menu search
Đóng menu
Đóng

Hơn 30 mặt hàng xuất khẩu tỉ USD trong 11 tháng qua

09:26 12/12/2019

Vinanet - Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp.
Điện thoại và linh kiện tiếp tục đứng đầu TOP tỉ USD
Số liệu của Bộ Công Thương cho biết tính đến hết tháng 11 năm 2019, Việt Nam đã có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, trong đó có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỉ USD và 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỉ USD.
Những mặt hàng dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu tiếp tục là điện thoại các loại và linh kiện đạt hơn 48,7 tỉ USD, hàng dệt và may mặc đạt gần 30 tỉ USD, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 32,4 tỉ USD, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng gần 16,5 tỉ USD, giày dép các loại gần 16,5 tỉ USD.
Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Đặc biệt khác với các năm trước đây, động lực tăng trưởng xuất khẩu không đến từ nhóm nông sản, thủy sản mà đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp. Cụ thể, trong khi xuất khẩu nhóm nông sản, thủy sản giảm 5,2%; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản giảm 10,6% so với cùng kì thì nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 9,8%, qua đó đóng góp vào mức tăng trưởng xuất khẩu chung. Tỉ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 84,43% tổng kim ngạch xuất khẩu, cao hơn mức 82,9% của năm 2018 và 81% của năm 2017.
Các mặt hàng chủ lực khác duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao như kim ngạch xuất khẩu máy vi tính tăng 19,4%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 17,2%; giày dép tăng 12,5%; kim loại thường khác tăng 11,2%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 9,8%. Theo đó, tính chung kim ngạch xuất khẩu 11 tháng đầu năm ước đạt 241,42 tỉ USD, tăng 7,8% so với cùng kì năm 2018. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 74,72 tỉ USD, tăng hơn 18%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) ước đạt 166,7 tỉ USD, tăng 3,8%. Tỉ trọng của khối doanh nghiệp trong nước trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung cũng tăng lên mức 30,95% so với 29,16% của 11 tháng năm 2018.
Tăng trưởng tốt nhưng vẫn tồn tại nhiều lực cản
Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng vào thương mại quốc tế với 13 FTA được kí kết và 3 FTA đang trong quá trình đàm phán, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có khả năng cạnh tranh tốt hơn so với nhiều nhà cung cấp khác nhờ hàng rào thuế quan dần được gỡ bỏ. Trong đó, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2019 và Hiệp định FTA Việt Nam - EU (EVFTA) đã được kí kết và dự kiến có hiệu lực năm 2020 đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp các doanh nghiệp có thêm năng lực sản xuất mới.
Theo Bộ Công Thương thông thường kim ngạch xuất nhập khẩu những tháng cuối năm thường đạt khá cao so với đầu năm do đây là thời điểm chuẩn bị hàng hóa phục vụ các dịp mua sắm lớn nhất trên toàn cầu trong cả năm như Lễ Giáng sinh, tết Dương lịch, tết Âm lịch ở Việt Nam và một số nước châu Á… Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu sẽ không có nhiều biến động do ảnh hưởng từ sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu.
Đồng thời căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc tiếp tục tác động đa chiều tới hoạt động thương mại của Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc vẫn còn nhiều khó khăn do kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, nhu cầu giảm. Ngoài ra, xuất khẩu các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc còn gặp nhiều trở ngại do nước này tăng cường kiểm tra, siểm soát chất lượng hàng hóa nhập khẩu. Bên cạnh đó, xuất khẩu điện thoại các loại mặt hàng có có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại.
Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực vẫn đối diện với những khó khăn thách thức như EU chưa bỏ thẻ vàng đối với thuỷ sản Việt Nam, cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ trong xuất khẩu hàng hoá nông sản, thuỷ sản do ngày càng nhiều nước tham gia cung ứng nông sản trong khi cầu hạn chế.
Kiểm soát vấn đề chất lượng cũng như truy xuất nguồn gốc, năng lực chế biến, bảo quản nông sản, công nghiệp phụ trợ đang là vấn đề cần được quan tâm mạnh mẽ. Trong khi đó, giá các mặt hàng nông, thuỷ sản đang trong xu hướng giảm.
Đặc biệt xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Mỹ dự báo sẽ tiếp tục tăng do sự chuyển dịch các đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam, tuy nhiên có thể kéo theo hệ lụy về việc tăng kiểm soát nhập khẩu từ Việt Nam.
Nguồn: Vietnambiz.vn