Quy định về sản phẩm không gây phá rừng
Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm Đan Mạch, Na Uy, Iceland, và Latvia, một trong những tâm điểm chính sách thương mại – môi trường của Liên minh châu Âu trong thời gian gần đây là Quy định về sản phẩm không gây phá rừng (EUDR), được ban hành từ tháng 6/2023. Mặc dù hướng đến mục tiêu cao cả là cắt đứt liên kết giữa tiêu dùng nội địa EU và nạn phá rừng toàn cầu, luật này đang gây ra làn sóng phản ứng mạnh mẽ từ chính các quốc gia thành viên trong khối.
18 quốc gia thành viên EU – bao gồm các nước có nền nông nghiệp và chế biến gỗ lớn như Áo, Hungary, Ba Lan, Phần Lan, cũng như các quốc gia Bắc Âu như Thụy Điển, Estonia, Latvia – đã đồng loạt gửi thư lên Ủy ban châu Âu, yêu cầu tạm hoãn và đơn giản hóa các điều khoản của EUDR.
Cụ thể, 18 quốc gia thành viên EU – bao gồm các nước có nền nông nghiệp và chế biến gỗ lớn như Áo, Hungary, Ba Lan, Phần Lan, cũng như các quốc gia Bắc Âu như Thụy Điển, Estonia, Latvia – đã đồng loạt gửi thư lên Ủy ban châu Âu, yêu cầu tạm hoãn và đơn giản hóa các điều khoản của EUDR. Theo các bộ trưởng nông nghiệp của nhóm nước này, quy định hiện tại đang tạo ra “gánh nặng hành chính và tài chính quá mức” đối với người nông dân và doanh nghiệp, ngay cả ở các quốc gia có rủi ro phá rừng thấp.
Quy định yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu vào EU phải chứng minh rằng các sản phẩm bao gồm: thịt bò, cà phê, cacao, gỗ, cao su, dầu cọ, đậu nành không liên quan đến phá rừng hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất sau ngày 31/12/2020. Điều này đòi hỏi hệ thống truy xuất nguồn gốc cực kỳ nghiêm ngặt. Thời hạn áp dụng cho các công ty quy mô vừa và lớn là từ ngày 30/12/2025, trong khi doanh nghiệp nhỏ hơn được gia hạn thêm 6 tháng.
Tuy nhiên, các tổ chức môi trường như WWF Europe và Fern đã phản đối mạnh mẽ động thái kêu gọi trì hoãn của các quốc gia thành viên. Đại diện WWF Europe nhấn mạnh rằng “việc gọi đây là động thái đơn giản hóa là không đúng”, trong khi tổ chức Fern lên án việc viện dẫn diện tích rừng trồng đơn loài làm lý do để nới lỏng quy định, cho rằng “nông trường trồng cây không phải là rừng thực sự”.
Trong bối cảnh đó, các quốc gia xuất khẩu nông sản lớn như Việt Nam, nơi có thế mạnh về cà phê, cao su, gỗ và cacao, đang đối diện với hai xu hướng song hành: một mặt là áp lực tuân thủ tiêu chuẩn môi trường cao hơn từ EU, mặt khác là cơ hội kéo dài thời gian chuyển đổi nếu luật bị tạm hoãn. Dẫu vậy, sự thiếu nhất quán trong cách thực thi giữa các quốc gia EU có thể khiến các nhà nhập khẩu tại châu Âu dè dặt hơn, từ đó ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận thị trường của doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời làm gia tăng chi phí tuân thủ do sự bất định của khung pháp lý. Ngoài ra, những doanh nghiệp đã đầu tư sớm vào các hệ thống chứng chỉ bền vững cũng đứng trước nguy cơ mất lợi thế cạnh tranh nếu luật bị điều chỉnh theo hướng nới lỏng.
Xu thế tiêu dùng lành mạnh và bền vững
Trong khi châu Âu vẫn đang tranh luận về hài hòa chính sách thương mại và môi trường, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm Thụy Điển lại cho thấy một bức tranh tăng trưởng ổn định, có định hướng rõ ràng theo xu thế tiêu dùng lành mạnh và bền vững. Với doanh thu ước tính đạt khoảng 2,67 tỷ euro trong năm 2023 và tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm dự kiến 0,8% đến năm 2028, Thụy Điển tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những trung tâm chế biến thực phẩm lớn của khu vực Bắc Âu.
Các lĩnh vực then chốt trong ngành bao gồm chế biến thịt, sản phẩm sữa, thực phẩm thực vật và đồ uống. Đặc biệt, các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như thịt chế biến, đồ ăn sẵn và thực phẩm chay đang trở thành động lực tăng trưởng chính, nhờ vào sự thay đổi hành vi tiêu dùng hướng đến thực phẩm tiện lợi, giàu dinh dưỡng và thân thiện với môi trường.
Thị trường nội địa Thụy Điển có đặc điểm là nhu cầu tiêu thụ ổn định, tiêu chuẩn chất lượng cao, nhưng đồng thời nhập khẩu thực phẩm cũng ngày càng tăng, mở ra cơ hội cho các nhà cung cấp từ ngoài khối EU. Hiện ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống là lĩnh vực sử dụng lao động lớn thứ ba tại Thụy Điển, với khoảng 4.779 doanh nghiệp và hơn 50.800 lao động – cho thấy quy mô và mức độ chuyên môn hóa cao của ngành.
Các tập đoàn lớn đang chi phối thị trường bao gồm: Arla Foods - hợp tác xã sữa Đan Mạch – Thụy Điển, là một trong những nhà sản xuất sữa lớn nhất châu Âu, cung ứng các sản phẩm từ hơn 13.500 nông trại tại 6 quốc gia; Scandi Standard - tập đoàn thịt gia cầm lớn nhất Bắc Âu, sở hữu các thương hiệu nổi tiếng như Kronfågel (Thụy Điển), Danpo (Đan Mạch), Den Stolte Hane (Na Uy)…; HKScan Sweden – công ty chế biến thịt thuộc tập đoàn Phần Lan, vận hành nhiều nhà máy tại các thành phố lớn như Skara, Kristianstad, Halmstad; KLS Ugglarps – công ty chuyên giết mổ và chế biến thịt lợn, bò, gà, thuộc sở hữu của Danish Crown – một trong những tập đoàn thịt lớn nhất châu Âu.
Bên cạnh các công ty Bắc Âu, các tập đoàn đa quốc gia như Nestlé Sverige(Thụy Sĩ), Orkla Foods Sweden (Na Uy), hay Cloetta (bánh kẹo) cũng chiếm thị phần đáng kể tại Thụy Điển. Nestlé vận hành nhiều danh mục sản phẩm, từ thực phẩm cho trẻ sơ sinh, đồ uống, sữa đến thực phẩm đông lạnh. Orkla sở hữu các thương hiệu như Felix, Abba, OLW và Anamma – đóng vai trò chủ lực trong mảng thực phẩm ăn liền, gia vị và thực phẩm từ thực vật. Trong khi đó, Cloetta dẫn đầu thị trường bánh kẹo với các thương hiệu phổ biến như Kexchoklad, Malaco, Läkerol.
Sự phát triển của ngành công nghiệp thực phẩm Thụy Điển không chỉ thúc đẩy nhu cầu về nguyên liệu nông nghiệp nhập khẩu, mà còn tạo cơ hội cho các quốc gia như Việt Nam – nơi có thế mạnh về điều, cà phê, trái cây nhiệt đới và thủy sản. Tuy nhiên, yêu cầu khắt khe về chất lượng, tiêu chuẩn bền vững và hệ thống truy xuất nguồn gốc là những rào cản kỹ thuật mà doanh nghiệp Việt cần chủ động thích nghi nếu muốn thâm nhập sâu vào thị trường này.
Nguồn:Phúc Minh/Tạp chí Doanh nghiệp và đầu tư