menu search
Đóng menu
Đóng

Kinh tế, tài chính nổi bật tuần đến 12/5/2017

09:30 15/05/2017

Vinanet - Bế mạc Hội nghị Trung ương 5 khóa XII. Thị trường vàng trầm lắng. Tỷ giá trung tâm có một tuần liên tục thiết lập các mức giá cao mới...
 
Bế mạc Hội nghị Trung ương 5 khóa XII
Chiều 10/5, bế mạc Hội nghị Trung ương 5 khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu. Tổng Bí thư cho biết, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận sôi nổi, quán triệt sâu sắc, cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và bổ sung, phát triển nhiều nội dung mới, quan trọng của Nghị quyết Trung ương 6 khoá X "Về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa".
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, trong nhiệm kỳ khoá XII, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
Một là, hoàn thiện thể chế về huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực và thể chế về phân phối kết quả làm ra để giải phóng sức sản xuất, tạo động lực và nguồn lực cho tăng trưởng, phát triển, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia.
Hai là, hoàn thiện thể chế về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, có chính sách đột phá tháo gỡ những vướng mắc, tạo thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trên cơ sở đẩy mạnh đồng bộ cải cách hành chính và cải cách tư pháp.
Ba là, hoàn thiện thể chế về phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ, về giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao để tranh thủ những thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Bốn là, đổi mới vai trò, chức năng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nền kinh tế và năng lực kiến tạo sự phát triển của Nhà nước, đặc biệt là năng lực, hiệu quả thể chế hoá đường lối, chủ trương của Đảng và tổ chức thực hiện chính sách, luật pháp của Nhà nước.
Năm là, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực, tinh giản bộ máy, biên chế, xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống chính trị.
Thị trường vàng trầm lắng
Tuần qua, thị trường vàng trong nước ở trong trạng thái trầm lắng, qua các ngày giá vàng chỉ chênh lệch lên xuống không đáng kể, dao động ở khoảng 36,30 – 36,42 triệu đồng/lượng (chiều mua vào) và 36,56 – 36,65 triệu đồng/lượng (chiều bán ra). Theo nhận định của Doji, do nhu cầu sở hữu kim loại quý giảm sút nên lượng khách bán chiếm chủ đạo tới 65%. Kết thúc tuần giao dịch, vào sáng ngày 12/5, giá vàng tăng trở lại với giá mua vàng miếng SJC ở mức 36,40 triệu đồng/lượng và giá bán vàng miếng ở mức 36,62 triệu đồng/lượng. Vàng trong nước hiện đang cao hơn thế giới khoảng 3,02 triệu đồng mỗi lượng.
Tỷ giá trung tâm có một tuần liên tục thiết lập các mức giá cao mới
Tỷ giá trung tâm tuần qua đã có một tuần liên tục thiết lập các mức giá cao mới, dao động ở khoảng 22.358 – 22.377 đồng/USD. Như vậy so với đầu tuần, tỷ giá phiên cuối tuần đã tăng tới gần 20 đồng mỗi USD. Tuy nhiên tại các NHTM, tỷ giá giao dịch USD không hề “nóng’ mà chỉ biến động nhẹ. Tới đầu giờ sáng 12/5, đa số các ngân hàng thương mại giữ tỷ giá ngoại tệ đồng đô la Mỹ không đổi so với cuối giờ phiên liền trước, phổ biến ở mức 22.675 đồng (mua) và 22.745 đồng (bán). Giá USD trên thị trường chợ đen ở khoảng: 22.760 - 22.780 đồng/USD.
Tăng trưởng tín dụng 4 tháng ước dạt 5,2%
TheoUBGSTCQG: Tăng trưởng tín dụng 4 tháng ước đạt 5,2%, bỏ xa tăng trưởng huy động 3,7%. Tỷ lệ tín dụng/huy động tăng từ 86,3% lên 87%. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng có dấu hiệu khó khăn cục bộ nhưng lãi suất chưa ghi nhận thêm mức điều chỉnh đáng kể. Tăng trưởng huy động chậm hơn so với tăng trưởng tín dụng dẫn đến tỷ lệ tín dụng/huy động tăng nhẹ từ 86,3% lên 87%.
Tình hình cổ phần hóa 4 tháng đầu năm 2017
Báo cáo của Bộ Tài chính về công tác cổ phần hóa cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2017, đã có 9 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị thực tế là 2.468 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 564 tỷ đồng; vốn điều lệ của 9 doanh nghiệp là 878,5 tỷ đồng. Về thoái vốn, trong tháng 4/2017, các đơn vị đã thoái được 29 tỷ đồng, thu về 63 tỷ đồng. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2017, các đơn vị đã thoái được 3.101 tỷ đồng, trong đó SCIC đã bán vốn tại 16 doanh nghiệp với giá trị là 1.353 tỷ đồng, thu về 12.190 tỷ đồng.
Lượng đường tồn kho tính đến cuối tháng 4 tăng mạnh
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, đến cuối tháng 4, lượng đường tồn kho trong nước hiện đang khá lớn. Đến ngày 28/4, tồn kho tại các nhà máy đường là 674.487 tấn, tại các công ty thương mại là 43.032 tấn. Tổng cộng, ngành đường đang tồn kho 717.000 tấn. Đây là mức tồn kho kỷ lục vì mức tồn kho cao nhất trước đây là 701.680 tấn (tháng 4/2014). Đường tồn tăng mạnh trước hết là do nhu cầu giảm nhiều sau Tết Nguyên đán. Đường xuất khẩu lại vẫn bế tắc. Từ đầu năm đến nay, đường Việt Nam hầu như không xuất được sang Trung Quốc, dù nước này đang phải nhập khẩu đường với số lượng khá lớn.
Nguồn: VITIC tổng hợp