menu search
Đóng menu
Đóng

Kinh tế, tài chính nổi bật tuần đến ngày 15/9

15:12 18/09/2017

Vinanet - Tuần qua, giá vàng trong nước giảm. Tỷ giá trung tâm tăng liên tục trong tuần. Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) dự báo tình hình giá cả thị trường tháng 9…
Tuần qua, giá vàng trong nước giảm
Tuần qua, giá vàng trong nước đồng loạt giảm mạnh, ngắt đứt mạch tăng của vàng ở tuần trước đó. Giá dao động ở khoảng 36,54 – 36,80 triệu đồng/lượng (chiều mua vào) và 36,64 – 37,02 triệu đồng/lượng (chiều bán ra). Sự biến động ở hai trạng thái tăng mạnh và giảm mạnh của giá vàng trong hai tuần vừa qua đã khiến cho không ít các nhà đầu tư đều có chung cảm giác bất ngờ.
Vào phiên giao dịch cuối tuần ngày 15/9, giá vàng có xu hướng tăng giá trở lại do tác động của giá vàng thế giới. Thời điểm 8h 25 phút tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn, giá vàng neo ở mức 36,57 - 36,79 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 70 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều so với chốt phiên hôm 14/9. Quy đổi theo tỷ giá tại Vietcombank, giá vàng trong nước hiện đắt hơn giá thế giới khoảng 280 nghìn đồng/lượng (chưa tính thuế và các khoản phí).
Tỷ giá trung tâm tăng liên tục trong tuần
Trái ngược với sự sụt giảm của giá vàng, tỷ giá trung tâm của NHNN lại có một tuần tăng liên tục, dao động ở khoảng 22.428 – 22.441 đồng/USD. Tuy nhiên, tại các NHTM, giá giao dịch đồng USD hầu như đứng yên và xu hướng này kéo dài suốt từ đầu tuần. Cụ thể, lúc 8 giờ 20 phút ngày 15/9 tại Vietcombank, giá USD được niêm yết ở mức 22.690 – 22.760 VND/USD (mua vào – bán ra). BIDV cũng niêm yết giá đồng bạc xanh ở mức 22.690 - 22.760 VND/USD (mua vào – bán ra), không đổi từ cuối tuần qua.
Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) dự báo tình hình giá cả thị trường tháng 9
Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) vừa công bố dự báo tình hình giá cả thị trường tháng 9 năm nay. Theo Cục Quản lý giá, trong tháng 9, có một số yếu tố gây sức ép tăng nhẹ lên mặt bằng giá là hai đợt điều chỉnh tăng giá xăng dầu ngày 19/8 và ngày 5/9/2017 cùng với việc các địa phương tiếp tục lộ trình tăng giá học phí năm học 2017-2018 tập trung nhiều vào tháng 9/2017. Bên cạnh đó, nhu cầu mua sắm, đi lại trong ngày tựu trường của học sinh, sinh viên; nhu cầu vui chơi, giải trí trong dịp nghỉ lễ 2/9 và rằm Trung thu dự báo sẽ ở mức cao có thể đẩy giá một số hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng tăng. Ở chiều ngược lại, một số mặt hàng có khả năng giảm giá hoặc ổn định trong tháng tới như phân bón, thức ăn chăn nuôi... do nhu cầu tiêu thụ vẫn ở mức thấp.
Dự kiến giai đoạn 2018-2020 Việt Nam sẽ được vay vốn hỗ trợ với tổng trị giá hơn 4 tỷ USD
Khung hợp tác giữa Việt Nam - Nhóm Ngân hàng Thế giới 2017-2022 đã chính thức được công bố sáng 14/9 tại Hà Nội. Với Khung đối tác mới sẽ có sự thay đổi trong cách tiếp cận và hỗ trợ từ phía Ngân hàng Thế giới như tham gia nhiều hơn ở cấp địa phương, phối hợp đa ngành, tăng cường đổi mới sáng tạo và thúc đẩy bình đẳng giới. Dự kiến, Việt Nam sẽ được vay vốn hỗ trợ chuyển tiếp IDA và cả vốn IBRD trong giai đoạn 2018 - 2020 với tổng giá trị có thể đạt hơn 4 tỷ USD.
Kể từ 1/1/2018, Petrolimex thay thế hoàn toàn xăng khoáng RON92 bằng xăng E5
Ngày 11/9, Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) Trần Văn Thịnh đã có văn bản số 1200/PLX-KTXD gửi các đơn vị thành viên Petrolimex về việc kinh doanh xăng E5. Theo đó, kể từ ngày 1/1/2018, Petrolimex sẽ triển khai kinh doanh xăng E5 trên toàn hệ thống phân phối của mình, thay thế hoàn toàn xăng khoáng RON 92 trên toàn quốc. Tập đoàn cũng khuyến khích các công ty xăng dầu trực thuộc chuẩn bị các điều kiện tại cửa hàng xăng dầu và nguồn xăng E5 từ các công ty tuyến trước để đáp ứng yêu cầu phân phối xăng E5. Việc triển khai xăng E5 thay thế hoàn toàn xăng khoáng RON 92 của Petrolimex được thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương.
Tháng 8/2017, Việt Nam xuất siêu 1,6 tỷ USD
Tháng 8, Việt Nam xuất siêu 1,6 tỷ USD. Trước đó, Tổng Cục thống kê ước tính Việt Nam xuất siêu 400 triệu USD - bằng 1/4 so số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan. Điều này cho thấy tốc độ tăng trưởng nền kinh tế trong tháng 8 khá vững. Cụ thể trong tháng 8/2017, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam đạt 19,7 tỷ USD, tăng 11,9% so với tháng 7. Tính chung trong 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 135,03 tỷ USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 95,08 tỷ USD, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong tháng 8 đạt 18,1 tỷ USD, tăng 4,5% so với tháng trước. Tính chung trong 8 tháng đầu năm kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 135,8 tỷ USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 81,8 tỷ USD, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Australia chấm dứt điều tra và không áp thuế chống trợ cấp đối với nhôm ép và thép mạ kẽm
Ngày 12-9, Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, Australia đã chấm dứt điều tra và không áp thuế chống trợ cấp đối với nhôm ép và thép mạ kẽm nhập khẩu từ Việt Nam. Theo Cục Quản lý cạnh tranh, việc ADC kết luận chấm dứt điều tra, không áp dụng biện pháp chống trợ cấp trong hai vụ việc và việc ADC kết luận không tồn tại tình hình thị trường đặc biệt đối với thị trường thép mạ Việt Nam là kết quả tích cực và thành công đối với Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam. Kết quả cuối cùng này là tiền lệ tích cực cho các vụ việc tương lai, do đây là lần đầu tiên Australia điều tra chống trợ cấp và điều tra “tình hình thị trường đặc biệt” đối với Việt Nam.
DOC thông báo về quyết định sơ bộ thuế chống bán phá giá mặt hàng cá tra phi lê
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, ngày 13/9, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã có thông báo về quyết định sơ bộ thuế chống bán phá giá của đợt xem xét hành chính lần thứ 13 (POR13) đối với mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh từ Việt Nam giai đoạn từ 1/8/2015 đến 31/7/2016. Cụ thể, trong POR13, mức thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh từ Việt Nam là 2,39 USD/kg, cao gấp 3 lần so với mức thuế suất riêng lẻ trong POR12.
VASEP cho rằng, đây là lần đầu tiên DOC có những điều chỉnh hoàn toàn thiếu cơ sở pháp lý và bỏ qua các quy định thông thường từ trước đến nay.
Kết quả này thể hiện sự không công bằng, trái với các quy định về luật chống bán phá giá thông thường, đồng thời mang tính áp đặt và vô lý đối với các doanh nghiệp đang xuất khẩu sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh vào thị trường Hoa Kỳ. Theo VASEP, DOC đã áp dụng các yếu tố bất lợi có sẵn (AFA) và tính biên độ phá giá 2,39 USD/kg đối với Công ty cổ phần Gò Đàng (GODACO), khi cho rằng công ty này không hợp tác trong quá trình xem xét và không cung cấp đầy đủ các dữ liệu cần thiết cho DOC. VASEP yêu cầu DOC xem xét lại trường hợp của GODACO cũng như đưa ra mức thuế hợp lý cho các doanh nghiệp dựa trên căn cứ pháp lý và cơ sở thực tế khi đưa ra quyết định cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 13.
Kim ngạch xuất khẩu cá tra sang thị trường Hoa Kỳ giảm mạnh
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), sau khi Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ tiến hành kiểm tra 100% lô hàng cá tra Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ từ ngày 2/8/2017, đến nay, đã xuất hiện một số khó khăn đối với doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam.
Cụ thể, trong tháng 8/2017, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ đạt 18,44 triệu USD, giảm 58,5% so với tháng 7/2017 (44,45 triệu USD) và giảm 54,8% so với tháng 8/2016 (40,8 triệu USD).
Cũng theo VASEP, hiện tại đã có một số ách tắc và quá tải kho bãi (đặc biệt là tại cảng Los Angeles). Đến thời điểm này, các doanh nghiệp cá tra ghi nhận một số nhà nhập khẩu lớn đã có kho riêng được USDA xét duyệt làm I-house (kho) nên họ hy vọng sẽ tránh được vấn đề này trong tương lai.
Nguồn: VITIC tổng hợp

Nguồn:Vinanet