Theo Bloomberg, đại dịch Covid-19 đã đẩy hàng triệu người dân Ấn Độ lâm vào cảnh nghèo đói hoặc phá sản. Thậm chí, nhiều người buộc phải bán những món đồ trang sức bằng vàng vì miếng cơm manh áo.
Paul Fernandes - nhân viên bồi bàn 50 tuổi - đã vay khoản tiền bằng vàng làm tài sản thế chấp để trả tiền học cho con vào năm 2020 sau khi thất nghiệp. Cho đến năm 2021, mọi chuyện vẫn không êm xuôi với Paul Fernandes khi nỗ lực tự kinh doanh của anh thất bại. Paul buộc phải bán món đồ trang sức bằng vàng để trang trải chi phí sinh hoạt.
“Xét cho cùng, khoản vay bằng vàng cũng là món nợ mà tôi phải gánh chịu. Bán món trang sức bằng vàng đồng nghĩa với việc tôi không cần trả khoản lãi đi kèm món nợ đó nữa”, Paul nói.
“Năm 2020, người dân chọn vay tiền để mua kim loại quý tích trữ. Tuy nhiên, làn sóng Covid-19 thứ 2 trong năm 2021 khiến nỗi lo tài chính của người dân trầm trọng hơn, thúc đẩy xu hướng bán ra nhiều vàng hơn”, Bloomberg dẫn lời chuyên gia tư vấn Chirag Sheth tại Metals Focus.
Thay vì đi vay vàng như năm 2020, người dân Ấn Độ đang bán tháo vàng để lấy tiền trang trải sinh hoạt phí. Ảnh: Prashanth.
Chuyên gia Chirag Sheth nhận định: “Làn sóng vàng bán ra có thể khiến tổng nguồn cung kim loại vụn - bao gồm vàng cũ được nấu chảy - vượt quá 215 tấn và vọt lên mức cao nhất trong 9 năm qua”. Đối với một quốc gia nhập khẩu vàng như Ấn Độ, nguồn cung vàng trong nước cao hơn sẽ hạn chế dòng vốn chảy ra nước ngoài.
Trong 3 tháng đầu năm, Manappuram Finance - một trong những nhà cung cấp các khoản cho vay vàng lớn nhất Ấn Độ - đã bán đấu giá số vàng trị giá 4,04 tỷ rupee (54 triệu USD) từ các khoản cho vay trong bối cảnh giá vàng giảm mạnh. 9 tháng trước đó, 80 triệu rupee (1,07 triệu USD) vàng cũng được đưa ra đấu giá.
Đối tượng đi vay vàng của Manappuram thường là những người làm công ăn lương, doanh nhân và nông dân. Họ buộc thanh lý khoản vay vàng vì không có khả năng trả nợ.
Theo James Jose - lãnh đạo công ty tinh chế CGR Metalloys Pvt ở miền nam Ấn Độ, lượng vàng cũ đang nhiều hơn 25% so với mức thông thường. “Đứng trước lệnh phong tỏa nghiêm ngặt, lượng khách trong các cửa hàng vàng vẫn rất đông bởi 2 lý do: một là mua sắm cho mùa cưới, hai là thanh lý vàng để đổi tiền mặt”, Jose khẳng định.
Vài năm qua, xu hướng tích trữ vàng của người Ấn Độ đã giảm sút. Theo Hội đồng Vàng Thế giới, năm 2020 chứng kiến doanh số bán vàng sụt xuống mức thấp nhất trong hơn hai thập kỷ. Tuy nhiên, chuyên gia Sheth cho rằng: "Xu hướng thu mua vàng có thể phục hồi tới 40% trong năm nay khi giá vàng giảm và nhu cầu tổ chức đám cưới tăng".
Nguồn:Linh Đỗ/Zingnews