Giá của mọi loại hàng hoá đang tăng nhanh hơn bình thường và mối đe doạ mà các nhà đầu tư đang lo ngại chính là lạm phát. Theo các chuyên gia, lạm phát đặt ra nhiều thách thức cho các nhà đầu tư.
Đơn giản, khi chi phí sinh hoạt tăng lên, lợi nhuận sẽ không thể tăng cao. Đó là một điều gây khó khăn cho những người đã về hưu, bởi có thể, họ chủ yếu dựa vào lợi nhuận để chi trả phí sinh hoạt, trong khi người trẻ hơn lại có tiền lương (lạm phát cao hơn có thể đưa mức lương tăng lên).
Một rủi ro khác đó là Fed nâng lãi suất để kiểm soát đà tăng của chi phí, xu hướng này cũng có thể khiến thị trường chứng khoán rớt giá.
Trước hết, chúng ta vẫn chưa rõ liệu giá cả tăng là điều bình thường mới hay chỉ là hệ quả tạm thời của sự hồi phục kinh tế sau đại dịch và 1 năm đóng cửa các hoạt động. Ngay cả sau khi giá hàng hoá tiếp tục tăng ở mức ổn định trong tương lai, thì những gì diễn ra trong lịch sử cho thấy thị trường chứng khoán đã vượt qua những khó khăn do lạm phát trong một thời gian dài.
Theo tính toán của Steve Hanke - giáo sư kinh tế ứng dụng tại Đại học Johns Hopkins, lợi nhuận trung bình hàng năm từ thị trường chứng khoán là khoảng 11% từ năm 1900 đến năm 2017. Sau khi trừ đi chi phí lạm phát, lợi nhuận trung bình hàng năm vẫn ở mức 8%. Song, nhà đầu tư nên đưa ra một số chiến lược để bảo toàn số tiền trước những rủi ro lạm phát và thậm chí có thể tận dụng lợi thế từ đó.
Những khoản đầu tư nên tránh trong bối cảnh lạm phát
Bởi Fed có thể nâng lãi suất, các chuyên gia khuyên bạn không nên đưa quá nhiều tiền vào bất kỳ loại trái phiếu hay chứng chỉ tiền gửi dài hạn nào. Việc này có thể khiến bạn bỏ lỡ lãi suất cao sau này.
Doug Bellfy - nhà hoạch định kế hoạch tài chính tại Synergy Financial Planning ở South Glastonbury, cho biết: "Tôi khuyên khách hàng hiện tại nên tập trung vào trái phiếu ngắn hạn đến trung hạn và tránh bất kỳ khoản đầu tư nào mang tên ‘dài hạn’."
Theo Alex Doll - nhà hoạch định tài chính và chủ tịch của Anfield Wealth Management, một lĩnh vực khác nhà đầu tư nên tránh là cổ phiếu tăng trưởng hoặc các công ty có lợi nhuận kỳ vọng cao hơn mức trung bình. Ông cho hay: "Cổ phiếu tăng trưởng thường có diễn biến kém vượt trội bởi họ kỳ vọng sẽ kiếm được tiền nhờ dòng tiền trong tương lai. Khi lạm phát gia tăng, dòng tiền tương lai sẽ giảm giá trị."
Doll lấy Tesla làm ví dụ. Ông nói: "Tesla đã giảm 20% trong năm nay vì một vài vấn đề. Nhưng lạm phát và lãi suất tăng là một yếu tố quan trọng."
Tận dụng lợi thế từ chi phí gia tăng
Khi Doll đang giảm mức độ tiếp xúc trong các khoản đầu tư của khách hàng với cổ phiếu tăng trưởng, nên ông đang tăng phân bổ vào các cổ phiếu giá trị hoặc các công ty giao dịch ở dưới mức trung bình trong S&P 500. Ông lập luận: "Cổ phiếu giá trị có thể có diễn biến khởi sắc hơn trong thời kỳ lạm phát."
Đó là bởi các công ty này thường hoạt động trong các ngành - như tài chính và tiêu dùng, ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát, theo Doll. Ông nói: "Những ngành này có xu hướng có hoạt động tốt hơn bởi họ có khả năng định giá và có thể tăng giá để phù hợp với xu hướng lạm phát.
Theo ông, những doanh nghiệp này cũng thường có nền tảng tốt và nhà đầu tư không phải quá lo lắng về tăng trưởng dự kiến của họ.
Nicholas Scheibner - cố vấn quản lý tài sản tại Baron Financial Group cho biết, một khoản đầu tư phù hợp khác trong bối cảnh hiện tại là trái phiếu chính phủ chống lại phát (TIPS). Những chứng khoán này có rủi ro tương tự như những khoản đầu tư trái phiếu khác, nhưng giá gốc có thể được điều chỉnh nếu lạm phát tăng.
Các khoản đầu tư chống lại lạm phát khác: bất động sản, vàng và tiền số
Doll cho hay: "Bất động sản mang lại lợi nhuận tốt, khi chủ nhà đều thấy giá trị tăng lên. Chủ nhà cũng có thể chuyển áp lực lạm phát cho khách hàng bằng cách tăng giá nhà."
Đầu tư vào tiền số và vàng trong bối cảnh lạm phát là hiệu quả, bởi đây là những loại tài sản không chịu ảnh hưởng khi giá trị tiền tệ bị sụt giảm. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, vàng và tiền số đều có tính biến động cao và không nên phân bổ cao hơn 5% trong danh mục đầu tư.
Nguồn:Lục Lam / Nhịp sống kinh tế (CNBC)