menu search
Đóng menu
Đóng

Kinh tế Mỹ đang ở đâu trong chu kỳ tăng trưởng - suy thoái?

08:00 19/10/2019

Vinanet -Nỗi sợ suy thoái ngày càng lớn trong những tháng gần đây do cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc kéo dài, khiến doanh nghiệp e ngại đầu tư và tuyển dụng, lĩnh vực sản xuất suy giảm. Kinh tế Mỹ đang giảm tốc nhưng câu hỏi lớn hơn là liệu bao lâu nữa sẽ rơi vào suy thoái.
Theo mô hình tính toán rủi ro suy thoái của Mỹ do Bloomberg Economics xây dựng, có 27% khả năng kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong 12 tháng tới. Con số này cao hơn cùng kỳ năm ngoái nhưng thấp hơn thời điểm trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Vì vậy, các chuyên gia phân tích của Bloomberg Economics cho rằng giới đầu tư vẫn cần theo dõi sát sao tình hình kinh tế nhưng chưa đến mức phải hoảng loạn. Mô hình dự đoán suy thoái của Bloomberg Economics xem xét tới một loạt số liệu liên quan tới kinh tế, thị trường tài chính và các áp lực tiềm ẩn.
Có 27% khả năng kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong 12 tháng tới.
Vì suy thoái đang gần kề nên các chỉ số cũng phát tín hiệu cảnh báo rõ ràng hơn. Tuy nhiên, chỉ số khác nhau lại phát tín hiệu cảnh báo tại những điểm khác nhau.
Để xác định Mỹ có đang trên đỉnh của một cuộc suy thoái kinh tế hay không, mô hình của Bloomberg Economics tập trung phân tích các số liệu như báo cáo trợ cấp thất nghiệp hàng tuần. Đối với mốc 3 tháng, mô hình sẽ phân tích các biến số trên thị trường tài chính như chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu chính phủ kỳ hạn 3 tháng và 10 năm. Tương tự, mốc 6 tháng chủ yếu quan tâm đến chỉ số Conference Board’s Leading Economic, và với mốc 12 tháng là chênh lệch giữa các chỉ số tài chính dài hạn, như chi phí lãi vay của doanh nghiệp so với lợi nhuận.
Nhiều tín hiệu cho thấy suy thoái có thể xảy ra trong 12 tháng tới, nhưng mức độ chưa rõ nét.
Hiện tại, một số chỉ số như đường cong lợi suất trái phiếu chính đều phát tín hiệu cảnh báo, trong khi các chỉ số khác như mức tăng lương thực tế lại không cho thấy nguy cơ đáng kể.
Đường cong lợi suất trái phiếu cho thấy nguy cơ suy thoái, nhưng tăng trưởng lương thực tế vẫn tích cực.
Chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 3 tháng và 10 năm xuống dưới 0 hồi đầu năm nay và duy trì ở mức này trong phần lớn thời gian của 6 tháng qua. Trong 7 cuộc suy thoái gần nhất, đường cong lợi suất đều đảo chiều, nhưng những yếu tố đặc biệt, bao gồm nỗ lực bơm tiền vào nền kinh tế thông qua chương trình nới lỏng định lượng của ngân hàng trung ương, đã giúp đường cong đó thẳng trở lại trong thời gian gần đây. Vì vậy, có thể đây không còn là chỉ số cảnh báo suy thoái đáng tin cậy.
Biên lợi nhuận của doanh nghiệp lại dấy lên một số lo ngại. Trong bối cảnh khả năng sinh lời giảm, các doanh nghiệp sẽ phải tìm cách cắt giảm chi phí, như giảm tuyển dụng, thậm chí sa thải nhân viên. Điều này có thể dẫn tới tình trạng chi tiêu tiêu dùng, hiện là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế, giảm sút.
Liên quan tới chính sách tiền tệ, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell từng cam kết sẽ hành động để thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, cơ quan này không còn nhiều công cụ để làm được điều đó. Trước khi Đại suy thoái diễn ra, lãi suất vào khoảng 5%, tức là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ còn nhiều dư địa để hạ chi phí đi vay và kích thích nền kinh tế. Đầu năm nay, lãi suất cơ bản chỉ bằng nửa con số trên.
Ngân hàng trung ương Mỹ đã hạ lãi suất 2 lần trong năm nay, và giới phân tích đang chờ một đợt hạ lãi suất khác sẽ được công bố trong cuộc họp chính sách ngày 29 - 30/10.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ không còn nhiều dư địa để kích thích kinh tế.
Ngược lại, tăng lương cơ bản (đã điều chỉnh theo lạm phát) cho thấy bức tranh tươi sáng hơn. Trước cuộc suy thoái năm 2007 - 2009, tăng trưởng lương giảm mạnh do nhu cầu về lao động giảm. Hiện tại, tăng trưởng lương cơ bản có xu hướng chậm lại nhưng lương thực tế vẫn ở mức tốt.
Các cuộc suy thoái thường đi kèm với sự gia tăng nhanh chóng trong tỷ lệ thất nghiệp. Năm 2009, tỷ lệ thất nghiệp đạt đỉnh 10%. Tuy nhiên, từ đó đến nay, số người không có việc làm tại Mỹ có xu hướng giảm với tỷ lệ thất nghiệp tháng 9 đạt 3,5%, thấp nhất kể từ tháng 12/1969.
Thị trường việc làm Mỹ cho thấy dấu hiệu không đáng ngại.
Nhiều người xác định một nền kinh tế rơi vào suy thoái khi GDP giảm 2 quý liên tiếp. Trong khi đó, Cục nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ lại có phương pháp đánh giá toàn diện hơn khi định nghĩa suy thoái là tình trạng sụt giảm trong mọi hoạt động kinh tế kéo dài trong nhiều tháng liên tiếp.
Vì cùng xảy ra cùng với khủng hoảng tài chính, cuộc suy thoái 10 năm trước đặc biệt kéo dài và có ảnh hưởng sâu sắc. Những cuộc suy thoái trước đó diễn ra trong thời gian ngắn hơn và "nông" hơn.
Năm 2019, kinh tế Mỹ có xu hướng tăng trưởng chậm lại, với tốc độ tăng trưởng GDP quý II đạt 2,1%, thấp hơn mức 3,1% của quý I. Trong báo cáo mới nhất, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng hạ triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong năm nay xuống còn 2,4% và trong năm 2020 là 2,1%.

Cuộc Đại suy thoái 10 năm trước khiến GDP Mỹ giảm liên tiếp trong nhiều tháng.

 Nguồn: Thanh Long/Người đồng hành (Theo Bloomberg, CNBC)

 
Tags: a