Tháng 1 cũng ghi nhận, xuất siêu sang EU ước đạt 1,8 tỷ USD, giảm 45% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang Nhật Bản 100 triệu USD giảm 65,3%; nhập siêu từ Trung Quốc 3,4 tỷ USD, giảm 52,6%; nhập siêu từ Hàn Quốc 2,5 tỷ USD, giảm 20,9%; nhập siêu từ ASEAN 1,3 tỷ USD, tăng 74,3%.
Theo Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương), năm 2022, thặng dư thương mại giữa Việt Nam và thị trường khu vực châu Mỹ, trong đó có Hoa Kỳ đạt mức lịch sử lần đầu cán mốc 100 tỷ USD.
Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các thị trường khu vực châu Mỹ ghi nhận mức tăng trưởng rất tích cực khi đạt 153,9 tỷ USD, tăng 10,7% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 128,2 tỷ USD, tăng 12,4%; nhập khẩu đạt 25,7 tỷ USD, tăng 3%.
Trong đó, trao đổi thương mại với tất cả các thị trường lớn tại khu vực đều ghi nhận tăng trưởng ở mức ổn định như Hoa Kỳ (11%), Brazil (6,6%), Canada (16,5%), Mexico (7,1%), Chile (9%), Argentina (8,3%)…
Riêng thị trường Hoa Kỳ, tổng kim ngạch trao đổi thương mại song phương đạt xấp xỉ 123,86 tỷ USD (tăng 11% so với 2021), trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ 109,4 tỷ USD (tăng 13,6% so với 2021).
Đối với khu vực thị trường các nước CPTPP, nhờ hiệu ứng tích cực của các hiệp định thương mại tự do CPTPP và VCFTA, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và nhóm 4 nước Canada, Mexico, Chile, Peru năm 2022 đạt 15,2 tỷ USD, tăng 10,9 % so với năm 2021, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang nhóm các nước này đạt 13,1 tỷ USD, tăng 8,7%; nhập khẩu đạt 2,1 tỷ USD, tăng 26,9%.
Một khu vực thị trường quan trọng khác là khối MERCOSUR (gồm các nước Brazil, Argentina, Uruguay, Paraguay) cũng ghi nhận kim ngạch thương mại hai chiều trong năm 2022 tăng trưởng 9,2% so với cùng kỳ, đạt hơn 12 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt hơn 3,3 tỷ USD, tăng 3,4%, nhập khẩu đạt 8,7 tỷ USD, tăng 11,6%.
Đối với các thị trường khác trong khu vực, kim ngạch thương mại song phương cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng tốt: khu vực Trung Mỹ tăng 29,2% (đạt 1,12 tỷ USD), các nước Cộng đồng Andean tăng 12,9% (đạt 1,1 tỷ USD).