Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong nửa đầu năm 2025 tiếp tục ghi nhận những thành tích ấn tượng, khẳng định vai trò là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế, góp phần quan trọng vào việc ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì đà phục hồi của đất nước. Trong đó, thặng dư thương mại tiếp tục được duy trì ở mức 7,63 tỷ USD đã hỗ trợ ổn định cán cân vãng lai và tỷ giá, giúp kiểm soát lạm phát.
Thành công này được xây dựng trên nền tảng của 28 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 9 mặt hàng vượt mốc 5 tỷ USD, chiếm phần lớn tổng giá trị.
Đặc biệt, ngành điện tử, máy tính và linh kiện đã thiết lập một kỷ lục mới khi mang về doanh thu xuất khẩu gần 48 tỷ USD, tăng tới 40% so với cùng kỳ năm 2024, vượt xa mặt hàng đứng thứ hai là điện thoại các loại và linh kiện (26,9 tỷ USD). Các mặt hàng gia công, lắp ráp khác như dệt may và máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng cũng ghi nhận mức tăng trưởng khá. Vai trò của khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) là vô cùng lớn, với các tập đoàn lớn tăng cường hoạt động và đẩy mạnh xuất khẩu.
Thực tế cho thấy, khoảng 99% kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện do khối FDI thực hiện. Ngoài ra, việc tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (EVFTA, CPTPP, RCEP), cùng với nỗ lực của Chính phủ, các bộ ngành và doanh nghiệp trong việc thúc đẩy mở rộng thị trường, đàm phán kỹ thuật, đẩy mạnh logistics và cải thiện thủ tục xuất khẩu, cũng là những yếu tố then chốt cho đà tăng trưởng này.
Dù đạt được con số ấn tượng, song xuất khẩu Việt Nam vẫn đối mặt với không ít thách thức, ngành điện tử vẫn còn phụ thuộc lớn vào doanh nghiệp FDI, trong khi kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng 6/2025 đã giảm 0,3% so với tháng trước, cho thấy sự cần thiết của những điều chỉnh chiến lược.
Trước những yếu tố này, bà Nguyễn Thu Oanh, Trưởng ban Ban thống kê Dịch vụ và Giá, Cục Thống kê, đã nhấn mạnh rằng hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam cần ưu tiên tái cấu trúc chiến lược theo hướng chủ động, bền vững và thích ứng nhanh, đồng thời đưa ra một số khuyến nghị trọng tâm sau:
Đầu tiên, cần đảm bảo sự minh bạch trong chuỗi cung ứng và kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ. Song song đó, Việt Nam cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại có chọn lọc đối với nguyên liệu đầu vào, linh kiện, thiết bị và công nghệ phục vụ sản xuất. Mục tiêu là để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực sản xuất và gia tăng giá trị sản phẩm để xuất khẩu. Điều này cũng đồng nghĩa với việc hướng tới tăng tỷ lệ nội địa hóa và phát triển công nghiệp hỗ trợ, mạnh mẽ khuyến khích các doanh nghiệp nội địa tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp FDI lớn.
Thứ hai, việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu là cực kỳ cần thiết, không ngừng tìm kiếm các thị trường mới. Cần khai thác hiệu quả, tận dụng lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết để gia tăng xuất khẩu. Cụ thể, cần đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Trung Đông, Nam Á, Đông Âu, và châu Phi. Đồng thời, cần khuyến khích doanh nghiệp phân tán chuỗi cung ứng và mở rộng thương mại điện tử xuyên biên giới.
Thứ ba, cần tăng cường đối thoại và đàm phán song phương với các đối tác lớn như Mỹ, EU, và Trung Quốc để giải quyết các vấn đề liên quan đến chính sách thương mại. Đặc biệt cần tăng cường phòng vệ thương mại và nâng cao năng lực pháp lý cho doanh nghiệp, bao gồm việc hướng dẫn doanh nghiệp làm việc với luật sư quốc tế và chuẩn bị kỹ lưỡng hồ sơ phòng vệ thương mại. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu cảnh báo sớm các thị trường tiềm ẩn rủi ro cũng là một yếu tố quan trọng.
Cuối cùng, việc điều hành tỷ giá và lãi suất ổn định, linh hoạt của hoạt động tài chính-ngân hàng đóng vai trò then chốt trong việc hỗ trợ xuất khẩu.
Những khuyến nghị từ đại diện cơ quan thống kê nhấn mạnh rằng, để duy trì vị thế là động lực tăng trưởng chủ chốt của nền kinh tế, xuất khẩu Việt Nam cần xây dựng chiến lược chủ động, bền vững và có khả năng thích ứng cao trước mọi biến động toàn cầu.
Nguồn:Haiquanonline