menu search
Đóng menu
Đóng

Tăng trưởng kinh tế 2018 dự báo đạt 6,58%

08:52 26/01/2018

Vinanet - Báo cáo kinh tế vĩ mô của Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) vừa được công bố cho rằng, Việt Nam bước vào năm 2018 với ít nhiều hứng khởi, song cũng không ít thách thức. 

Báo cáo kinh tế vĩ mô vừa được Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương công bố tại Hội thảo "Kinh tế Việt Nam 2017, triển vọng 2018: Vững bước cải cách" diễn ra vào sáng 25/1.

Theo CIEM, năm 2017 chứng kiến những nỗ lực mới nhằm triển khai các chủ trương lớn về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Những nỗ lực ấy càng trở nên thực chất hơn, sau khi những giải pháp đa dạng nhưng thiếu chiều sâu, thiếu quyết liệt trước đó chưa giúp cải thiện đáng kể chất lượng tăng trưởng cho đến năm 2016. Dấu ấn trong điều hành và cải cách thể chế kinh tế trong những thành tựu kinh tế xã hội năm 2017, nhờ đó, thực sự rõ nét. Tăng trưởng kinh tế năm 2017 nhờ đó đã đạt được 6,81%, vượt nhiều so với dự báo và vượt mục tiêu đặt ra. 

Bài học từ năm 2017 cũng cho thấy duy trì một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định và kiên định với cải cách thể chế kinh tế có ý nghĩa quan trọng. Nới lỏng tín dụng có thể giúp thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong ngắn hạn, song cũng có thể đẩy nền kinh tế trở lại vòng xoáy của nợ xấu, cản trở tăng năng suất và làm giảm dư địa điều hành nếu có những cú sốc bất lợi sau này. Trong chừng mực ấy, đẩy nhanh và làm sâu sắc hơn cải cách vi mô là lựa chọn duy nhất.

Kết quả dự báo cho thấy, tăng trưởng kinh tế năm 2018 ước đạt 6,58%, tăng trưởng xuất khẩu dự báo ở mức 9,4%, thặng dư thương mại ở mức 1,1 tỷ USD và mức tăng giá tiêu dùng bình quân so với 2017 là khoảng 3,74%.

Cũng theo CIEM, diễn biến kinh tế vĩ mô trong năm 2018 có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố, như quá trình phục hồi tăng trưởng của kinh tế thế giới ít nhiều còn bất định, tự do hóa thương mại đa phương gặp nhiều thách thức, do xu hướng bảo hộ và cách tiếp cận thương mại song phương dần phổ biến hơn, trả đũa thương mại giữa các nền kinh tế lớn có thể diễn biến phức tạp…

Theo đó, ưu tiên chính sách cần tiếp tục tập trung vào cải thiện nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế cho một nền kinh tế thị trường hiện đại.

Cũng theo CIEM, Việt Nam bước vào năm 2018 với ít nhiều hứng khởi. Kết quả kinh tế- xã hội tương đối ấn tượng trong năm 2017 đã giúp củng cố niềm tin vào cải cách thể chế nói chung và môi trường kinh doanh nói riêng.

Nguồn: Baohaiquan.vn