menu search
Đóng menu
Đóng

Kinh tế thế giới tuần qua

21:24 27/09/2019

Vinanet -Kinh tế Trung Quốc tiếp tục giảm tốc trong năm tới. Tăng thuế tiêu dùng: Cơ hội để thúc đẩy xã hội không dùng tiền mặt ở Nhật Bản. Tổng thống D.Trump lạc quan về việc đạt được thỏa thuận với Trung Quốc…. là những thông tin kinh tế thế giới đáng chú ý tuần qua.
 
Tăng thuế tiêu dùng: Cơ hội để thúc đẩy xã hội không dùng tiền mặt ở Nhật Bản
Việc Chính phủ Nhật Bản tăng thuế tiêu dùng vào đầu tháng 10/2019 vừa để tăng thu ngân sách và đây được coi là cơ hội tốt để xây dựng một xã hội không dùng tiền mặt ở nước này.
Theo tờ Nikkei Asia Review, tại thời điểm này, tiền mặt là vua. Theo Cục Đúc tiền Nhật Bản, việc làm giả đồng tiền của nước này là cực kỳ hiếm, trong khi các hộ gia đình ở Nhật Bản thường có hơn 50% tài sản của mình bằng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng.
Tổng thống D.Trump lạc quan về việc đạt được thỏa thuận với Trung Quốc
Ngày 25/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng một thỏa thuận nhằm chấm dứt căng thẳng thương mại kéo dài gần 15 tháng với Trung Quốc có thể đạt được sớm hơn so với dự tính của mọi người.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở New York, Mỹ, Tổng thống Trump khẳng định Trung Quốc rất muốn và nên tiến tới một thỏa thuận thương mại với Mỹ và hai bên có thể đạt được văn kiện này sớm hơn suy nghĩ của nhiều người.
Fed chi nhánh New York tăng cường bơm tiền vào hệ thống tài chính
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh New York thông báo sẽ tăng cường bơm tiền vào hệ thống tài chính trong ngày 26/9 (theo giờ Mỹ) nhằm kiểm soát lãi suất ngắn hạn.
Sáng 25/9, các ngân hàng đã yêu cầu Fed bơm khoảng 92 tỷ USD, vượt xa mức 75 tỷ USD được cung cấp, một dấu hiệu cho thấy vấn đề thiếu hụt nguồn tiền mặt vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Kinh tế Trung Quốc tiếp tục giảm tốc trong năm tới
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày 25/9 cảnh báo kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm tốc trong năm tới, do xuất khẩu giảm sút và căng thẳng thương mại với Mỹ. ADB dự báo nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tăng trưởng 6,2% trong năm 2019 và 6% năm 2020, thấp hơn so với các mức dự báo được đưa ra hồi tháng 4.
Hàn Quốc và Nga lập quỹ đầu tư chung, đẩy mạnh tiến độ đàm phán FTA
Bộ Tài chính Hàn Quốc cho biết ngày 24/9 nước này và Nga đã nhất trí thành lập một quỹ dành cho các lĩnh vực phụ tùng và vật liệu công nghiệp, cũng như đẩy nhanh tiến độ đàm phán thương mại tự do. Cụ thể, trong cuộc họp thường niên về hợp tác kinh tế giữa Hàn Quốc và Nga tổ chức ở Moskva, Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki đã đề xuất thành lập một quỹ chung 1 tỉ USD để tăng cường chuỗi cung ứng phụ tùng và vật liệu công nghiệp bằng cách đầu tư vào các công nghệ cốt lõi. Đợt huy động đầu tiên sẽ lên tới 400 triệu USD và dần được mở rộng để đầu tư vào các lĩnh vực khác, như chăm sóc sức khỏe.
Tổng thống Mỹ chỉ trích các biện pháp thương mại của Trung Quốc
Ngày 24/9, trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ), diễn ra ở New York (Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng chỉ trích các biện pháp thương mại của Trung Quốc, song bày tỏ hy vọng rằng hai bên có thể đạt được một thỏa thuận nhằm chấm dứt bất đồng thương mại.
Các nhà bán lẻ và cửa hàng tiện lợi Thái Lan cam kết ngừng cung cấp túi nhựa
Ngày 24/9, Bộ trưởng Tài nguyên thiên nhiên và Môi trường Thái Lan Varawut Silpa-archa cho biết các nhà bán lẻ và cửa hàng tiện lợi ở nước này đã cam kết ngừng cung cấp túi nhựa cho khách hàng, bắt đầu từ đầu năm tới trong nỗ lực làm giảm rác thải nhựa.
Theo đó, 43 cửa hàng bách hóa và cửa hàng tiện lợi trên toàn quốc đã tham gia chương trình này đồng thời kêu gọi người dân sử dụng các loại túi khác thay thế khi đi mua sắm như túi vải...
Trong số các công ty tham gia chương trình có CPALL Pcl, nhà điều hành hơn 10.000 cửa hàng tiện lợi 7-Eleven ở Thái Lan và Central Group, nhà bán lẻ lớn nhất nước này.
Tiến trình quốc tế hóa đồng CNY đối mặt tương lai bất định
Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), tỷ lệ sử dụng đồng Nhân dân tệ (CNY) trong giao dịch ngoại hối toàn cầu vẫn không thay đổi so với 3 năm trước.
Trong khi đó, tiến trình quốc tế hóa đồng CNY tới nay còn phải đối mặt với nhiều nhân tố cản trở, bao gồm cả nhân tố tự thân lẫn nhân tố bên ngoài.
Nhật Bản và Indonesia ký thỏa thuận xây dựng tuyến đường sắt Jakarta-Surabaya
Sau hai năm đàm phán, ngày 24/9, Indonesia và Nhật Bản đã ký một thỏa thuận xây dựng tuyến đường sắt tốc độ trung bình nối thủ đô Jakarta của Indonesia và Surabaya, thành phố lớn thứ hai nước này.
Theo thỏa thuận, tuyến đường sắt sẽ được thực thi theo hai giai đoạn. Giai đoạn đầu là nối Jakarta với thủ phủ Semarang của tỉnh Trung Java với chiều dài 436 km và giai đoạn hai là nối Semarang với Surabaya, thủ phủ của tỉnh Đông Java với chiều dài 284 km.
Trung Quốc cắt giảm lượng thuế và phí “chưa từng có”
Ngày 24/9, Bộ Tài chính Trung Quốc thông báo nước này cắt giảm lượng thuế và phí “chưa từng có” cho doanh nghiệp trong giai đoạn từ tháng 1-7/2019 với tổng giá trị đạt 1.350 tỷ CNY tương đương khoảng 189 tỷ USD.
Cụ thể, số tiền thuế được cắt giảm đạt 1.170 tỷ CNY. Trong đó, khu vực tư nhân chiếm đến 63% tổng số tiền thuế được cắt giảm. Nếu tính theo ngành công nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất được cắt giảm thuế nhiều nhất khi chiếm đến 31% tổng số tiền thuế được cắt giảm, tương đương 364,8 tỷ CNY.
Fed sẽ tìm hiểu nguyên nhân thiếu hụt tiền mặt tại Mỹ
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh New York John Williams đã bảo vệ quyết định của Fed trong việc ứng phó với tình trạng thiếu hụt tiền mặt, vốn làm chao đảo các thị trường tài chính Mỹ trong tuần trước, đồng thời cho hay Fed sẽ tìm hiểu nguyên nhân của vấn đề này.
Ông Williams cho rằng khi tình trạng thiếu hụt tiền mặt trở nên nghiêm trọng hơn, Fed đã hành động nhanh chóng và đem lại tác động như mong muốn là giảm căng thẳng trên thị trường.
Đàm phán Mỹ-Trung sẽ được nối lại trong 2 tuần tới
Ngày 23/9, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin thông báo ông và Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer sẽ gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc để đàm phán thương mại trong hai tuần tới.
Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang từ tháng 7/2018, hai nước liên tiếp bổ sung các mức thuế áp với hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ USD của nhau. Mới nhất là việc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế 15% đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc tổng trị giá 125 tỷ USD, gồm loa thông minh, tai nghe bluetooth và nhiều loại giày dép.
Về phần mình, Bắc Kinh áp các mức thuế bổ sung 5% và 10% đối với 1.717 mặt hàng của Mỹ. Trung Quốc cũng áp thuế 5% đối với dầu thô của Mỹ.
Tuy nhiên, sau thông báo ngày 11/9 của Tổng thống Donald Trump hoãn thực hiện kế hoạch tăng thuế đối với hàng Trung Quốc nhập khẩu trị giá 250 tỷ USD cho đến ngày 15/10, lùi hai tuần so với dự kiến, ngày 12/9, Trung Quốc cũng thông báo đang tiến hành tham vấn về khả năng mua nông sản của Mỹ, gồm các loại thịt lợn và đậu nành.
IHS Markit: Kinh tế Eurozone có nguy cơ chững lại
Theo IHS Markit, kinh tế Eurozone đang đứng trước nguy cơ chững lại khi nhiều chỉ số quan trọng đo lường "sức khoẻ" đang rơi xuống mức thấp nhất trong vòng nhiều năm qua
Vấn đề Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, và những lo ngại về xung đột thương mại đã khiến tăng trưởng kinh doanh của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 9/2019 rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 6 năm qua.
Lý do khiến Indonesia thiếu sức hút FDI trong lĩnh vực sản xuất
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) không đến Indonesia - Đó là thôn điệp mà Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra trong nhận định gần đây nhất về nền kinh tế Đông Nam Á này. Bằng chứng được trích dẫn là có đến 33 nhà đầu tư đã rời khỏi Trung Quốc kể từ tháng 6 đến nay, do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, nhưng không có một nhà đầu tư nào lựa chọn Indonesia làm nơi thay thế.
Điều này đã thu hút sự chú ý của Tổng thống Jokowi, bởi lâu nay các chính sách kinh tế của ông luôn chú trọng vào việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Chính vì vậy, Tổng thống đã yêu cầu tất cả các bộ, ngành liên quan đến FDI phải tạo điều kiện để giải quyết vấn đề này một cách nhanh chóng.
Ngành công nghiệp ô tô châu Âu ra sao nếu Brexit “không thỏa thuận”?
Theo Giám đốc điều hành SMMT, Brexit “không thỏa thuận” sẽ có ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng và tức thì đối với ngành công nghiệp ô tô, làm suy giảm sức cạnh tranh và gây ra những thiệt hại lớn.
Các hiệp hội những nhà sản xuất ô tô và xe máy ở châu Âu ngày 23/9 đã cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng của việc Vương quốc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), còn là Brexit, mà không đạt được thỏa thuận về quan hệ thương mại song phương hậu Brexit.
Indonesia ưu tiên nhập khẩu thịt, gạo và đường thô từ Ấn Độ
Indonesia cho biết sẽ ưu tiên nhập khẩu thịt trâu, gạo và đường thô từ Ấn Độ sau khi nước này đồng ý cắt giảm thuế nhập khẩu dầu cọ thô (CPO) từ Malaysia và Indonesia vào đầu tháng 9 vừa qua.
Trước đây, Ấn Độ áp mức thuế suất nhập khẩu lên tới 50% đối với các sản phẩm dầu cọ từ Indonesia, trong khi Malaysia được hưởng mức thuế 45% nhờ Hiệp định Hợp tác Kinh tế Toàn diện (CECA) giữa hai nước. Ấn Độ là thị trường dầu cọ lớn nhất của Indonesia với thị phần xuất khẩu khoảng 20%, tương đương 6,71 triệu tấn vào năm 2018. Tiếp đó là Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc và Pakistan với mức nhập khẩu lần lượt là 4,78 triệu, 4,41 triệu và 2,48 triệu tấn.
Nguồn: VITIC