menu search
Đóng menu
Đóng

Kinh tế, tài chính nổi bật tuần đến 14/4/2017

09:58 17/04/2017

Vinanet -Giá vàng trong nước bật tăng mạnh theo giá vàng thế giới. Tỷ giá trung tâm của NHNN vẫn duy trì ở mức cao. Tăng trưởng của Việt Nam được dự báo tiếp tục tăng lên mức 6,5% trong năm 2017…
Giá vàng trong nước bật tăng mạnh theo giá vàng thế giới
Tuần qua, giá vàng trong nước đã bật tăng mạnh theo giá vàng thế giới trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông và bán đảo Triều Tiên đã đẩy nhu cầu mua vàng trú ẩn lên cao.
Trong hai phiên đầu tuần, giá vàng neo ở mức 36,40 – 36,62 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). 3 phiên giao dịch sau đó, giá vàng đã dần tiến đến mức sát ngưỡng 37 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, theo nhận định của đại diện Công ty VBĐQ PNJ, thị trường vàng trong nước vẫn khá ổn định, không còn tình trạng người dân đổ xô đi mua vàng như những năm về trước, trên thị trường hiện nay đa số vẫn chỉ là các giao dịch nhỏ lẻ. Kết thúc tuần giao dịch, lúc 9h07’ ngày 14/4, giá vàng neo ở mức 36,76 – 36,98 triệu đồng/lượng và cao hơn giá thế giới khoảng 1,7 triệu đồng mỗi lượng.
Tỷ giá trung tâm của NHNN vẫn duy trì ở mức cao
Tỷ giá trung tâm tuần qua của NHNN vẫn duy trì ở mức cao, dao động ở khoảng 22.316 – 22.321 đồng/USD. Trong 3 phiên đầu tuần, tỷ giá tăng dần và có xu hướng giảm ở 2 phiên cuối tuần. Tại các NHTM, tỷ giá đồng USD chỉ biến động nhẹ. Cụ thể, lúc 8 giờ 20 phút ngày 14/4 tại Vietcombank, niêm yết giá USD ở mức 22.635– 22.705 VND/USD (mua vào – bán ra), tăng 5 đồng so với cùng thời điểm sáng hôm trước. Tại Vietinbank giá đồng bạc xanh vẫn giữ nguyên so với ngày hôm trước, hiện ngân hàng này đang niêm yết ở mức 22.630 – 22.710 VND/USD (mua vào – bán ra).
Theo báo cáo của công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), diễn biến tỷ giá USD/VND trong quý I nhìn chung tương đối bình ổn. So với thời điểm cuối năm 2016, tỷ giá trung tâm do NHNN công bố vào thời điểm cuối tháng 3 có mức tăng khoảng 0,5% trong khi tỷ giá giao dịch tại các NHTM tăng nhẹ 0,02%. Cũng có một vài thời điểm tỷ giá tăng khá mạnh (tuần cuối tháng 2, đầu tháng 3) nhưng đợt tăng chỉ diễn ra trong vài ngày và nhanh chóng hạ nhiệt.
BVSC cũng cho rằng tỷ giá trong năm nay vẫn rất khó lường và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Xu hướng khó dự báo của các đồng tiền chủ chốt như USD, EUR, JPY và đặc biệt là CNY sẽ là những yếu tố khách quan gây trở ngại không nhỏ cho các quyết định điều hành của NHNN. Ngoài ra, tình trạng nhập siêu gia tăng mạnh trở lại là rủi ro rất đáng chú ý. Cán cân thanh toán tổng thể trong năm 2017 được dự báo cũng khó có thể đạt mức thặng dư cao như năm 2016. Do vậy, tỷ giá USD/VND được dự báo sẽ có biến động mạnh hơn trong các quý tới với mức mất giá của VND so với USD trong cả năm nay sẽ xoay quanh mức 3%.
Tăng trưởng của Việt Nam được dự báo tiếp tục tăng lên mức 6,5% trong năm 2017
Trong Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2017 được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố, tăng trưởng của Việt Nam được dự báo tiếp tục nhích lên mức 6,5% trong năm nay, song vẫn thấp hơn so với mục tiêu 6,7% mà Chính phủ đề ra. ADB cho rằng đến năm 2018, Việt Nam mới đạt được mức tăng trưởng này.
Kinh tế Vĩ mô Quý I/2017 và dự báo Quý II
Chiều 10/4, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã công bố báo cáo Kinh tế vĩ mô quý I/2017. Theo ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện VEPR “Với tăng trưởng thấp trong quý 1/2017, chúng tôi nhận định mục tiêu tăng trưởng 6,7% cho cả năm 2017 của Chính phủ đề ra sẽ không đạt được. Dự báo tăng trưởng quý 2 sẽ ở mức 5,7% và cả năm đạt khoảng 6,1%. Vẫn còn nhiều khả năng lạm phát sẽ cao hơn mức dự báo, do hiệu ứng điều chỉnh giá dịch vụ công trên toàn quốc và sự bất định của mức giá trên thế giới”, ông Thành cho hay.
3 tháng 2017, bội chi ngân sách nhà nước bằng 2,27% dự toán năm
Theo số liệu tại họp báo chiều ngày 10/4 của Bộ Tài chính, tổng thu cân đối NSNN tháng 3 ước đạt 92,17 nghìn tỷ đồng, lũy kế thu 3 tháng đạt 280,9 nghìn tỷ đồng, bằng 23,2% dự toán năm, tăng 15,2% so cung kỳ năm 2016. Tổng chi ngân NSNN tháng 3 ước đạt 110,2 nghìn tỷ đồng, lũy kế chi quý I ước đạt 284,96 nghìn tỷ đồng, bằng 20,5% dự toán năm, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2016. Như vậy, bội chi ngân sách nhà nước ước 3 tháng đạt 4,05 nghìn tỷ đồng, bằng 2,27% dự toán năm. Cùng kì năm ngoái, bội chi ngân sách lên tới 47 nghìn tỷ đồng.
Không sử dụng kháng sinh trong thức ăn thủy sản
Không sử dụng kháng sinh trong thức ăn thủy sản. Đó là nội dung tại Nghị định 39/2017/NĐ-CP về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản vừa được Chính phủ ban hành.
Nghị định quy định rõ nguyên tắc quản lý thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh. Cụ thể, không sử dụng kháng sinh trong thức ăn thủy sản. Kháng sinh sử dụng trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích kích thích tăng trưởng cho gia súc, gia cầm phải có trong danh mục kháng sinh được phép sử dụng trong thức ăn chăn nuôi. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 20/5/2017.
Dừng nhập khẩu các sản phẩm thưc săn chăn nuôi có chứa kháng sinh kích thích sinh trưởng
Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) vừa ban hành công văn số 468/CN-TAWCN ngày 31/3/2017 về việc dừng nhập khẩu các sản phẩm thức ăn chăn nuôi (TACN) có chứa kháng sinh kích thích sinh trưởng. Theo đó, kể từ ngày 01/5/2017, Cục Chăn nuôi yêu cầu các đơn vị nhập khẩu thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm (đơn vị nhập khẩu) dừng nhập khẩu TACN có chứa kháng sinh kích thích sinh trưởng ngoài quy định tại Thông tư 06/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ NN&PTNT (Thông tư 06). Kể từ ngày 01/10/2017, dừng nhập khẩu tất cả các sản phẩm TACN chứa kháng sinh kích thích sinh trưởng. Các đơn vị nhập khẩu có trách nhiệm giám sát để đảm bảo không còn TACN chứa kháng sinh kích thích sinh trưởng do đơn vị nhập khẩu trước đó còn lưu thông trên thị trường kể từ ngày 01/01/2018.
Kết thúc áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi
Chính phủ vừa có văn bản thông báo thống nhất với đề nghị của Bộ Công Thương về việc kết thúc áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi từ ngày 1/4/2017. Đồng thời, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương và các bộ, cơ quan liên quan thực hiện quản lý giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định của Luật giá và các văn bản pháp luật có liên quan; đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước trong việc kiểm soát giá, chống đầu cơ, độc quyền.
Tổng cục Hải quan tăng cường kiểm tra các tiêu chí nguồn gốc xuất xứ (C/O) đối với mặt hàng ô tô nguyên chiếc
Tổng cục Hải quan vừa yêu cầu các Cục Hải quan tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra các tiêu chí nguồn gốc xuất xứ (C/O) đối với mặt hàng ôtô nguyên chiếc nhập khẩu khi áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt.
Tổng cục Hải quan yêu cầu, trong trường hợp có nghi vấn liên quan đến tính hợp lệ của C/O, các thông tin khai báo C/O hay xuất xứ thực tế của hàng hóa nhập khẩu các cục hải quan tỉnh, thành phố phải gửi báo cáo và hồ sơ liên quan về Tổng cục để tiến hành xác minh. Cơ quan này cũng chỉ rõ những nghi vấn như có dấu hiệu giả mạo chữ ký, con dấu C/O, sự không phù hợp giữa thông tin về hàng hóa khai báo trên C/O với chứng từ thuộc bộ hồ sơ hải quan, nghi ngờ về tiêu chí xuất xứ khai báo trên C/O hay qua kiểm tra thực tế phát hiện xuất xứ thể hiện trên hàng hóa khác với khai báo, quy định về vận chuyển trực tiếp…Trong thời gian xác minh, hàng nhập khẩu không được áp dụng các thuế suất thuế ưu đãi đặc biệt, chỉ được áp dụng mức thuế suất ưu đãi tối huệ quốc - (MFN), mức ưu đãi thấp hơn ưu đãi đặc biệt.
Nguồn: VITIC tổng hợp