menu search
Đóng menu
Đóng

Tương lai của nền kinh tế Trung Quốc

14:33 25/10/2017

Bài toán chính đối với Trung Quốc sau Đại hội 19 đó là giải quyết tận gốc các vấn đề bất ổn, đồng thời tìm kiếm động lực phù hợp thúc đẩy tăng trưởng.
Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 khai mạc vào ngày 18/10 được xem là kỳ đại hội có ý nghĩa hết sức quan trọng, mang tính then chốt của ĐCS Trung Quốc để thực hiện các mục tiêu đã đề ra, trong đó có các mục tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng.
Bài toán chính đối với Trung Quốc sau Đại hội 19 đó là giải quyết tận gốc các vấn đề bất ổn, đồng thời tìm kiếm động lực phù hợp thúc đẩy tăng trưởng
Bài toán kinh tế đặt ra đầu tiên đối với chính quyền ông Tập Cận Bình là việc tiếp tục giải quyết vấn đề nợ, nhất là khoản nợ của chính quyền địa phương. Mặc dù trong 3 năm gần đây, chính phủ Trung Quốc đã thực hiện nhiều giải pháp để chống nợ tăng cao như thực hiện chương trình cải cách để chấn chỉnh hệ thống tài chính của các tỉnh; đặt ra định mức đi vay và đảo nợ thành trái phiếu… tuy nhiên các giải pháp này về cơ bản vẫn chưa phát huy tác dụng.
Các tổ chức quốc tế và chuyên gia kinh tế Trung Quốc thời gian qua vẫn liên tiếp đưa ra những cảnh báo về núi nợ ngày càng tăng của Trung Quốc, trong đó lớn nhất là nợ của các doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn nhà nước hoạt động trong nhiều ngành từ thép, xây dựng đến bất động sản. Theo báo cáo của Viện Tài chính Quốc tế (IIF), tổng nợ Trung Quốc hiện đạt hơn 300% GDP. Đặc biệt, báo cáo nhấn mạnh, tăng trưởng tín dụng của Trung Quốc đang đi vào trong quỹ đạo nguy hiểm và đến cuối năm, nợ xấu của Trung Quốc có thể đạt đến con số 7.600 tỷ USD.
Những lo ngại về dư nợ tín dụng tăng cao trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhất là trong khối doanh nghiệp, không phải là chuyện gì mới mẻ. Nhiều nhà kinh tế, nhà đầu tư, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và thậm chí cả Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã cảnh báo về điều này trong nhiều năm qua. Cách đây 5 tháng, Moody's đã hạ xếp hạng tín dụng của Trung Quốc, lần đầu tiên kể từ năm 1989, còn Fitch thì đã làm điều đó từ tận năm 2013. Gần đây nhất, cơ quan đánh giá tín dụng Standard & Poor's cho biết, họ đã hạ một bậc xếp hạng tín dụng của Trung Quốc xuống còn A+, với cảnh báo rằng một giai đoạn tăng trưởng tín dụng kéo dài đã làm gia tăng nguy cơ rủi ro về kinh tế và tài chính của Trung Quốc.
Vấn đề kinh tế thứ hai mà Trung Quốc sẽ phải tập trung giải quyết là tình trạng sản xuất dư dôi. Từ năm 2015, chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình đã đề ra nhiều chính sách để cùng lúc giải quyết tình trạng sản xuất dư thừa, thị trường bất động sản ế ẩm và hệ thống doanh nghiệp làm ăn thua lỗ. Mặc dù vậy, các kết quả thu được vẫn còn thấp vì nhiều địa phương lại gánh chịu hậu quả nếu doanh nghiệp sở tại bị đóng cửa và cư dân mất việc. Về cơ bản, các chính sách giải quyết tình trạng sản xuất dôi dư trong thời gian qua chỉ thành công tại những tỉnh trù phú, có khả năng vượt qua khó khăn, trong khi tình hình ngày càng trở nên khó khăn tại các địa phương nghèo.
Các số liệu công bố gần đây cho thấy tình trạng dư cung trong các ngành công nghiệp nặng như thép, nhôm, xi-măng, than đá... tại Trung Quốc vẫn rất nghiêm trọng. Một khảo sát trên 2.000 doanh nghiệp công nghiệp Trung Quốc có quy mô doanh thu trên 724.500 USD cho thấy, hơn một nửa trong tình trạng thừa công suất. Do nhu cầu trong và ngoài nước đối với các vật liệu xây dựng và sản xuất đều giảm, nên các công ty công nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Điều này gia tăng gánh nặng lên chính quyền trung ương, vì đã hỗ trợ rất nhiều cho các ngành công nghiệp bằng cả tiền mặt lẫn trợ giá điện.
Một vấn đề khác được đặt ra đó là sự ổn định của thị trường ngoại hối trước tình trạng dòng tư bản tiếp tục chảy mạnh ra nước ngoài, đặc biệt trong bối cảnh đồng Nhân dân tệ đã nằm trong rổ dự trữ quốc tế.
Vấn đề cuối cùng chính là sự suy sụp của doanh nghiệp nhà nước, nắm giữ tới 25% tài sản kinh doanh của cả nước mà chỉ có sản lượng ước chừng 14% GDP so với 70% mức sản xuất của khu vực tư nhân. Chính quyền Trung Quốc vẫn muốn sử dụng hệ thống kinh tế nhà nước làm đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế trong thời gian tới, tuy nhiên thực tế phát triển của khu vực kinh tế Nhà nước trong hiện tại rõ ràng là một bài toán thách thức đối với ông Tập Cận Bình.
Tất cả những vấn đề đặt ra như vậy đang có tác động qua lại, đan xen phức tạp khiến kinh tế Trung Quốc vừa rơi vào giai đoạn giảm tốc khá mạnh mẽ trong những năm vừa qua, lại vừa đặt ra các thách thức về nguy cơ lan truyền khủng hoảng trong hệ thống tài chính ngân hàng. Bài toán chính đối với Trung Quốc sau Đại hội 19 đó là tiếp tục giải quyết tận gốc các vấn đề bất ổn đang cản trở đà tăng trưởng, đồng thời cần phải tìm kiếm được động lực phù hợp cho việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

Nguồn: thoibaonganhang.vn