menu search
Đóng menu
Đóng

“GDP 2017 khả năng chỉ đạt khoảng 6,3% đến 6,5%“

09:15 23/05/2017

Vinanet - Ủy ban Kinh tế cho rằng, với điều kiện và tình hình thực tế năm 2017 thì mục tiêu GDP năm 2017 khả năng chỉ đạt khoảng 6,3 đến 6,5%.

Trên cơ sở tăng trưởng của 4 tháng đầu năm, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (QH) nhận định, để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7%, các quý còn lại phải tăng trung bình trên 7% nhưng Ủy ban Kinh tế cho rằng, với điều kiện và tình hình thực tế năm 2017 thì mục tiêu này rất khó thực hiện, khả năng chỉ đạt khoảng 6,3 đến 6,5%.

Sáng 22/5, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trình bày trước QH báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017.

Đây là một trong những báo cáo quan trọng của Chính phủ trình QH lần này. Như thông lệ, QH sẽ dành thời gian thảo luận kỹ tại tổ và hội trường để nghe các Đại biểu QH hiến kế về vấn đề này.

Cần đánh giá tác động tăng trưởng đến nợ công, bội chi

4 tháng đầu năm 2017 tăng trưởng kinh tế theo nhận định của Ủy ban Kinh tế là “chưa thực sự bền vững”. Tăng trưởng của quý I/2017 ước tính tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng trưởng thấp nhất so với những năm gần đây. Để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7%, các quý còn lại phải tăng trung bình trên 7% nhưng Ủy ban Kinh tế cho rằng, với điều kiện và tình hình thực tế năm 2017 thì mục tiêu này rất khó thực hiện, khả năng chỉ đạt khoảng 6,3-6,5%.

Một số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế đề nghị phải thực hiện các chính sách tháo gỡ khó khăn, nhưng kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, không quá coi trọng tốc độ tăng trưởng mà tiếp tục đẩy mạnh thay đổi chất lượng tăng trưởng, bảo đảm bền vững.

“Đề nghị Chính phủ cần có đánh giá khi tốc độ tăng trưởng GDP giảm sẽ tác động như thế nào đến các chỉ tiêu khác như tỷ lệ nợ công, bội chi ngân sách... Bên cạnh đó cần phải cân nhắc kỹ lưỡng giải pháp thực hiện việc tăng thêm sản lượng khai thác dầu thô và hoạt động khai khoáng nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng”, Ủy ban Kinh tế kiến nghị.

Về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng đầu năm 2017 tăng 4,8% so với bình quân cùng kỳ năm 2016, thấp hơn mức bình quân 4,96% của quý I/2017. Tuy nhiên, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, một số ý kiến bày tỏ lo ngại lạm phát năm 2017 có thể diễn biến phức tạp và sẽ cao hơn chỉ tiêu lạm phát theo Nghị quyết của QH do chịu áp lực từ 3 yếu tố: Sự tăng giá hàng hóa thế giới; Áp lực tỷ giá và điều chỉnh giá dịch vụ công (điện, y tế, giáo dục) và tiền lương theo lộ trình.

Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 4 tháng đạt mức cao, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực dịch vụ, số doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực chế biến, chế tạo chiếm tỷ lệ thấp. Tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động cũng rất lớn. “Vấn đề nổi lên của doanh nghiệp hiện nay là mặc dù số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng mạnh nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ (chiếm tỷ lệ 95%-96%), quy mô doanh nghiệp đang có xu hướng nhỏ dần và thiếu các doanh nghiệp lớn làm trụ cột, hoạt động của các doanh nghiệp này thiếu tính cạnh tranh, thiếu tính liên kết và tinh thần đổi mới, sáng tạo không cao”, Ủy ban Kinh tế đã nhận định như vậy.

Dồn lực tăng trưởng những tháng cuối năm

Trong báo cáo trước QH, Chính phủ đã đề ra 9 giải pháp trọng tâm từ nay đến cuối năm, nhằm thực hiện các mục tiêu đề ra. Trong đó, có các nhóm giải pháp về: Ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu; Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và xử lý các dự án thất thoát, thua lỗ lớn; Hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; kỷ luật kỷ cương, công tác cán bộ và tổ chức bộ máy chính quyền các cấp...

Được biết, thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ ngành, địa phương thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng cao hơn trong các quý còn lại, quyết tâm phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng như QH đã đề ra.

Đồng tình với các nhóm giải pháp của Chính phủ. Ủy ban Kinh tế cho rằng, với quyết tâm cao không điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,7%, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô để tạo lập niềm tin đối với các nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả các giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, “đồng hành cùng doanh nghiệp”...

Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, cần tập trung điều hành theo hướng ổn định lạm phát cơ bản; điều hành tỷ giá ở mức hợp lý, dự báo và xây dựng các kịch bản lạm phát khi tiếp tục lộ trình tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh, dịch vụ giáo dục và các mặt hàng điện, xăng dầu... nhằm thực hiện kiểm soát lạm phát theo Nghị quyết của QH.

Ủy ban này cũng kiến nghị chính sách tài khóa cần điều hành chặt chẽ, kiểm soát và tăng cường kỷ luật ngân sách, giảm bội chi ngân sách, giảm áp lực nợ công, quản lý chặt chẽ hoạt động cho vay trả nợ nước ngoài, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay. 

Liên quan đến các đề án tái cơ cấu nền kinh tế, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tiếp tục triển khai quyết liệt trên thực tế Nghị quyết của QH về cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, bảo đảm sự phối hợp, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp, ngành và chính quyền địa phương.

Ủy ban Kinh tế đề nghị cần đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN, thoái vốn khỏi những ngành, lĩnh vực mà nhà nước không cần nắm giữ, giảm tối đa tỷ lệ vốn nhà nước trong các doanh nghiệp mà nhà nước không cần giữ chi phối. „Kiên quyết xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu doanh nghiệp, các bộ, ngành trong việc chậm cổ phần hóa. Rà soát các dự án đầu tư có vốn nhà nước đã hoàn thành nhưng chưa đi vào hoạt động và có giải pháp xử lý dứt điểm tất cả các dự án thua lỗ kéo dài, báo cáo Quốc hội xem xét, cho ý kiến”, cơ quan này đề xuất.

Nguồn: baohaiquan.vn