menu search
Đóng menu
Đóng

Kinh tế thế giới tuần qua

14:57 12/07/2019

Vinanet - Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc:  ASEAN biến thách thức thành cơ hội; Nhật Bản – Hàn Quốc thương mạ căng thẳng đe dọa thị trường công nghệ toàn cầu; EU hạ dự báo tăng trưởng Eurozone... là những thông tin nổi bật kinh tế thế giới tuần qua.
Căng thẳng thương mại Nhật-Hàn đe dọa thị trường công nghệ toàn cầu
Căng thẳng ngoại giao với Nhật Bản đang đe dọa sản lượng linh kiện dùng trong sản xuất điện thoại thông minh (smartphone) và màn hình máy tính của Hàn Quốc. Theo giới phân tích, điều này có thể tác động đến thị trường công nghệ toàn cầu và làm tăng giá bán sản phẩm đối với người tiêu dùng.
Nhật Bản được cho là sản xuất 90% fluorinated polyimide (nhựa nhiệt dẻo) của thế giới, đồng nghĩa với việc các công ty Hàn Quốc sẽ rất khó có thể tìm được nhà cung cấp thay thế.
Chất thải nhựa: Vấn đề nan giải trong khu vực ASEAN
Quyết định của Trung Quốc cấm nhập khẩu các loại chất thải nhựa từ các quốc gia phát triển đã khiến các quốc gia Đông Nam Á trở thành nơi tập kết loại chất thải này. Theo số liệu thống kê, chất thải nhựa nhập khẩu vào Malaysia đã tăng lên khoảng 110.000 tấn mỗi tháng sau lệnh cấm nhập của Trung Quốc, và tình trạng tương tự cũng diễn ra ở Thái Lan, Việt Nam và Philippines.
Nghị viện châu Âu sẽ bỏ phiếu bổ nhiệm Chủ tịch EC vào ngày 16/7
Người phát ngôn Nghị viện châu Âu ngày 11/7 cho biết cơ quan này sẽ bỏ phiếu về việc bổ nhiệm bà Ursula von der Leyen vào chức vụ Chủ tịch Ủy ban châu Âu vào ngày 16/7 tới theo đúng kế hoạch đưa ra.
Các quan ngại về cơ hội của bà von der Leyen nhận được đủ sự ủng hộ của Nghị viên châu Âu đang dẫn đến tin đồn cho rằng cuộc bỏ phiếu có thể bị trì hoãn.
Sắp họp cấp chuyên viên về tranh cãi xuất khẩu giữa Nhật - Hàn
Cuộc họp ở cấp chuyên viên về tranh cãi xuất nhập khẩu Nhật - Hàn sẽ được tổ chức vào ngày 12/7 tại Tokyo.
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, một quan chức Bộ Công nghiệp, thương mại và tài nguyên Hàn Quốc cho biết một cuộc họp với Nhật Bản ở cấp chuyên viên sẽ được tổ chức vào ngày 12/7 tại Tokyo nhằm thảo luận các vấn đề liên quan việc Nhật Bản siết chặt quy chế xuất khẩu 3 mặt hàng vật liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc.
Dân Mỹ thua thiệt vì đánh thuế hàng hóa Trung Quốc
Người dân Mỹ đang phải gánh chịu tác động từ thuế bổ sung của Washington lên hàng hóa nước ngoài chứ không phải người dân Trung Quốc, và thuế quan đang làm cạn ngân khố của Mỹ.
Các chuyên gia thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ (CFR) cho hay người dân Mỹ đang phải gánh chịu tác động từ thuế bổ sung của Washington lên hàng hóa nước ngoài chứ không phải người dân Trung Quốc, và thuế quan đang làm cạn ngân khố của Mỹ.
Trung Quốc tin tưởng có thể giải quyết vấn đề thương mại với Mỹ
Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 11/7 cho biết Trung Quốc và Mỹ có thể tìm ra cách giải quyết tranh chấp thương mại giữa hai bên nếu các lo ngại chính đáng được cân nhắc giải quyết. Tại một cuộc họp báo, phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, Trung Quốc hy vọng Mỹ sẽ dỡ bỏ các trừng phạt chống tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc trong thời gian sớm nhất và mở đường cho quan hệ song phương lành mạnh.
Canada giữ nguyên lãi suất chủ chốt 1,75%
Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, trong thông báo ngày 10/7, Ngân hàng trung ương Canada quyết định giữ nguyên lãi suất chủ chốt ở mức 1,75%, sau khi đã “cân đo” những dấu hiệu khả quan của nền kinh tế quốc gia và xu hướng đi xuống của kinh tế toàn cầu trong bối cảnh xung đột thương mại leo thang.
Căng thẳng thương mại toàn cầu, EU hạ dự báo tăng trưởng Eurozone
Do căng thẳng thương mại toàn cầu và bất ổn chính trị, đặc biệt là nguy cơ Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, Ủy ban châu Âu (EC) ngày 10/7 đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Theo đó, EU dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Eurozone tăng 1,4% trong năm 2020, giảm nhẹ so với dự báo đưa ra hồi tháng 5 vừa qua là 1,5% và giữa nguyên mức tăng trưởng của năm 2019 là 1,2%.
Mỹ trông đợi Trung Quốc sẽ xúc tiến mua nông sản
Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow ngày 9/7 tuyên bố Mỹ trông đợi Trung Quốc xúc tiến mua nông sản của Mỹ ngay khi đàm phán thương mại giữa hai nước được nối lại, với các quan chức hàng đầu dự kiến điện đàm trong tuần này.
Mỹ - Trung xúc tiến nối lại đàm phán
Theo phóng viên TTXVN thường trú tại Washington D.C., trong một thông báo, nguồn tin cho biết Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Robert Lighthizer đã có cuộc nói chuyện với Phó Thủ tướng Lưu Hạc và Bộ trưởng Thương mại Trương Quân nhằm nối lại các cuộc đàm phán và giải quyết các bất đồng thương mại lớn giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng thời khẳng định hai bên sẽ tiếp tục đàm phán khi thích hợp.
Cuộc điện đàm trên là liên hệ chính thức đầu tiên giữa hai bên kể từ cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch nước Tập Cận Bình diễn ra bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vào cuối tháng 6 vừa qua.
Mỹ miễn áp thuế 25% với một số sản phẩm y tế và điện tử Trung Quốc
Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cho biết sẽ miễn áp mức thuế quan cao đối với 110 sản phẩm Trung Quốc nhằm hỗ trợ cho một số công ty của Mỹ bị ảnh hưởng bởi các mức thuế quan của Mỹ .
Danh sách các sản phẩm được miễn thuế lần này bao gồm một số thiết bị y tế và các sản phẩm tụ điện chính mà các công ty của Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc.
Việc miễn trừ có hiệu lực kể từ ngày trên và kéo dài thêm một năm tính từ ngày 9/7.
Nhật Bản chưa định dừng kiểm soát xuất khẩu nguyên liệu quan trọng
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga khẳng định nước này chưa có ý định dừng kiểm soát hoạt động xuất khẩu đối với một số nguyên liệu quan trọng sang Hàn Quốc.
Phát biểu với các phóng viên ở Tokyo, ông Suga nói biện pháp trên không phải là điều cần thảo luận với phía Hàn Quốc, và Nhật Bản không có kế hoạch rút lại.
Morgan Stanley hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc xuống 1,8%
Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley ngày 9/7 hạ dự báo về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc trong năm 2019 từ mức 2,2% trước đó xuống còn 1,8%.
Việc hạ dự báo Morgan Stanley với dự báo tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc được đưa ra với lý do mâu thuẫn thương mại Hàn-Nhật có thể ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế Hàn Quốc. Morgan Stanley dự báo kinh tế Hàn Quốc sẽ tăng trưởng 1,7% trong năm 2020.
Kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Đức đều tăng gần 5%
Theo số liệu được công bố, lượng hàng hóa xuất và nhập khẩu của Đức trong tháng 5/2019 đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu tăng 4,5%, nhập khẩu tăng 4,9%. So với tháng trước đó, tổng lượng hàng hóa xuất khẩu của nước này tăng 1,1%, đạt 113,9 tỉ Euro, trong khi lượng hàng hóa nhập khẩu giảm 0,5%, đạt 93,4 tỉ Euro.
Đức kêu gọi Mỹ và EU thúc đẩy đàm phán thương mại
Một quan chức ngoại giao cấp cao của Đức cho rằng Mỹ và EU nên thúc đẩy các cuộc đàm phán chính thức về một thỏa thuận thương mại, thay vì để cho các bất đồng về nông nghiệp ngăn cản.
Chính phủ Mỹ đối mặt với nguy cơ vỡ nợ vào đầu tháng 9 tới
Chính phủ liên bang Mỹ đang đứng trước nguy cơ cạn tiền và không đủ khả năng thanh toán các khoản nợ đúng hạn trong nửa đầu tháng 9 tới nếu Quốc hội không nhanh chóng phê duyệt tăng trần nợ công.
Tokyo không xem xét dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu hàng công nghệ cao
Nhật Bản "không chút mảy may" về việc dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu hàng công nghệ cao của Tokyo sang Seoul, đồng thời khẳng định rằng những điều chỉnh của nước này không vi phạm các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Phát biểu với báo giới ngày 9/7 sau cuộc họp nội các, Bộ trưởng Công nghiệp Nhật Bản Hiroshige Seko nhấn mạnh việc Nhật Bản có thực hiện các hạn chế bổ sung hay không phụ thuộc vào sự hồi đáp của Hàn Quốc trong vấn đề này.
Mỹ áp mức thuế mới đối với thép nhập khẩu từ Mexico và Trung Quốc
Ngày 8/7, Mỹ thông báo áp mức thuế mới đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu từ Mexico và Trung Quốc, cho rằng hai nước trên đã trợ cấp không công bằng đối với các nhà sản xuất của mình.
Trong một tuyên bố, Bộ Thương mại Mỹ cho biết đã phát hiện các sản phẩm thép sử dụng trong xây dựng nhập khẩu được hưởng lợi từ các khoản trợ cấp ở Trung Quốc, Mexico và Canada. Tuy nhiên, do trợ cấp ở Canada không đáng kể nên Washington không áp đặt thuế đối với các sản phẩm thép nhập khẩu từ nước này.
Top 5 nền kinh tế hàng đầu thế giới năm 2018
Theo số liệu của Ngân hàng thế giới (WB) ngày 7/7, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) danh nghĩa năm 2018 của Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới - đạt 20.494,1 tỷ USD.
Các vị trí tiếp theo lần lượt là Trung Quốc (13.608,2 tỷ USD), Nhật Bản (4.970,9 tỷ USD), Đức (3.996,8 tỷ USD) và Anh (2.825,2 tỷ USD).
Trung Quốc cam kết mở cửa nền kinh tế
Phát biểu tại Diễn đàn Hòa bình Thế giới ở Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 8/7, Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn nêu rõ Trung Quốc cam kết mở cửa nền kinh tế, đồng thời khuyến cáo về chủ nghĩa bảo hộ thương mại dưới danh nghĩa an ninh quốc gia.
Theo kế hoạch, các đại diện hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc có kế hoạch nối lại các cuộc đàm phán để giải quyết căn thẳng thương mại song phương trong tuần này. Đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã đình trệ trong tháng 5/2019 sau khi các quan chức Mỹ cho rằng Trung Quốc đã không thực hiện đầy đủ các cam kết trước đó.
Hàn Quốc kêu gọi Nhật Bản dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu vật liệu bán dẫn
Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki ngày 8/7 hối thúc Nhật Bản rút lại những hạn chế đối với xuất khẩu các vật liệu bán dẫn chủ chốt.
Theo Bộ trưởng Hong, các hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản đi ngược lại các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và có thể tác động tiêu cực tới nền kinh tế toàn cầu.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: ASEAN cần biến thách thức thành cơ hội
Nhóm các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam và Thái Lan (CLMVT) đang được hối thúc nhanh chóng phát triển chuỗi giá trị mới nhằm biến thách thức từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung thành cơ hội.
Tờ Bangkok Post dẫn nhận định của ông Kishore Mahbubani – Cố vấn cao cấp và là Giáo sư chính sách công thuộc Đại học Quốc gia Singapore - nói rằng quan hệ Mỹ-Trung trong quá khứ đã giúp củng cố ASEAN, nhưng giờ đây mối quan hệ này lại đang “xé toang” ASEAN và buộc khối phải đưa ra một quyết định đầy đau đớn ở giữa cuộc xung đột.
Nguồn: VITIC Tổng hợp

Nguồn:Vinanet