chuyến bay cho thuê đối với các nhóm khách quốc tế).
Tăng trưởng về quy mô đội bay của các công ty hiện tại: Theo CAAV, Vietnam Airlines sẽ tăng quy mô đội bay lên 107 máy bay vào năm 2020 và 135 máy bay vào năm 2025 (so với 100 máy bay vào năm 2019). VietJet cũng có kế hoạch tăng đội bay lên 96 máy bay vào năm 2020 và 200 máy bay vào năm 2025 (so với 71 máy bay vào năm 2019). Trong trường hợp kế hoạch trên được phê duyệt kể từ năm 2020, hai công ty này sẽ đưa vào sử dụng 8 máy bay vào năm 2020 và 38 máy bay cho đến năm 2025.
Do đó, dự báo cạnh tranh sẽ tăng thêm vào năm 2020, dẫn đến giảm sản lượng hành khách và hệ số tải cho mỗi máy bay. Mặt khác do kết quả kinh doanh của các hãng hàng không chịu ảnh hưởng lớn từ chi phí nhiên liệu, lợi nhuận ròng có thể biến động mạnh trong trường hợp chi phí nhiên liệu dao động lớn. Chẳng hạn như do các yếu tố tác động bên ngoài từ Trung Đông, hoặc căng thẳng địa chính trị khác có thể phát sinh vào năm 2020.
Bên cạnh đó, những hạn chế về công suất tại các sân bay chính như Nội Bài hoặc Tân Sơn Nhất sẽ hạn chế tiềm năng tăng trưởng cho tất cả hãng hàng không cho đến khi các dự án mở rộng mới hoàn thành (dự án gần nhất là T3 Tân Sơn Nhất, vào năm 2022-2023).
Với bối cảnh khủng hoảng do tác động của đại dịch nCoV trên đây cũng như dự báo về những rủi ro và mức độ cạnh tranh gia tăng trong lĩnh vực hàng không trong 2020, hãng nào sẽ vượt qua “tâm bão” để có mức tăng trưởng tốt trong 2020 vẫn là câu hỏi chưa “lộ diện” đáp án!

Nguồn:Cổng Thông Tin Điện Tử Bộ Công Thương

Link gốc