menu search
Đóng menu
Đóng

World Bank: Chi phí trả lãi vay của Việt Nam lên tới 7,2% ngân sách

12:11 20/07/2015

Vinanet - Báo cáo “Điểm lại” của Ngân hàng Thế giới (World Bank) công bố ngày 20/7 cho thấy, nợ công tăng nhanh trong những năm gần đây và chi phí trả nợ có thể là gánh nặng ngày càng tăng cho ngân sách.

Cụ thể, theo ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế của World Bank tại Việt Nam, kết quả thu chi ngân sách Nhà nước tiếp tục cho thấy áp lực tài khóa dai dẳng trong những tháng đầu năm 2015.

Thu ngân sách từ dầu thô tiếp tục giảm đáng kể (34% so với cùng kỳ) song được bù đắp nhờ tăng thu các loại thuế khác. Tuy nhiên, tốc độ chi ngân sách cao hơn mức tăng thu dẫn tới bội chi ngân sách gần 75.000 tỷ đồng (tương đương 3,5 tỷ USD), bằng 1/3 chỉ tiêu của năm 2015 do Quốc hội phê chuẩn.

Ngoài ra, nợ công tăng lên và chi phí thanh toán nợ có thể tạo thêm gánh nặng lên ngân sách. Nghĩa vụ thanh toán nợ công đã tăng từ 22% năm 2010 lên gần 26% tổng thu ngân sách năm 2014. Chi trả lãi vay hiện chiếm gần 7,2% chi ngân sách, lấn át các khoản chi tiêu khác.

“Nghĩa vụ nợ tiềm tàng từ doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và khu vực ngân hàng cũng trở thành mối nguy cơ rủi ro tới tính bền vững của nợ công” - ông Sebastian Eckardt nói.

Cho rằng nợ của DNNN còn nhiều khoản nợ tiềm ẩn chưa được thống kê đầy đủ, World Bank ước tính các khoản nợ này có quy mô khá lớn, tính rủi ro cao và có thể đe dọa tới ổn định tài khóa.

"Mặc dù Chính phủ nhận ra những rủi ro này nhưng vẫn chủ trương không sử dụng các nguồn lực ngân sách nhà nước để tái cấp vốn các ngân hàng hay tái cơ cấu nợ của DNNN” – theo World Bank.

Đánh giá chung về kinh tế Việt Nam 6 tháng qua, ông Sebastian Eckardt cho rằng kinh tế hồi phục, tiếp tục khởi sắc.

“Tiềm năng trong trung hạn của Việt Nam nhìn chung tích cực nhưng tùy thuộc vào nhiều rủi ro. Tăng trưởng kinh tế dự báo ở mức trên 6%, cụ thể từ 6-6,2%”, chuyên gia của World Bank dự báo.

Lạm phát được dự báo sẽ ở mức thấp do giá nhiên liệu và thực phẩm toàn cầu thấp. Song, World Bank cũng cảnh báo cán cân thương mại sẽ bị thu hẹp đáng kể trong năm nay do tăng trưởng xuất khẩu chậm lại trong khi nhập khẩu gia tăng.

Nhiều dự án đầu tư lớn đang triển khai như Samsung Electronics, Tổ hợp sản xuất thép Formosa và nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã đẩy giá trị nhập khẩu máy móc thiết bị tăng vọt, báo cáo viết.

Trong tương lai, chuyên gia của World Bank cho rằng, việc có đạt được tăng trưởng kinh tế cao hơn và bền vững hơn còn thùy thuộc vào khả năng việt Nam có duy trì được ổn định vĩ mô và đẩy nhanh cải cách cơ cấu.

“Xét về cải cách cơ cấu, nhiệm vụ trọng tâm vẫn là tiếp tục đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại khu vực DNNN và cải cách khu vực ngân hàng, đặc biệt là xử lý nợ xấu”,  World Bank khuyến nghị.

Báo cáo cũng lưu ý tiến độ tái cơ cấu DNNN đang chậm lại so với kế hoạch trong năm 2015 và chỉ cổ phần hóa được 29 DNNN trong quý I. Điều này cho thấy mục tiêu cổ phần hóa 289 DNNN trong năm 2015 khó khả thi.

“Bên cạnh các yêu cầu thủ tục phức tạp, quá trình triển khai cổ phần hóa còn bị ảnh hưởng bởi sự thờ ơ của nhà đầu tư với cổ phiếu của các doanh nghiệp cổ phần hóa – đặc biệt là cổ phiếu thiểu số tại DNNN” – báo cáo nhận định.

Với lĩnh vực ngân hàng, World Bank đánh giá quá trình hợp nhất ngân hàng được đẩy nhanh hơn trong 6 tháng nhưng mục tiêu giảm số lượng ngân hàng thương mại xuống 15 - 17 ngân hàng vào năm 2017 vẫn là một thách thức.

Đặc biệt, World Bank vẫn tỏ ra băn khoăn về số liệu nợ xấu của Việt Nam. Ngân hàng này cho rằng câu hỏi về quy mô thực tế của nợ xấu tính theo thông kệ quốc tế vẫn chưa được giải đáp mặc dù những thay đổi luật định gần đây là bước đi đúng hướng.

Phạm Hà Nam