menu search
Đóng menu
Đóng

Lạm phát tháng 9 của Mỹ neo cao do giá thực phẩm và giá thuê nhà

08:42 14/10/2021

Lạm phát của Mỹ duy trì ở mức cao.

Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tháng 9 tăng 0,4%, trong đó thực phẩm và giá thuê mướn chiếm hơn một nửa mức tăng. CPI lõi tháng 9 tăng 0,2% so với tháng liền trước và tăng 4% so với cùng tháng năm trước.
 
Giá tiêu dùng ở Mỹ tiếp tục tăng trong tháng 9 cho chi phí thực phẩm, tiền thuê nhà và một loạt chi phí khác đều tăng giá, gây áp lực lên chính quyền của ông Biden trong việc khẩn trương giải quyết những mắc mở ở các chuỗi cung ứng – hiện đang rất căng thẳng và cản trở đà tăng trưởng kinh tế.
Trong bối cảnh giá cả có thể sẽ còn tăng hơn nữa trong những tháng tới do giá năng lượng gần đây tăng mạnh, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Jerome Powell, và Nhà Trắng đã đổ lỗi cho sự tắc nghẽn của chuỗi cung ứng là nguyên nhân dẫn đến lạm phát cao. Từ nhiều tháng nay, ông Powell luôn khẳng định quan điểm lạm phát cao sẽ chỉ là vấn đề nhất thời.
Sự tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng ngày càng tăng lên do nhu cầu mạnh mẽ khi các nền kinh tế hồi phục sau đại dịch COVID-19. Virus corona đã gây ra sự thiếu hụt công nhân trên toàn cầu, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất nguyên liệu thô và vận chuyển hàng hóa từ các nhà máy đến người tiêu dùng.
Seema Shah, chiến lược gia trưởng của Chief Global Investors, cho biết: “Con số lạm phát tháng 9, với lạm phát giá thực phẩm và lạm phát giá thuê mướn tăng cao, cho thấy áp lực ngày càng tăng đối với người tiêu dùng”. "Cũng nên nhớ rằng sự gia tăng gần đây của giá dầu vẫn chưa thể hiện qua các con số này. Giá dầu vẫn đang tăng, trong khi giá xe hơi cũng có khả năng tăng, nguy cơ lạm phát sẽ còn tăng nữa trong những tháng tới."
Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 9 đã tăng 0,4% so với tháng liền trước, sau khi tăng 0,3% trong tháng Tám. Trong đó, giá thực phẩm tăng 0,9% trong tháng 9 sau khi tăng 0,4% trong tháng liền trước. Giá thuê nhà cũng tăng 0,4% trong tháng 9 sau khi tăng 0,3% trong tháng 8.
Thực phẩm và giá thuê nhà đóng góp hơn một nửa mức tăng trong chỉ số CPI trong tháng Chín.
Trong 12 tháng đến hết tháng 9, CPI đã tăng 5,4% sau khi tăng 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái tính tới tháng 8.
Nếu loại trừ các thành phần năng lượng và thực phẩm - có nhiều biến động, chỉ số CPI đã tăng 0,2% trong tháng 9, sau khi tăng 0,1% trong tháng 8, mức tăng nhỏ nhất trong sáu tháng. Ngoài giá thuê nhà, CPI cốt lõi tăng 1,3% do giá xe có động cơ mới tăng 1,3%, đánh dấu tháng thứ năm liên tiếp tăng trên 1%.
Điều đáng lo ngại cho Fed là áp lực tăng giá không tập trung ở vài cầu phần liên quan đến những hoạt động mới mở cửa trở lại, mà mở rộng ở hầu như tất cả các cấu phần khác. Điều đó khiến cho tăng trưởng luông thực tế ở mức âm 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi tính toán cả thu nhập hàng giờ và hàng tuần.
Sự thiếu hụt chất bán dẫn trên toàn cầu đã buộc các nhà sản xuất ô tô phải cắt giảm sản lượng. Giá đồ đạc và đồ dùng gia đình cũng tăng trong tháng 9. Người tiêu dùng cũng phải chi trả nhiều hơn cho bảo hiểm xe cơ giới.
Tuy nhiên, giá vé máy bay và hàng may mặc cũng như ô tô và xe tải đã qua sử dụng đều giảm.
Giá dầu hiện vẫn đang tăng cao, và giá trên khắp thế giới đều tăng. Do đó, có rất ít khả năng lạm phát sẽ giảm trong những tháng tới. Tình trạng thiếu xe có động cơ dự báo cũng sẽ tiếp diễn.
Trong bối cảnh đó, các nhà kinh tế đã phải giảm mức ước tính về tổng sản phẩm quốc nội trong quý 3 xuống 1,3%, từ mức 7% dự báo trước đây.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế hôm thứ Ba (12/10) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng năm 2021 của Mỹ xuống 6,0% từ mức 7,0% dự báo hồi tháng 7.
 

Nguồn:Vinanet / VITIC / Reuters