menu search
Đóng menu
Đóng

Kinh tế, tài chính nổi bật tuần đến 7/4/2017

09:36 10/04/2017

Vinanet - Giá vàng trong tuần gần như đi ngang. Tỷ giá có một tuần tăng liên tiếp. Chỉ số PMI tăng. 10 điểm nổi bật kinh tế 3 tháng đầu năm…

Giá vàng trong tuần gần như đi ngang

Tuần qua, , mức giá của các thương hiệu vàng trong nước gần như đi ngang, dao động ở khoảng 36,35 – 36,40 triệu đồng/lượng (chiều mua vào) và 36,57 – 36,62 triệu đồng/lượng (chiều bán ra). Tuy nhiên, theo ý kiến các chuyên gia, ở thời điểm nhạy cảm khi thị trường thế giới vẫn chấp chới đan xen xu hướng tăng giảm do ảnh hưởng bởi các thông tin kinh tế chính trị Mỹ – thị trường số 1 thế giới, các nhà đầu tư trong nước nên giao dịch cân đối an toàn, nhằm tối ưu hoá lợi nhuận. Kết thúc tuần giao dịch, giá vàng lúc 8h30’ sáng 7/4 có xu hướng tăng nhẹ và ở mức 36,40 – 36,60 triệu đồng/lượng và hiện vẫn đang cao hơn giá vàng thế giới khoảng 2 triệu đồng mỗi lượng.

Tỷ giá có một tuần tăng liên tiếp

Diễn biến của tỷ giá tuần qua trái ngược hoàn toàn với thị trường vàng, khi tỷ giá trung tâm đã có một tuần tăng liên tiếp đạt mức cao kỷ lục kể từ đầu năm đến nay. Ngoại trừ ngày nghỉ lễ, còn lại 4 phiên trong tuần, tỷ giá tăng “nóng” qua từng ngày, dao động ở khoảng 22.281 – 22.311 đồng/USD. Từ đầu năm đến nay, tỷ giá trung tâm đã tăng gần 0,7%. Tuy nhiên, tại các NHTM, tỷ giá giao dịch đồng USD lại chỉ biến động nhẹ. 9 giờ sáng 7/4, Vietcombank nâng giá USD 5 đồng so với phiên trước đó và được niêm yết tại ngân hàng này ở mức 22.645 đồng mua vào và 22.715 đồng bán ra. Giá bán USD tại các ngân hàng thương mại khác cũng phổ biến ở mức 22.700 - 22.720 đồng.

Chỉ số PMI tăng

Theo Nikkei, chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất Việt Nam của Nikkei một chỉ số tổng hợp về kết quả hoạt động của ngành sản xuất - đã tăng từ mức 54,2 điểm của tháng Hai lên 54,6 điểm trong tháng Ba, cho thấy sự cải thiện mạnh mẽ của sức khỏe lĩnh vực sản xuất. Nhìn chung, các điều kiện kinh doanh đã được cải thiện ở mức đáng kể nhất kể từ tháng 5/2015.

10 điểm nổi bật kinh tế 3 tháng đầu năm

Sáng 3/4, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2017, Thủ tướng đã nêu 10 điểm nổi bật và những tồn tại, bất cập trong 3 tháng đầu năm, trong đó nêu rõ yêu cầu khắc phục tình trạng GDP tăng trưởng thấp.

Theo Thủ tướng, 10 điểm sáng của kinh tế - xã hội là kinh tế vĩ mô ổn định, CPI 3 tháng tăng 0,9% (cùng kỳ tăng 0,99%). Tăng trưởng tín dụng cao (đạt 2,81% trong khi cùng kỳ năm 2016 đạt 1,54%). Xuất khẩu tăng mạnh, ước đạt trên 43,7 tỷ USD, tăng 12,8%. Các khu vực nông nghiệp và dịch vụ có mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ. Khách quốc tế tiếp tục tăng nhanh, đạt trên 3,2 triệu lượt, tăng 29%. Vốn FDI tăng mạnh, đăng ký đạt 7,71 tỷ USD tăng 77,6% (bao gồm cấp mới, tăng vốn và mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài), thực hiện đạt 3,62 tỷ USD tăng 3,4%. Thu ngân sách tăng mạnh, đạt 23,4% dự toán, tăng 13,5% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục tăng nhanh (có trên 26.400 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 11,4% về doanh nghiệp và 45,8% về vốn đăng ký), đặc biệt tổng vốn đăng ký tăng thêm gần 600.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, xuất khẩu nếu loại trừ yếu tố giá chỉ tăng 6,7%. Giải ngân vốn đầu tư công chậm, quý I chỉ đạt 12,4% dự toán (cùng kỳ 2016 là 16%). Trong khi đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội chỉ tương đương 32% GDP, “như vậy mục tiêu huy động vốn xã hội của chúng ta đặt ra rất quyết liệt nhưng trong quý I cũng chưa cao, cần tìm ra nguyên nhân này”….

Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg về việc tăng cường sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước.

Cụ thể, về phân chia gói thầu, Thủ tướng yêu cầu việc phân chia các gói thầu thuộc dự án, dự toán đối với mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước phải tuân thủ nguyên tắc phân chia gói thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu, phù hợp với điều kiện năng lực của nhà thầu trong nước, bảo đảm các điều kiện cạnh tranh tối đa cho các doanh nghiệp trong nước, góp phần tạo việc làm cho lao động trong nước…

Hoạt động xuất, nhập khẩu quý I/2017 diễn ra sôi động

Theo báo cáo công tác quý I/2017 của Tổng cục Hải quan, hoạt động xuất nhập khẩu 3 tháng đầu năm diễn ra khá sôi động, số thu ngân sách nhà nước của ngành cũng tăng cao. Cụ thể, trong quý I/2017, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá ước đạt 89,36 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ 2016. Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 43,73 tỷ USD, tăng 12,8% và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 45,63 tỷ USD, tăng 22,4% so với cùng kỳ 2016. Cán cân thương mại hàng hóa trong quý I/2017 dự kiến nhập siêu 1,9 tỷ USD. Nguyên nhân, theo Tổng cục Hải quan, chủ yếu do nhập khẩu hàng hóa tăng mạnh, quý đầu của năm dự kiến tăng 22,4%; cao hơn nhiều tốc độ tăng của xuất khẩu 12,8%.

Quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với tôn mạ

Theo Quyết định số 1105/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với sản phẩm thép mạ (còn gọi là tôn mạ) vừa được ban hành, mức thuế áp dụng cho nhà sản xuất từ Trung Quốc cao nhất là 38,34%, từ Hàn Quốc là 19%. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Thuế chống bán phá giá sẽ được áp dụng trong vòng 5 năm kể từ ngày Quyết định có hiệu lực.

Bộ NN&PTNT ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia sản phẩm thủy sản – cá tr philê đông lạnh

Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư 07/2017/TT-BNNPTNT về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia sản phẩm thủy sản – cá tra phile đông lạnh, theo đó, tỷ lệ mạ băng cá tra phile không được lớn hơn 20% khối lượng tổng của sản phẩm. Còn hàm lượng nước không được lớn hơn 86% khối lượng tịnh của sản phẩm. Thông tư 07 có hiệu lực từ ngày 5-5-2017.

Nguồn: VITIC tổng hợp