Tỷ giá USD trong nước
Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ ở mức: 23.135 VND/USD (tăng 7 đồng so với hôm qua). Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN hiện mua vào ở mức 22.550 VND/USD (không đổi) và bán ra ở mức 23.050 VND/USD (không đổi).
Giá USD tự do niêm yết ở mức mua vào 23.420 đồng/USD và bán ra 23.470 đồng/USD, giá mua và giá bán cùng tăng 70 đồng so với hôm qua.
Tỷ giá USD ngày 26/4/2022
ĐVT: VND/USD
USD thế giới tăng
USD Index đạt 101,69 theo ghi nhận lúc 06h30 (giờ Việt Nam), duy trì quanh mức tăng lớn nhất theo ngày kể từ hôm 11/3. Tỷ giá euro so với USD tăng nhẹ 0,02% ở mức 1,0716. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD giảm 0,07% xuống mức 1,2732. Tỷ giá USD so với yen Nhật giảm 0,39% ở mức 127,64.
Theo Investing, chiến lược gia ngoại hối tại Societe Generale ở London Kenneth Broux, cho biết đồng USD sẽ tiếp tục được hỗ trợ trước thềm cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) vào tuần tới. Trong khi đó, Juan Perez, giám đốc giao dịch ngoại hối của Monex USA ở Washington, nhận định sự thống trị này của đồng USD là do lo ngại về việc COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng đến kinh tế Trung Quốc.
Cuộc chiến ở Ukraine đã bước sang tháng thứ ba và lo ngại gia tăng về sự bùng phát COVID-19 trên toàn Trung Quốc đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường chứng khoán nước này và giá trị đồng nhân dân tệ. Đồng tiền của Trung Quốc đã thiết lập chuỗi ba ngày giảm giá nhiều nhất xuống mức thấp nhất trong một năm so với USD do lo ngại về suy giảm kinh tế ở Trung Quốc ngày càng tăng.
Ở một diễn biến khác, mức tăng nhẹ của đồng euro sau chiến thắng tranh cử của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trước đối thủ Marine Le Pen nhanh chóng biến mất, sau đó đã dao động quanh mức tăng vừa, khi USD đang phục hồi. Trong khi đó, ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt của Anh đang bắt đầu bùng phát và đồng bảng Anh đang trượt giá nhanh chóng so với USD. Thu nhập thực tế của người tiêu dùng ở Anh bị ảnh hưởng nặng nề bởi một số đợt tăng giá lớn. Theo một cuộc khảo sát, gần 25% người dân cho biết việc thanh toán các hóa đơn trở nên khó khăn hơn và hơn 40% nói rằng họ sẽ không thể tiết kiệm trong 12 tháng tới. Điều này xảy ra trước khi quy định về tăng giá năng lượng có hiệu lực. Doanh số bán lẻ bất ngờ giảm 1,4% và niềm tin của người tiêu dùng đã giảm trong tháng 3, xuống mức thấp nhất kể từ 50 năm trước.
Ông Kit Juckes tại Societe Generale cho rằng bất kỳ sự đồn thổi nào về lãi suất đều không có tác dụng khi Ngân hàng Trung ương Anh được dự đoán sẽ không tăng lãi suất thêm 150 điểm cơ bản vào cuối năm nay vì thị trường tiền tệ và nền kinh tế sẽ không thể “hấp thụ” được. Giá trị đồng bảng Anh yếu đi phản ánh sự suy thoái nhanh chóng của nền kinh tế nước này. Đồng bảng Anh đã giảm xuống dưới mức hỗ trợ 1,30 xuống còn 1,2732, mức thấp chưa từng thấy kể từ tháng 10/2020. Như vậy, bảng Anh đã giảm gần 7% chỉ trong 9 tuần.
Tuần trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết họ dự kiến tăng trưởng kinh tế của Anh sẽ yếu nhất trong số các nền kinh tế lớn trong năm tới ngoại trừ Nga, và lạm phát của Anh sẽ cao nhất trong nhóm G7.
Nếu triển vọng kinh tế đối với đồng bảng Anh có vẻ ảm đạm thì triển vọng chính trị khả năng sẽ u ám hơn khi áp lực gia tăng đối với việc Thủ tướng Boris Johnson từ chức khi ông đang bị điều tra vì cho rằng đã lừa dối Quốc hội trong việc phá vỡ các quy tắc phong tỏa trong đại dịch COVID-19 và trước áp lực kêu gọi từ chức của người dân do Johnson gần đây trở thành thủ tướng đương nhiệm đầu tiên bị cảnh sát xử phạt vì vi phạm pháp luật.
Nhìn chung, các bình luận về việc thắt chặt tiền tệ của nhiều nhà hoạch định chính sách trong tuần qua đã làm tăng kỳ vọng thắt chặt chính sách của các ngân hàng trung ương toàn cầu. Thị trường tiền tệ vẫn đang kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất thêm nửa điểm trong hai cuộc họp tới và Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào tháng 7/2022.
Nguồn:Vinanet/VITIC