8 tháng nhập siêu 3,71 tỷ USD
Thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 8/2021 đạt 588 triệu USD, giảm gần 28% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm ở hầu hết các sản phẩm chủ lực. Xuất khẩu tôm, cá tra, cá ngừ, mực, bạch tuộc, cua ghẹ và cá biển khác đều giảm từ 20 - 33% so với cùng kỳ năm 2020.
VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản trong tháng 9 sẽ tiếp tục giảm ít nhất 20%, kim ngạch đạt khoảng 660 triệu USD.
Với kịch bản từ sau tháng 9, hầu hết công nhân chế biến thủy sản được tiêm văcxin, các công ty không phải sản xuất “3 tại chỗ,” xuất khẩu 3 tháng cuối năm sẽ hồi phục nhẹ và có thể đạt được kim ngạch khoảng 8,5 - 8,6 tỷ USD.
Tuy nhiên, nếu trong tháng 9 chưa thể khống chế được dịch, đặc biệt là tại các tỉnh phía Nam, thì chuỗi sản xuất – xuất khẩu thủy sản sẽ đổ vỡ mà phải đến quý 2/2022 mới có thể phục hồi.
Tính chung ngành nông lâm thủy sản, trong 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 32,1 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt trên 13,9 tỷ USD, tăng 13,6%; lâm sản chính đạt khoảng 11,2 tỷ USD, tăng 42,7%; thủy sản đạt trên 5,6 tỷ USD, tăng 7,1%; chăn nuôi ước đạt 296 triệu USD, tăng 15,9%; nhóm đầu vào sản xuất khoảng 1,1 tỷ USD, tăng 31,1%.
Kết quả trên phần lớn là nhờ tăng trưởng tốt trước khi dịch bùng phát vào tháng 4/2021. Số liệu cho thấy, trong tháng 8/2021, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt gần 3,4 tỷ USD; giảm 21,6% so với tháng 8/2020.
Không chỉ nông, lâm thủy sản, dệt may - một trong 9 ngành xuất khẩu "tỷ đô" của Việt Nam - cũng chịu tình trạng tương tự khi cảnh báo sẽ khó có thể cán đích xuất khẩu 39 tỷ USD trong năm nay. Kim ngạch xuất khẩu tháng 8/2021 của ngành dệt may ước giảm 18,7% so với tháng 7/2021 và giảm 5,8% so với tháng 8/2020. 8 tháng, kim ngạch ngành này đạt 25,9 tỷ USD.
Đại diện ngành dệt may cho biết, 4 tháng cuối năm 2021 sẽ là khoảng thời gian cực kỳ khó khăn đối với các doanh nghiệp trong ngành. Nếu tình hình dịch bệnh không kiểm soát được trong tháng 9/2021, khả năng cả năm nay ngành chỉ đạt kim ngạch xuất khẩu 33 – 34 tỷ USD.
Ngành gạo, một ngành xuất khẩu tỷ đô khác, càng khốn đốn hơn khi giá gạo xuất khẩu đang tiếp tục xu hướng giảm từ tháng trước đó. Nhiều doanh nghiệp trong nước không dám ký hợp đồng với đối tác nước ngoài vì lo không giao được hàng.
"Cước vận tải đã lên rất cao, đặc biệt là khu vực châu Phi, trong khi tàu hàng vào cảng lâu, nhưng không thể đưa hàng lên tàu được. Điều này, khiến việc giải phóng lượng hàng trong kho của doanh nghiệp rất khó khăn" - ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Intimex Group, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam nói.
Tính chung cả nước, tổng kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm ước tính đạt 212,55 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là chỉ dấu đáng mừng cho thấy xuất khẩu vẫn giữ đà tăng trưởng.
Tuy nhiên, tăng trưởng trên được ghi nhận do kết quả tích lũy từ những tháng đầu năm. Còn từ khi dịch bùng phát từ tháng 4/2021 đến nay, xuất khẩu ghi nhận giảm đều và giảm mạnh vào tháng 7, tháng 8 trên mọi mặt hàng.
Hệ quả, 8 tháng năm 2021, nhập siêu của Việt Nam ở mức 3,71 tỷ USD trong khi cùng kỳ năm trước xuất siêu 13,69 tỷ USD. Tháng 8 là tháng thứ 4 liên tiếp cán cân thương mại của Việt Nam thâm hụt sau thời gian dài liên tục xuất siêu.
Những con số này cho thấy, động lực tăng trưởng của nền kinh tế là xuất khẩu đang ngấm những tác động bất lợi từ đại dịch Covid-19.
Đối tác "đang mất dần lòng tin"
Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu của một số nước (như Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc) đã và đang phục hồi sau giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nước thì đang chật vật với các phương án tổ chức tái sản xuất. Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, thời điểm hiện tại, tỷ trọng các nhà máy phải đóng cửa lên tới 30 - 35%. Lý do vì không chịu nổi chi phí sản xuất “3 tại chỗ”, trả lương hỗ trợ cho người lao động…
Hàng chục nghìn công nhân về quê dẫn tới tình trạng thiếu lao động, doanh nghiệp khó có thể đảm bảo hoạt động thông suốt, khó đủ năng suất để đáp ứng các đơn hàng đã ký. Nguy cơ đền đơn hàng cũ, không thể ký mới, mất khách hàng, mất vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu… là hiện hữu.
“Đối tác phải gánh chịu thiệt hại vô cùng to lớn vì không cung cấp kịp hàng ra thị trường như kế hoạch, họ cũng bị mất khách và thị trường hiện có của họ. Họ không tin tưởng vào sự an toàn của thị trường Việt Nam nữa. Họ đang mất dần lòng tin với chúng ta” - thư cầu cứu xin hỗ trợ văcxin phòng Covid-19 của các doanh nghiệp dệt may Tiền Giang mới đây viết.
Tiêm văcxin đầy đủ cho người lao động là yêu cầu đầu tiên các doanh nghiệp kiến nghị với chính quyền ngay từ khi dịch bệnh bắt đầu tái bùng phát. Doanh nghiệp sẵn sàng bỏ tiền để công nhân được tiêm văcxin để yên tâm sản xuất. Tuy nhiên, đến nay việc tiêm văcxin vẫn do Bộ Y tế và địa phương chủ trì thực hiện, doanh nghiệp chỉ biết chờ đợi đến lượt, hoặc cố gắng tác động để được ưu tiên hơn.
Khó khăn trong xuất khẩu các tháng cuối năm còn đến từ tình trạng thiếu container rỗng, tăng giá cước vận tải đã tác động không nhỏ đến tiến độ xuất khẩu sang Hoa Kỳ, EU, Đông Bắc Á cũng như nhập khẩu nguyên liệu (thủy sản, điều, gỗ) để phục vụ chế biến xuất khẩu.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, bên cạnh những khó khăn hiện hữu, xuất khẩu các tháng cuối năm cũng có những điểm sáng có thể trông chờ như các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi hiệu quả, tạo điều kiện để hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi.
Đồng thời, chu kỳ xuất khẩu hàng hóa nguyên liệu sản xuất thường tăng trong những tháng cuối năm nhằm phục vụ cho mùa tiêu dùng, đặc biệt là đối với ngành điện tử, đồ gỗ, hàng dệt may, da giầy và thủy sản…
Do đó, Bộ Công Thương cho rằng, cán cân thương mại được dự báo sẽ cải thiện dần trong thời gian tới. Đồng thời, cơ quan này cũng dự báo, xuất khẩu cả năm 2021 sẽ tăng 10,7% so với tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu của năm 2020, ước đạt khoảng 313 tỷ USD.
Nguồn:https://khoahocdoisong