Hết tháng 9, lĩnh vực xuất khẩu có 2 nhóm hàng có kim ngạch tăng trưởng từ 1 tỷ USD trở lên và ngược lại có 6 nhóm hàng sụt giảm “tỷ đô”, theo thông tin vừa được Tổng cục Hải quan đưa ra.
Ấn tượng rau quả
2 nhóm hàng xuất khẩu có kim ngạch tăng trưởng nhiều nhất là rau quả và phương tiện vận tải, phụ tùng.
Trong đó, ấn tượng nhất chính là nhóm hàng rau quả. Tháng 9 xuất khẩu nhóm hàng này đạt kim ngạch cao nhất từ trước tới nay với 667,5 triệu USD, tăng tới 43,7% so với tháng trước.
Tính chung 9 tháng đạt tới 4,21 tỷ USD, tăng 72,5% (tương ứng tăng 1,77 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
Đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng của nhóm hàng rau quả là mặt hàng sầu riêng. Hết tháng 9, riêng mặt hàng sầu riêng đạt tới 1,63 tỷ USD, gấp hơn 14 lần so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ 2022 chỉ đạt 113 triệu USD). Kết quả này giúp sầu riêng vượt qua nhiều mặt hàng trái cây chủ lực như thanh long, dưa hấu, xoài, chuối, vải thiều… để trở thành mặt hàng có quy mô kim ngạch lớn nhất, chiếm tới 38,7% kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu hàng rau quả lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 2,75 tỷ USD, tăng 160% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 65% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của cả nước.
Nhóm phương tiện vận tải và phụ tùng có kim ngạch tăng trưởng 1,47 tỷ USD, qua đó đưa kết quả 9 tháng lên con số 10,28 tỷ USD. Đây là nhóm hàng xuất khẩu “chục tỷ đô” duy nhất tăng trưởng dương trong 9 tháng qua. Các thị trường xuất khẩu chủ lực của nhóm hàng này như: Nhật Bản đạt hơn 2,1 tỷ USD; Hoa Kỳ đạt hơn 2 tỷ USD; Hàn Quốc đạt hơn 953,5 triệu USD…
Ngoài ra, gạo cũng là nhóm hàng xuất khẩu có tăng trưởng ấn tượng, với kim ngạch tăng thêm gần đạt con số 1 tỷ USD. Hết tháng 9, xuất khẩu gạo cả nước đạt 6,42 triệu tấn và kim ngạch đạt 3,54 tỷ USD, tăng 19,5% về lượng và tăng 35,9% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái (tương ứng tăng 935 triệu USD).
9 tháng qua, ASEAN và Trung Quốc là hai thị trường xuất khẩu chính của gạo Việt Nam. Trong đó, thị trường ASEAN đạt 3,82 triệu tấn, tăng 28%; Trung Quốc đạt 859 nghìn tấn, tăng 37,2% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, riêng 2 thị trường chủ lực nêu trên đạt 4,68 triệu tấn, chiếm 73% lượng gạo xuất khẩu của cả nước.
6 nhóm hàng “chục tỷ đô” sụt giảm
Dù có những điểm sáng, nhưng 9 tháng qua, hoạt động xuất khẩu của nước ta chứng kiến nhiều khó khăn của các ngành hàng chủ lực.
Dữ liệu thống kê của Tổng cục Hải quan ghi nhận hết tháng 9 có tới 6 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực có kim ngạch giảm từ 1 tỷ USD trở lên. Đáng chú ý, đây đều là những nhóm hàng quy mô lớn “chục tỷ đô” nên có tác động mạnh đến xuất khẩu chung của cả nước.
Giảm mạnh nhất là điện thoại và linh kiện. Hết tháng 9, nhóm hàng này mới đạt 38,92 tỷ USD, giảm 13,7%, tương ứng giảm 6,17 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Do sự sụt giảm này nên điện thoại và linh kiện đã mất ngôi vị số 1 về xuất khẩu vào nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện.
Dệt may có kim ngạch giảm nhiều thứ 2 với 3,94 tỷ USD, hết tháng 9 nhóm hàng này mới đạt 25,1 tỷ USD.
Giày dép các loại giảm 3,47 tỷ USD, là nhóm hàng giảm nhiều thứ 3, qua đó kim ngạch cả 9 tháng mới đạt 14,7 tỷ USD.
3 nhóm hàng có kim ngạch giảm “tỷ đô” còn lại là: máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng giảm 3,36 tỷ USD (hết tháng 9 đạt 30,91 tỷ USD); gỗ và sản phẩm từ gỗ giảm 2,69 tỷ USD (hết tháng 9 đạt 9,62 tỷ USD); hàng thủy sản giảm 1,87 tỷ USD (hết tháng 9 đạt 6,6 tỷ USD).
Như vậy, riêng 6 nhóm hàng chủ lực nêu trên có tổng kim ngạch giảm tới 21,5 tỷ USD, chiếm 89,5% mức giảm kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước.
Hết tháng 9, xuất khẩu của cả nước đạt 258,97 tỷ USD, giảm 8,5% (tương ứng giảm 24,02 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. 9 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu bình quân cả nước đạt khoảng 28,8 tỷ USD/tháng.
Đáng ghi nhận là 2 tháng liên tiếp gần đây (tháng 8 và 9) kim ngạch xuất khẩu đều đạt hơn 30 tỷ USD/tháng, cao hơn bình quân chung trong 9 tháng đầu năm. Nếu quý 4/2023 duy trì được mức 30 tỷ USD/tháng, xuất khẩu cả nước trong năm nay có thể đạt khoảng 350 tỷ USD.
Nguồn:Haiquanonline