Theo bảng xếp hạng của The Economist, Việt Nam xếp thứ 12 trong 66 nền kinh tế được đánh giá dựa trên 4 tiêu chí tài chính gồm nợ công, nợ nước ngoài (cả lĩnh vực công và tư nhân), chi phí đi vay và dự trữ ngoại hối. Thứ hạng của một nền kinh tế được quyết định dựa trên điểm đánh giá trung bình 4 tiêu chí này.
Ở vị trí số một là Botswana, với 3/4 tiêu chí được chấm điểm cao nhất, ngoại trừ chi phí đi vay. Quốc gia này không phát hành trái phiếu bằng USD, ưu tiên vay nợ bằng nội tệ. Xếp tiếp theo lần lượt là Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Peru và Nga. Trung Quốc xếp thứ 10.
Hầu hết nền kinh tế ở nhóm nguy hiểm có quy mô nhỏ. 30 nền kinh tế cuối bảng chỉ chiếm 11% tổng GDP của cả bảng xếp hạng.
Bảng xếp hạng sức mạnh tài chính 66 nền kinh tế của The Economist.
Bảng xếp hạng còn hé lộ khác biệt giữa các nền kinh tế và nguy cơ tiềm ẩn. Những nền kinh tế như Angola, Bahrain và Iraq có thể có nợ công vượt 100% GDP trong năm nay. Khoảng nửa số nền kinh tế được đánh giá có nợ công dưới 60% GDP, ngưỡng giới hạn của các thành viên eurozone nhưng ít bên thực hiện được, The Economist cho biết.
Trong năm 2020, 66 nền kinh tế trên sẽ phải tìm kiếm hơn 4.000 tỷ USD để giải quyết nợ nước ngoài và thâm hụt tài khoản vãng lai nếu có. Ngoại trừ Trung Quốc, con số trên chỉ còn 2.900 tỷ USD.
The Economist nhận định đại dịch Covid-19 gây thiệt hại đến các nền kinh tế mới nổi theo ba hướng là phong tỏa đi lại của người dân, giảm nguồn thu từ xuất khẩu và gây trở ngại cho dòng vốn nước ngoài. Ngay cả khi đại dịch suy giảm trong nửa cuối năm 2020, GDP tại các nền kinh tế đang phát triển, đo theo ngang giá sức mua (PPP), năm nay sẽ giảm 6,6% so với con số dự báo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra hồi tháng 10.
Ngay khi virus corona có ảnh hưởng đầu tiên đến các thị trường tài chính, nguy cơ về một đợt khủng hoảng toàn diện tại thị trường mới nổi đã trở nên cận kề, theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF).
Kể từ tháng 1, các nhà đầu tư nước ngoài đã rút 100 tỷ USD khỏi các trái phiếu và cổ phiếu của các nền kinh tế mới nổi.
Để vượt qua tình thế khó khăn hiện nay, các nền kinh tế mới nổi cần ít nhất 2.500 tỷ USD từ các nguồn nước ngoài hoặc dự trữ nội địa, IMF ước tính.
Nguồn:Như Tâm/Người đồng hành (Theo The Economist)