menu search
Đóng menu
Đóng

Kinh tế, tài chính, thương mại tuần đến ngày 16/12

09:59 19/12/2016

Vinanet - Giá vàng trong tuần biến động. Thị trường tiền tệ tác động bởi những thông tin tài chính trên thế giới. Loại khỏi quy hoạch 12 dự án thép…

Giá vàng trong tuần biến động

Tuần qua, thị trường vàng thế giới và trong nước “nín thở” chờ đợi thông tin quan trọng là quyết định của Fed về chính sách lãi suất của Mỹ sau cuộc họp vào hai ngày 13-14/12. Vào 3 phiên đầu tuần trước phiên họp, giá vàng liên tục tăng, dao động ở khoảng 35,85 – 36,05 triệu đồng/lượng (chiều mua vào) và 36,27 – 35,55 triệu đồng/lượng (chiều bán ra). Tuy nhiên, vào sáng 15/12 (theo giờ Việt Nam), ngay sau khi đón nhận thông tin Fed quyết định nâng lãi suất, thị trường vàng đã đảo chiều đi xuống. Mở cửa phiên giao dịch ngày 16/12, giá vàng SJC được công ty VBĐQ SJC niêm yết ở mức 35,55 – 36,17 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra) và chênh lệch với giá vàng quốc tế lên tới 5,1 triệu đồng mỗi lượng.

Theo một số chuyên gia dự báo, giá vàng có thể giảm sâu hơn trong thời gian tới.

Thị trường tiền tệ tác động bởi những thông tin tài chính trên thế giới

Tuần qua, thị trường ngoại tệ trong nước cũng không nằm ngoài tác động của những thông tin tài chính trên thị trường thế giới. Tỷ giá trung tâm của NHNN đã có một tuần tăng mạnh, dao động ở khoảng 22.120 – 22.144 đồng/USD. Tại các NHTM lớn, giá ngoại tệ chỉ có một phiên giảm là vào ngày 12/12, các phiên còn lại, tỷ giá giao dịch đồng USD cũng liên tục tăng mạnh. Đặc biệt là phiên cuối tuần (ngày 16/12), tại Ngân hàng Đông Á, giá bán ra đồng bạc xanh ở mức cao nhất trong số các nhà băng, cán mốc 22.800 đồng/USD. Còn tại Vietcombank, giá mua vào – bán ra là 22.700 - 22.770 đồng/USD.

Sau thông tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã chính thức nâng lãi suất cơ bản đồng USD thêm 25 điểm và dự tính sẽ có ba lần tăng tương tự trong năm 2017, Ngân hàng HSBC Việt Nam đã có bản phân tích nhanh, với nhận định đồng Việt Nam không phải là ngoại lệ khi chịu áp lực của việc các đồng tiền trong khu vực mất giá. Ngoài ra, cán cân thương mại đã quay trở lại trạng thái nhập siêu trong hai tháng gần đây với tổng mức nhập siêu khoảng 700 triệu USD cũng tạo áp lực lên tỷ giá USD/VND.

Lãi suất liên ngân hàng tiếp tục xu hướng tăng mạnh trong tuần

Lãi suất liên ngân hàng tuần qua tiếp tục xu hướng tăng mạnh, đạt mức cao nhất trong vòng 7 tháng trở lại đây ở cả ba loại kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm tăng 0,81%, đạt mức 3,85%/năm; kỳ hạn 1 tuần tăng 0,76%, lên mức 3,94%/năm; kỳ hạn 2 tuần tăng 0,7% đạt mức 4,12%/năm. CTCK Bảo Việt (BVSC) cho rằng lãi suất liên ngân hàng từ nay đến Tết Âm lịch sẽ duy trì ở mức tương đối cao, dao động từ 3,5- 4,5%/năm.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phê duyệt phương án tổng thể đơn giá hóa thủ tục hành chính

Tuần qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã phê duyệt phương án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước năm 2017. Cụ thể, bộ bãi bỏ 15, đơn giản hóa 108 thủ tục hành chính trong tổng số 443 thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương nhằm tạo thuận lợi, giảm chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp. Các lĩnh vực đơn giản hóa gồm: Lĩnh vực kiểm tra chất lượng thép sản xuất, nhập khẩu (5 thủ tục hành chính); thương mại quốc tế (3); công nghiệp nặng (2); hóa chất (11); điện lực (2); sản xuất, kinh doanh thuốc lá (6); kinh doanh khí (18); năng lượng (4); an toàn thực phẩm (12)…

Loại khỏi quy hoạch 12 dự án thép

Bộ Công thương cho biết vừa loại khỏi quy hoạch 12 dự án thép, với tổng công suất lên đến 6,52 triệu tấn phôi vuông và 1,35 triệu tấn gang, sắt xốp. Đưa ra lý do loại bỏ các dự án trên khỏi quy hoạch, Bộ Công thương cho biết, có khá nhiều nguyên nhân. Trong đó, do địa phương đề nghị bỏ, chưa có chủ đầu tư, năng lực chủ đầu tư kém, không thuộc phạm vi quy hoạch, quy mô nhỏ, nguồn nguyên liệu không đảm bảo, hoặc chủ đầu tư đề nghị không thực hiện. Cụ thể, trong số 12 dự án thép bị loại bỏ khỏi quy hoạch, quy mô lớn nhất thuộc về dự án mở rộng dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 3, do Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên làm chủ đầu tư, quy mô 1 triệu tấn gang, sắt xốp/năm và 1 triệu tấn phôi vuông/năm. Đây là dự án lớn nhưng năng lực chủ đầu tư kém, nên bị loại bỏ khỏi quy hoạch.

Dự báo năm 2016 kim ngạch xuất khẩu hàng Dệt may đạt 28,5 tỷ

Bộ Công Thương cho biết, Hiệp hội Dệt may Việt Nam vừa đưa ra dự báo kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sẽ đạt khoảng 28,5 tỷ USD trong năm 2016, thấp hơn dự kiến khoảng 1,5 tỷ USD. So với kế hoạch đề ra, ngành dệt may đạt khoảng 92% kế hoạch.

Thông tin về điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm nhôm ép

Theo Uỷ ban Chống bán phá giá (Bộ Công nghiệp, Đổi mới và Khoa học) Úc gia hạn thời hạn ban hành Bản Công bố về các dữ kiện trọng yếu và Báo cáo cuối cùng trong vụ việc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm nhôm ép (aluminium extrusion) nhập khẩu từ Malaysia và Việt Nam. Cụ thể, bản công bố về các dữ kiện trọng yếu sẽ được ban hành không muộn hơn ngày 2-2-2017 và báo cáo cuối cùng của cơ quan điều tra sẽ được ban hành vào hoặc trước ngày 20-3-2017, trừ trường hợp chấm dứt điều tra.

Xuất cấp lương thực, hóa chất cho 2 tỉnh

Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ  đạo Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp lương thực, hóa chất cho 2 tỉnh Phú Yên, Đắk Lắk.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính xuất cấp (không thu tiền) 1.008 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Phú Yên để hỗ trợ cứu đói cho nhân dân bị ảnh hưởng mưa lũ năm 2016.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp (không thu tiền) 15.000 lít hóa chất sát trùng Benkocid từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ cho tỉnh Đắk Lắk để phòng chống dịch bệnh lở mồm long móng.

Lập đường dây nóng tố giác đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu

UBND các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang sẽ phải chỉ đạo thành lập các đường dây nóng tiếp nhận thông tin tố giác hành vi vi phạm tạp chất trong tôm tại các sở, ngành có liên quan và UBND các cấp.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất. Mục tiêu đến hết năm 2017, 100% cơ sở nuôi tôm tại địa bàn 4 tỉnh trọng điểm: Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang ký cam kết không đưa tạp chất vào tôm trước khi tiêu thụ; 100% cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến tại địa bàn 4 tỉnh trọng điểm này ký cam kết không đưa tạp chất vào tôm; không mua tôm tạp chất. Đến hết năm 2018, cơ bản chấm dứt tình trạng đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu tại các tỉnh trọng điểm và trên phạm vi cả nước.

Nguồn: VITIC tổng hợp

 

Nguồn:Vinanet