menu search
Đóng menu
Đóng

USD cao kỷ lục 9 tháng, tăng so với tất cả các đồng tiền chủ chốt

08:27 20/08/2021

Đôla Mỹ đang tăng mạnh mẽ, đạt mức cao nhất kể từ tháng 11/2020 sau khi biên bản cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy các lãnh đạo ngân hàng của Mỹ muốn giảm kích thích tiền tệ trong năm nay. Lo ngại về việc virus biến thể Delta lây lan nhanh chóng cũng làm tăng nhu cầu đối với USD.
 
Chỉ số dollar index – so đồng USD với 6 đồng tiền đối tác chủ chốt kết thúc phiên 19/8 tăng 0,3% lên 93,359, trong phiên có lúc vọt lên 93,587, mức cao nhất kể từ đầu tháng 11 năm ngoái.
usd cao ky luc 9 thang

Dollar index

Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm 3 điểm, xuống 1,241% càng đẩy USD đi lên. Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ duy trì ở mức thấp do bức tranh nền kinh tế Mỹ có nhiều mảng sáng tối đan xen và nhà đầu tư vẫn lo ngại về việc kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại khi các biến thể của virus Covid-19 tiếp tục lan rộng.
Các nhà phân tích cho biết, giao dịch trái phiếu Mỹ có nhiều biến động vì nhiều nhà đầu tư và thương nhân đi nghỉ vào nửa cuối tháng 8. Các nhà đầu tư đang cân nhắc xem mức độ mua trái phiếu dự kiến của Fed sẽ ảnh hưởng như thế nào đến lợi suất. Một số nhà kinh tế và nhà phân tích cho rằng ngân hàng trung ương Mỹ có thể công bố động thái này ngay sau tháng 9, mặc dù những người khác nói rằng điều đó khó xảy ra cho đến tháng 12. 
Trong biên bản kỳ họp 27-28/7 của Ủy ban Thị trường Mở của Fed (FOMC) vừa công bố ngày 18/8, các quan chức Fed đồng thuận việc xem xét giảm bớt quy mô của các chương trình kích thích khổng lồ - mua trái phiếu - trong năm nay nếu nền kinh tế tiếp tục cải thiện như dự kiến, mặc dù điều kiện "tiến bộ đáng kể hơn nữa" được xác định ở mức cao, thị trường việc làm hiện vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đó.
“Hầu hết các thành viên Fed đều lưu ý rằng, trong trường hợp nền kinh tế tiếp tục mở rộng như dự đoán, họ cho rằng có thể bắt đầu giảm tốc độ mua tài sản trong năm nay”, biên bản nêu rõ, đồng thời cho biết thêm rằng nền kinh tế đã đạt mục tiêu về lạm phát và họ "hầu như bằng lòng" với tiến độ tăng trưởng việc làm. Tuy nhiên, biên bản cũng chỉ ra rằng các thành viên ngân hàng trung ương khẳng định việc giảm hoặc thu hẹp chương trình mua tài sản không phải là dấu hiệu báo trước cho một đợt tăng lãi suất sắp xảy ra, và ghi nhận rằng "một số" thành viên muốn đợi đến đầu năm 2022 mới bắt đầu giảm dần chương trình mua tài sản. Các thành viên FOMC đồng tình rằng thị trường việc làm vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu “đạt tiến bộ đáng kể hơn nữa” mà Fed đã đưa ra như một điều kiện để bắt đầu xem xét tăng lãi suất.
Số liệu doanh số bán lẻ của Mỹ vừa công bố hôm qua giảm nhiều hơn dự kiến đã hạn chế mức tăng của đồng USD. Doanh số bán lẻ tháng 7 đã giảm 1,1% so với tháng 6, sau khi tăng 0,7% trong tháng 6 so với tháng 5. Mức giảm đó sâu hơn nhiều so với dự đoán của các nhà phân tích là giảm 0,3%.
Tuy nhiên, đồng USD lại được hậu thuẫn tích cực bởi các dữ liệu khác, như dự báo về sản xuất công nghiệp sẽ tăng mạnh.
Karl Schamotta, Giám đốc chiến lược thị trường của Cambridge Global Payments ở Toronto, cho biết: “Báo cáo doanh số bán lẻ sáng nay nhằm khẳng định rằng người tiêu dùng Mỹ - khách hàng lớn nhất và đáng tin cậy nhất trên thế giới - đang trở nên thận trọng hơn”.
Ông nói thêm: “Điều này, kết hợp với bằng chứng về sự suy yếu của nền kinh tế Trung Quốc và bất ổn chính trị đang diễn ra ở Afghanistan, đang khiến các nhà đầu tư phải trả hết các khoản vay bằng đồng đô la rút tiền ra khỏi các thị trường rủi ro cao” - yếu tố hỗ trợ tích cực cho USD.
Joseph Capurso, chiến lược gia thuộc Commonwealth Bank of Australia, cho biết: “Cần nhớ rằng cuộc họp tháng 7 của FOMC diễn ra trước báo cáo số liệu việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp tháng 7 ‘bội thu’”. Do đó, theo ông Capurso: "Chúng tôi giữ nguyên nhận định của mình là FOMC sẽ thông báo về việc cắt giảm kích thích vào tháng 9, sau đó thực hiện vào tháng 10 hoặc có thể là tháng 11."
Việc giảm mua nợ thường có ý nghĩa tích cực đối với đồng đô la vì Fed sẽ không sử dụng nhiều tiền mặt trong hệ thống tài chính.
Đồng euro giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 11/2020, còn 1,16665 USD, trong khi bảng Anh giảm 1% xuống 1,3642, crown Nauy giảm so với cả USD và euro do ngân hàng trung ương nước này giữ nguyên lãi suất và sẽ xem xét kế hoạch tăng lãi suất vào tháng 9 tới.
Đồng crown phiên này giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7, khi giảm 1,6% so với USD xuống 9,0365 crowns/USD và giảm 1,3% so với EUR xuống 10,553 crown/EUR.
Đô la Australia và New Zealand cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020. Theo đó, AUD giảm 1,2% xuống 0.7149 USD, còn NZD giảm 0,8% xuống 0,6827 USD.
Đồng đô la Australia (AUD) tiếp tục xu hướng giảm mạnh nhất 4 tháng. Các nhà chiến lược của Westpac nhận định AUD có thể giảm xuống 0,70 đô la, trong khi NZD có thể xuống 0,68 USD, mặc dù có khả năng những đồng tiền này sẽ hồi phục vào cuối năm nay.
Các nhà đầu tư tìm đến USD còn do tâm lý lo lắng về tình hình ở Afghanistan và nền kinh tế Trung Quốc phát đi những tín hiệu đáng thát vọng và sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta khiến nhiều nơi trên thế giới phải đóng cửa trở lại.
“Nền kinh tế toàn cầu đã chậm lại/đang chậm lại. Virus làm cho vấn đề chuỗi cung ứng toàn cầu lại trở nên phức tạp. Trung Quốc đang đóng cửa và người tiêu dùng Mỹ đang có dấu hiệu do dự mặc dù chúng tôi sẵn sàng mở cửa trở lại các trường học”, Gregory Faranello, người phụ trách mảng tỷ giá hối đoái của AmeriVet Securities cho biết.
Đồng NZD đã rơi vào vùng giảm giá mạnh sau khi Ngân hàng Dự trữ New Zealand (RBNZ) trì hoãn việc trở thành ngân hàng trung ương G10 đầu tiên tăng lãi suất trong thời kỳ đại dịch, một ngày sau khi một đợt bùng phát dịch Covid-19 mới đẩy quốc gia này vào tình trạng phong tỏa.
New Zealand ngày 17/8 đã thông báo phong tỏa toàn quốc sau khi phát hiện có ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng đầu tiên sau 6 tháng.
Mặc dù vậy, Thống đốc RBNZ, Adrian Orr, hôm nay (19/8) khi phát biểu trước Quốc hội vẫn lạc quan rằng tỷ giá nội tệ chính thức sẽ tăng dần trong 18 tháng tới.
Số ca nhiễm Covid-19 mới ở New Zealand sáng 19/8 đã tăng lên 21 ca, song các nhà chức trách nước này cho biết đã bóc tách được các ca nhiễm ra khỏi cộng đồng sau khi truy vết thấy sự lây lan khởi phát từ một người mới trở về từ Sydney.

Bang New South Wales của Australia – thủ phủ là Sydney – thông báo có số ca nhiễm Covid-19 mới cao kỷ lục trong ngày 19/8, bất chấp việc đang phong tỏa nghiêm ngặt. Tỷ lệ thất nghiệp của Australia tháng 7 bất ngờ giảm xuống mức thấp nhất trong 12 năm là 4,6% cũng chỉ mang lại niềm vui ngắn ngủi cho người dân nước này, bởi các dữ liệu nhanh chóng bị xáo trộn khi số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh khiến một bộ phận lực lượng lao động lại mất việc.

USD cao ky luc 9 thang

Nguồn:VITIC / Reuters

Tags: tỷ giá