menu search
Đóng menu
Đóng

Mơ hồ kích cầu du lịch thời khó

07:26 09/07/2015

Vinanet - Tiếp nối chuỗi sự kiện bàn cách giải nguy, những người làm du lịch lại hội thảo sáng 8/7 với hy vọng nhanh chóng thu hút khách thị trường trọng điểm Tây Âu, với hứa hẹn người tiêu dùng được thụ hưởng chương trình kích cầu đi kèm.
Khác biệt ở đâu?

Hôm trước, nhiều nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp du lịch có cả ngày rên xiết rằng cánh cửa miễn thị thực vừa hé mở, nhưng không khéo lại khiến người ta bị chẹt gót chân. Tại hội nghị về triển khai một loạt nghị quyết của Chính phủ về miễn thị thực cho công dân 6 nước và Chỉ thị 14 của Thủ tướng Chính phủ mới ban hành, những người làm du lịch dịch chuyển sang trạng thái nghĩ tới chương trình hành động.

“Miễn thị thực không hoàn toàn như ý và đầy thách thức to lớn. Nhưng không nên nghĩ về thời hạn một năm, hãy quan tâm và chiến đấu như thể thời hạn đó 5 năm”, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam nói. Cái dở về thời hạn và thời gian mà du khách 5 nước Tây Âu (Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italia) được hưởng được đem ra mổ xẻ suốt thời gian qua.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, Nguyễn Văn Tuấn thừa nhận du lịch giảm liên tục, có phục hồi nhưng rất chậm, riêng 6 tháng đầu năm nay giảm 11,3% so với cùng kỳ. Với quyết định miễn thị thực cho 5 nước Tây Âu trọng điểm, các nhà quản lý của Tổng cục hy vọng chặn được đà sụt giảm, ba năm tới khách tăng khoảng 50% so với năm nay (khoảng hơn 700 nghìn lượt khách).

Thách thức đặt ra mà ai cũng phải thừa nhận là du lịch Việt dịch vụ kém, môi trường hạn chế, giá thành cao lại còn thiếu cả sản phẩm du lịch. Tại hội thảo trước đó, ông Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương kể: “Đến Malaysia, có những tour rất bình thường nhưng hái ra tiền”. Còn ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam ví von, du lịch phải “cung cấp cho người ta thứ ở nhà không có, phải khác biệt và đặc sắc”. Các nhà làm du lịch hay nói với nhau, Việt Nam ta cung cấp sản phẩm hình que, đơn điệu từ Bắc chí Nam, không có các sản phẩm đường nhánh nên khách đến một lần không quay lại.

Đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam nói về chương trình kích cầu du lịch đã nhấn mạnh rằng cần phân loại sản phẩm: Bên cạnh sản phẩm đẳng cấp dành cho du khách có khả năng chi tiêu cao, vẫn phải khuyến khích phân khúc khách có mức chi trung bình. Một trong những thị trường đang bỏ ngỏ là tour du lịch cuối tuần cho người nước ngoài đang làm việc tại Đông Nam Á-điều mà Singapore, Malaysia làm rất tốt. Cứ nói mãi đến khác biệt, độc đáo của ta như Sơn Đoòng, Vịnh Hạ Long, cao nguyên đá Đồng Văn... nhưng chưa có thông điệp rõ ràng và đúng tiềm năng về sản phẩm cụ thể.

Loay hoay

Trước khi có chương trình hành động thu hút khách quốc tế, Tổng cục Du lịch, các địa phương nghĩ đến kích cầu du lịch nội địa-một kênh quan trọng trong lúc lao đao. Đối phó với đà suy giảm nghiêm trọng, Hiệp hội Du lịch chủ động đưa chương trình kích cầu du lịch đối với du khách quốc tế, cụ thể là thị trường Tây Âu, Belarus nhân hiệu ứng miễn thị thực.

Giá thành là một trong số yếu tố thu hút khách, đại diện Hiệp hội nói, cho nên các công ty nên có sản phẩm khuyến mại với mức giảm được 20-30%. Địa phương nên khuyến khích du khách thưởng thức một số hoạt động văn hóa nghệ thuật truyền thống miễn phí. Thậm chí với một số chương trình đặc biệt, các công ty lữ hành cam kết đặt tour dài ngày hơn 15 ngày miễn thị thực, công ty sẽ chịu phí làm visa cho khách.

Trên thực tế, nhiều chương trình kích cầu du lịch nhưng không sao hạ được giá thành tour, đại diện Tổng cục Du lịch thừa nhận, do chúng ta thiếu liên kết, mạnh ai nấy làm. Lãnh đạo ngành du lịch kêu gọi doanh nghiệp và địa phương phối hợp chặt chẽ thực hiện chương trình này. Năm 2009, nhờ kích cầu mà chúng ta tăng 25% lượng khách quốc tế.

Một trong những điểm được đề cập tái hồi trong nhiều cuộc họp của ngành du lịch là cách thức, hiệu quả của quảng bá, xúc tiến du lịch. Lãnh đạo một doanh nghiệp du lịch lớn cho rằng, cách chúng ta đi hội chợ để xúc tiến không còn phù hợp, bởi “các nước đến đây chỉ chào nhau, giới thiệu điểm đến quốc gia, không phải bán sản phẩm”. Bất cập lớn là nguồn lực cho xúc tiến, quảng bá du lịch của chúng ta quá khiêm tốn so với các nước du lịch phát triển, trong khi các cách làm truyền thống lâu nay chưa chắc hiệu quả trong tình hình mới.

Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ninh, Trịnh Đăng Thanh cho rằng, người làm du lịch có kế hoạch chủ động là điều đương nhiên “nhưng công tác quảng bá, nguồn lực nên tập trung ở trung ương”. Đại diện Sở VHTTDL tỉnh Nam Định từng chỉ ra thực trạng: nhiều khi địa phương nói quá hay, quá đẹp về mình nhưng thực tế khiến người tham quan thất vọng. Tuy nhiên, một lãnh đạo doanh nghiệp lữ hành cho rằng, không liên kết không thể thực hiện mục tiêu hút khách cho du lịch nước nhà.
Theo Toan Toan
Tiền Phong

Nguồn:Tiền phong