Kim ngạch xuất khẩu của Indonesia trong năm 2022 có thể tăng gấp đôi do sự bùng nổ giá của nhóm hàng xuất khẩu chủ lực chính của nước này. Chỉ tính riêng 03 nhóm hàng than, dầu cọ-CPO và nikel chế biến (thép không gỉ), giá trị xuất khẩu có thể tăng lên tới 172 tỷ USD, tương đương với mức thặng dư thương mại tăng thêm khoảng 7 tỷ USD/tháng. Theo các chuyên gia kinh tế Indonesia, với mức giá nikel khoảng 50.000 USD/tấn hiện nay, gía trị xuất khẩu thép không gỉ trong năm nay của nước này có thể lần đầu tiên vượt qua kim ngạch xuất khẩu than trong lịch sử nước này. Nghành sản xuất chế tạo nikel của Indonesia sẽ góp phần làm tăng thu mạnh cho ngân sách nhà nước. Việc bùng nổ giá trị kim ngạch xuất khẩu và nguồn thu thuế xuất khẩu tài nguyên gia tăng mạnh sẽ giúp Indonesia giảm thiểu tối đa rủi ro từ việc gia tăng của giá dầu thế giới. Công ty PT Bahana Sekuritas Indonesia cũng ước tính rằng với giá trị kim ngạch nhập khẩu dầu và khí hiện nay của nước này bình quân khoảng 2,1 tỷ USD /tháng thì Indonesia vẫn có thể thặng dự thương mại hàng tháng cho dù giá dầu có tăng lên tới 210 USD /thùng. Những lợi ích thu được từ việc xuất khẩu than, dầu cọ và nickel cũng sẽ góp phần gia tăng tính kháng cự của đồng rupiah, ổn định lãi suất ngân hàng từ đó hỗ trợ cho các doanh nghiệp nước này.
Theo số liệu cơ quan thống kê Indonesia, kim ngạch xuất khẩu của nước này năm 2021 đạt 231,5 tỷ USD, tăng 41,88% so với năm 2020 với mặt hàng than và dầu cọ là hai nhóm hàng đầu tầu tăng trưởng với gía trị xuất khẩu tương ứng 32,84 tỷ USD và 32,83 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu các nhóm sản phẩm từ nikel của Indonesia trong năm 2021 đạt gần 20 tỷ USD.
Trong động thái gần nhất của Chính phủ Indonesia đối với nhóm hàng dầu cọ-CPO, Ngày 09/03/2022, Bộ trưởng Thương mại Indonesia ông Muhammad Lutfi tuyên bố trước báo giới nước này sẽ gia tăng tỷ lệ nghĩa vụ cung ứng trong nước (DMO) đối với các công ty xuất khẩu dầu cọ lên 30% tổng lượng sản xuất từ mức hiện nay là 20% và sẽ có hiệu lực trong 6 tháng kể từ ngày 10/3/2022. Theo Bộ trưởng, việc gia tăng nghĩa vụ DMO nhằm đảm bảo hoạt động hiệu quả của ngành dầu cọ, tăng nguồn cung nội địa góp phần kiểm soát giá dầu ăn trong nước đang gia tăng mạnh.Việc cắt giảm giảm lượng xuất khẩu dầu cọ của Indonesia nhằm ưu tiên bình ổn giá dầu tại thị trường trong nước của Indonesia trong bối cảnh trong bối cảnh sự tăng cao của giá quốc tế (chịu ảnh hưởng bởi cuộc xung đột Nga-Ucraina hiện nay) đối nhiều nhóm hàng hóa (trong đó có dầu cọ) chắc chắn sẽ khiến giá quốc tế của mặt hàng này tiếp tục tăng do Indonesia là 01 trong những nước cung ứng dầu CPO hàng đầu thế giới và Indonesia chắc chắn sẽ được hưởng lợi từ động thái này.
Nguồn:Thương vụ Việt Nam tại Indonesia