menu search
Đóng menu
Đóng

Vốn đầu tư nước ngoài vào ĐBSCL giảm mạnh

09:05 13/04/2017

Vinanet - Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong quí đầu năm 2017 đã sụt giảm mạnh.
Sau khi có sự tăng trưởng mạnh trong những tháng đầu năm ngoái, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong quí đầu năm 2017 đã quay đầu sụt giảm mạnh, theo ông Nguyễn Phương Lam, Phó giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ.
Cụ thể, nếu như trong nửa đầu năm 2016, toàn vùng ĐBSCL thu hút được 79 dự án FDI mới với tổng vốn đăng ký đạt 987 triệu đô la Mỹ, trong đó, riêng quí đầu năm có khoảng 400 triệu đô la Mỹ đầu tư vào khu vực này.
Thế nhưng, thông tin tại buổi họp báo quí 1-2017 do VCCI Cần Thơ tổ chức vào hôm 4-4, cho thấy trong quí đầu năm 2017, tổng vốn FDI vào ĐBSCL đã giảm gần 75% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, theo ông Lam, quí 1-2017, toàn vùng ĐBSCL đã thu hút được 27 dự án FDI mới với tổng số vốn đăng ký đạt 103 triệu đô la Mỹ, chiếm 5,5% số dự án và chỉ hơn 3,5% số vốn đăng ký so với cả nước. "Với kết quả này, thu hút FDI vào ĐBSCL chỉ bằng hơn 25% so với cùng kỳ năm ngoái (tức giảm gần 75%)”, ông Lam cho biết.
Theo ông Lam, thu hút vốn FDI vào ĐBSCL sụt giảm mạnh, do cùng thời điểm này của năm trước, khu vực ĐBSCL thu hút được nhiều dự án đầu tư quy mô lớn.
Cụ thể, như dự án đầu tư vào lĩnh vực sản xuất giày thể thao khoảng 170 triệu đô la Mỹ tại Thành phố Cần Thơ của Tập đoàn Taekwang và dự án nhà máy giấy Đại Dương 220 triệu đô la Mỹ tại tỉnh Tiền Giang.
Xét về các dự án tăng vốn đầu tư, theo ông Lam, so với bình quân chung của cả nước, các doanh nghiệp FDI ở ĐBSCL tăng vốn để mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh rất ít. “Nếu so về số vốn, thì khu vực ĐBSCL chiếm chưa tới 1% trong tổng số vốn mà các doanh nghiệp FDI trong cả nước tăng vốn mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh (4 tỉ đô la Mỹ)”, ông Lam cho biết.
Theo ông Lam, nếu như trước đây tỉnh Long An là địa phương dẫn đầu trong thu hút FDI ở ĐBSCL, thì trong quí đầu năm 2017, tỉnh Tiền Giang đã vượt lên dẫn đầu với tổng số vốn thu hút được là 56,4 triệu đô la Mỹ nhờ vào hai dự án đầu tư tương đối lớn ở địa phương này. Kế đến là Kiên Giang, Long An và Thành phố Cần Thơ.
Xét trên phạm vi cả nước, trong quí 1-2017, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, tăng thêm và vốn góp mua cổ phần đạt 7,71 tỉ đô la Mỹ, tăng 77,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về tình hình doanh nghiệp thành lập mới, theo ông Lam, qua số liệu tổng hợp từ các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL, thì trong quí 1-2017 khu vực này có 4.800 doanh nghiệp được thành lập mới, chiếm trên 17% tổng số doanh nghiệp thành lập mới của cả nước.
Nguồn: thesaigontimes.vn