menu search
Đóng menu
Đóng

Quốc hội sẽ bầu Tổng thư ký đầu tiên

14:07 19/10/2015

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc (đứng) trả lời báo chí

"Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ bầu chức danh Tổng thư ký Quốc hội theo Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014. Cùng đó, Quốc hội sẽ bầu Hội đồng Bầu cử quốc gia và quyết định ngày bầu cử toàn quốc".
Ngày 19/10, Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo thông tin về những vấn đề sẽ diễn ra tại kỳ họp Quốc hội thứ 10, dự kiến khai mạc sáng 20.10.

Ông Nguyễn Sĩ Dũng - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành 19 ngày để thông qua 18 dự án luật, 16 Nghị quyết và cho ý kiến về 8 dự án luật. Quốc hội sẽ dành 12 ngày để thảo luận, xem xét kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2015, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán phân bổ ngân sách và phương án phân bổ ngân sách TƯ năm 2016; Đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 -2015 và kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo 2016 -2020... Toàn bộ thời gian Quốc hội làm việc dự kiến 31 ngày.

"Một điểm đáng chú ý khác là tại kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ bầu chức danh Tổng thư ký Quốc hội theo Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014. Cùng đó, Quốc hội sẽ bầu Hội đồng Bầu cử quốc gia và quyết định ngày bầu cử toàn quốc", ông Nguyễn Sĩ Dũng nói.

Về phiên chất vấn và trả lời chất vấn, ông Nguyễn Hạnh Phúc - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, vẫn giữ nguyên thời gian là 2,5 ngày nhưng đổi mới hoàn toàn về cách thức chất vấn. "Hình thức chất vấn sẽ đổi mới, chất vấn tổng toàn bộ các vấn đề từ đầu khóa Quốc hội XIII đến nay chứ không chất vấn riêng từng lĩnh vực như trước", ông Phúc cho hay.

Theo đó, Quốc hội sẽ nghe Chính phủ trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015. Nghe Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao... trình bày báo cáo hoạt động giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015.

"Trên cơ sở các báo cáo, các cam kết của bộ trưởng, tư lệnh ngành, các đại biểu Quốc hội sẽ chất vấn trực tiếp xem công việc nào đã hoàn thành, công việc nào chưa hoàn thành, tại sao lại thế... Quốc hội có thể ra nghị quyết về vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn này để cho Quốc hội khóa sau tiếp tục giám sát. Đây là điểm rất mới, đảm bảo việc giám sát đến cùng của Quốc hội", ông Phúc cho hay.

Trả lời câu hỏi của báo chí về sự có mặt của các thành viên Chính phủ khi Quốc hội chất vấn trong 2,5 ngày, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, kỳ này tất cả các thành viên Chính phủ sẽ phải có mặt tại phiên chất vấn. Bởi vấn đề chất vấn mang tính tổng thể nên Quốc hội có thể chất vấn bất cứ thành viên Chính phủ nào. Thủ tướng Chính phủ cũng sẽ dự và có thể trả lời, bao quát lại tất cả các lĩnh vực chất vấn mà các thành viên Chính phủ trả lời.

Theo Lương Kết
Dân Việt

Nguồn:Dân Việt