menu search
Đóng menu
Đóng

Kinh tế và chính sách nổi bật tuần đến 4/5

21:53 07/05/2018

Vinanet -Giá vàng tuần qua nhu cầu bán ra chiếm chủ đạo. Tỷ giá trung tâm tăng/giảm xen kẽ. Việt Nam giành được hợp đồng xuất khẩu 130.000 tấn gạo cho Philippines…
Giá vàng tuần qua nhu cầu bán ra chiếm chủ đạo
Thị trường vàng hoạt động trở lại sau chuỗi ngày nghỉ dài với xu hướng giảm giá vẫn đè nặng. Giá dao động trong khoảng 36,53 – 36,77 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Tâm lý của các nhà đầu tư vì vậy cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Trong 3 phiên của tuần, nhu cầu bán ra chiếm chủ đạo trong khi nhu cầu mua vào chưa được một số nhà đầu tư đánh giá là lựa chọn phù hợp ở thời điểm này. Theo ghi nhận của Doji, đến cuối phiên 4/5, số lượng khách tham gia theo chiều bán chiếm ưu thế khoảng 65% trên tổng lượng khách tham gia giao dịch.
Tỷ giá trung tâm tăng/giảm xen kẽ
Trong 3 ngày giao dịch của tuần sau kỳ nghỉ, tỷ giá trung tâm của NHNN đã có động thái tăng giảm xen kẽ, dao động ở khoảng 22.548 – 22.557 đồng/USD. Tại các NHTM lớn, giá giao dịch USD biến động nhẹ. Cụ thể, đầu giờ sáng 4/5, một số ngân hàng thương mại tăng tỷ giá ngoại tệ đồng đô la Mỹ thêm 5 đồng so với cuối phiên liền trước, phổ biến ở mức 22.735 đồng (mua) và 22.805 đồng (bán). Riêng ACB: 22.730 đồng (mua) và 22.800 đồng (bán). Techcombank: 22.710 đồng (mua) và 22.810 đồng (bán).
Việt Nam giành được hợp đồng xuất khẩu 130.000 tấn gạo cho Philippines
Trong phiên mở thầu lại theo hình thức liên chính phủ (G2G) diễn ra ngày 4-5, Việt Nam đã giành được hợp đồng xuất khẩu 130.000 tấn gạo cho Philippines, sau khi chấp nhận hạ giá so với mức giá đưa ra trong lần mở thầu trước đó diễn ra hôm 27-4. Được biết, Việt Nam trúng thầu xuất khẩu gạo loại 15% tấm ở mức 526,5 đô la Mỹ/tấn và gạo 25% tấm ở mức giá 517,5 đô la Mỹ/tấn. Như vậy, so với mức giá bỏ thầu lại trong phiên mở thầu hôm 27-4-2018, cả hai chủng loại gạo 15% tấm và 25% tấm đều giảm 3,5 đô la Mỹ/tấn.
Lượng đường tồn kho tiếp tục tăng
Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam, bên cạnh lượng tồn kho lớn của niên vụ 2016/2017, thì bước vào niên vụ mới, tính đến ngày 15/4/2018, lượng đường tồn kho đã lên tới 680.273 tấn. Con số này đang tiếp tục tăng lên khiến nhiều nhà máy rơi vào tình cảnh lao đao, việc trả tiền mía cho nông dân bị chậm lại. Đến thời điểm này, giá đường bán tại các nhà máy đã bán gần ngang giá đường nhập lậu, một số nhà máy đã bán thấp hơn giá thành sản xuất để giảm bớt lượng đường tồn kho (11.400-12.000 đồng/kg).
Doanh nghiệp ưu tiên được miễn kiểm tra sau thoogn quan tại trụ sở cơ quan Hải quan
Từ ngày 5/6, DN ưu tiên được miễn kiểm tra sau thông quan tại trụ sở cơ quan Hải quan, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 78 Luật Hải quan. Đây là nội dung mới được bổ sung tại Nghị định 59/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 08/2015/NĐ-CP. Quy định trên nhằm đảm bảo chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp ưu tiên, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa ký quyết định số 1408 phê duyệt phương án tổng thể đơn giản hóa một loạt các thủ tục hành chính và điều kiện đầu tư kinh doanh của Bộ Công Thương năm 2018 trên 10 lĩnh vực, trong đó có năng lượng, điện, quản lý cạnh tranh, tiêu chuẩn đo lường, xúc tiến thương mại, an toàn thực phẩm và xuất nhập khẩu...Như vậy, đây là lần cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh đầu tiên trong năm 2018 và được xem là “cuộc cách mạng lần thứ 3” trong lịch sử ngành Công Thương.
Thay vì phải công bố và dán nhãn hợp quy CR lên các sản phẩm quần áo bán ra thị trường từ 1-5, các doanh nghiệp may mặc được dời thời gian thực hiện đến 1-1-2019. Thông báo đăng tải trên trang web của Bộ Công Thương ngày 2-5 cho biết, Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa ký ban hành thông tư 07/2018/TT-BCT sửa đổi ngày hiệu lực của Thông tư 21/2017/TT-BCT, văn bản quy định về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mức giới hạn hàm lượng formaldehyt và các admin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may.
Bộ Công thương cho biết, ngày 25/4/2018, Cơ quan biên phòng Canada (CBSA) đã ban hành kết luận cuối cùng vụ việc điều tra bán phá giá và trợ cấp đối với sản phẩm khớp nối ống bằng đồng (viết tắt là CPF) có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam. Theo đó, CBSA xác định sản phẩm khớp nối đồng được trợ cấp và bán phá giá vào Canada. Mức biên độ trợ cấp, biên độ bán phá giá CBSA xác định đối với các công ty xuất khẩu của Việt Nam là 30,6% và 159%.

Nguồn: VITIC tổng hợp

Nguồn:Vinanet