menu search
Đóng menu
Đóng

Hoạt động sản xuất của Trung Quốc bất ngờ tăng với tốc độ nhanh nhất trong 3 năm

10:43 03/12/2019

Vinanet - Một khảo sát trong lĩnh vực tư nhân cho thấy hoạt động sản xuất của Trung Quốc có những dấu hiệu cải thiện bất ngờ trong tháng 11/2019, với tăng trưởng phục hồi lên mức cao nhất trong gần 3 năm, củng cố số liệu lạc quan của chính phủ đã phát hành cuối tuần qua.
Nhưng các nhà phân tích vẫn lo ngại về nguy cơ giảm phát trong lĩnh vực này, không tin rằng điều tồi tệ nhất với các nhà sản xuất Trung Quốc đã kết thúc. Họ cho biết các chỉ số phụ của 2 khảo sát vẽ ra một bức tranh phục hồi bấp bênh sẽ khó duy trì.
Julian Evans-Pritchard, chuyên gia kinh tế cao cấp của Trung Quốc viết “sự cải thiện trong tháng trước được thúc đẩy bởi các yếu tố khác của 2 chỉ số sản xuất, khiến khó chỉ ra lý do cho sự phục hồi hoạt động công nghiệp”. “Chúng tôi nghi ngờ điều này đánh dấu sự bắt đầu phục hồi trong hoạt động”.
Chỉ số quản lý sức mua PMI của Caixim/Markit tăng lên 51,8 điểm trong tháng 11/2019 từ 51,7 điểm trong tháng trước, đánh dấu sự phát triển nhanh nhất kể từ tháng 12/2016, khi đạt 51,9 điểm. Mốc 50 điểm đánh dấu sự phát triển và thu hẹp trong sản xuất. Các nhà kinh tế được Reuters thăm dò dự kiến giảm xuống 51,4 điểm.
Khảo sát này và chỉ số PMI chính thức mạnh mẽ tương tự giúp đẩy cổ phiếu Châu Á tăng trong ngày 2/12/2019.
Tổng cộng các đơn hàng mới và sản lượng công nghiệp vẫn ở mức tích cực trong tháng 11/2019, mặc dù cả hai giảm nhẹ từ mức kỷ lục trong tháng trước, khi chúng tăng ở tốc độ nhanh nhất tương ứng trong hơn 6 năm và gần 3 năm.
Larry Hu, nhà kinh tế trưởng tại Macquarie Group cảnh báo rằng sự cải thiện này có thể bị ảnh hưởng khi yếu tố tích cực xảy ra một lần biến mất, như tâm lý tốt hơn về thỏa thuận thương mại và thời tiết ấm. Niềm tin kinh doanh đã giảm và các công ty miễn cưỡng bổ sung hàng tồn kho của họ, lo lắng về triển vọng nhu cầu không rõ ràng và cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc kéo dài.
Đánh giá hoạt động sản xuất chính thức của Trung Quốc trong ngày 30/11 cũng gây bất ngờ, số liệu trở lại tăng trưởng lần đầu tiên trong 7 tháng, do nhu cầu trong nước phục hồi khi đáp ứng với các biện pháp kích thích. Nhưng sự gia tăng là nhẹ và đơn hàng xuất khẩu trì trệ.
Một khảo sát chính thức tập trung nhiều hơn vào công nghiệp nặng so với của Caixin, được cho là bao gồm các công ty định hướng nhiều hơn vào xuất khẩu. Hai cuộc khảo sát này cũng ở các khu vực địa chính trị khác nhau.
Khảo sát của Caixin chỉ ra chỉ số phụ cho các đơn hàng xuất khẩu mới ở mức 51 điểm, thấp hơn so với trong tháng 10/2019, khi ở mức cao nhất kể từ tháng 2/2018. Khả năng phục hồi trong lĩnh vực này dẫn tới sự phục hồi đáng chú ý trong thị trường lao động tháng này, với các công ty bổ sung thêm nhân công lần đầu tiên trong 8 tháng.
Tuy nhiên, lợi nhuận vẫn bị áp lực giảm, với chi phí đầu vào tiếp tục tăng trong khi phí đầu ra giảm, cho thấy một số công ty vẫn đang cắt giảm giá do sự cạnh tranh doanh số khốc liệt.
Cần nhiều kích thích hơn?
Chính phủ Trung Quốc đang cố gắng thúc đẩy nhu cầu trong nước trong hơn một năm, phần lớn thông qua việc tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và cắt giảm thuế, nhưng các biện pháp này đã chậm lại.
Tăng trưởng kinh tế nguội lạnh ở mức 6% trong quý 3/2019, mức thấp nhất trong gần 30 năm.
Để ngăn cản suy giảm mạnh hơn, Trung Quốc đã mua 1 nghìn tỷ CNY (142,07 tỷ USD) hạn ngạch trái phiếu đặc biệt của chính quyền địa phương năm 2020. Trái phiếu này được sử dụng phần lớn để tài trợ cho các công trình công cộng.
Trong khi Trung Quốc cắt giảm lãi suất cho vay chủ chốt trong vài tháng qua để giảm chi phí tài chính cho các tập đoàn, mức giảm khá khiêm tốn. Giới phân tích tin tưởng các nhà hoạch định chính sách miễn cưỡng tung ra các kích thích mạnh mẽ hơn vì lo ngại có thể làm tăng rủi ro và bổ sung thêm nợ.
Washington và Bắc Kinh cho biết trong tháng 10/2019, họ đang làm việc để đưa ra giai đoạn 1 của thỏa thuận thương mại, nhưng những hy vọng ban đầu của thị trường về một thỏa thuận đang nhanh chóng mờ dần.
Thỏa thuận có thể rời sang năm tới khi Bắc Kinh thúc ép bỏ thuế quan rộng rãi hơn và chính quyền Trump phản đối với yêu cầu cao hơn của chính họ.
Căng thẳng tăng cao, tờ Global Times của Trung Quốc hôm 1/12 cho biết Bắc Kinh đang yêu cầu Washington loại bỏ thuế quan hiện nay, chứ không chỉ là thuế quan được lên kế hoạch, như một phần của thỏa thuận này.
Thuế bổ sung của Mỹ với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực vào ngày 15/12/2019.
Hiện nay thỏa thuận thương mại đã bị đình trệ sau khi Mỹ thông qua luật pháp ủng hộ người biểu tình tại Hong Kong, trích dẫn một nguồn tin thân cận với đội ngũ đàm phán của Trump.
Nguồn: VITIC/Reuters