Giá dầu tăng vào phiên sáng ngày 20/4 do đồng USD yếu hơn đã hỗ trợ giá dầu và kỳ vọng rằng tồn kho dầu thô ở Mỹ giảm- nước sử dụng dầu lớn nhất thế giới. Mặc dù các trường hợp Covid-19 gia tăng ở châu Á đã hạn chế mức tăng.
Dầu thô Brent giao tháng 6 tăng 29 US cent tương đương 0,4% lên 67,33 USD/thùng. Giá dầu thô Mỹ (WTI) giao tháng 5 hết hạn vào 21/4 tăng 19 US cent tương đương 0,3% lên 63,57 USD/thùng. Hợp đồng giao tháng 6 cao hơn ở mức 63,71 USD/thùng, tăng 0,4% tương đương 28 US cent.
Chỉ số đồng USD đã giảm xuống mức thấp nhất trong 6 tuần so với các đồng tiền chủ chốt khác. Đồng bạc xanh mất giá khiến các mặt hàng được định giá bằng đồng USD như dầu thô tăng giá. Ghi nhận cùng thời điểm, chỉ số đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với rổ 6 loại tiền tệ chính, đứng ở mức 91,065 điểm, giảm 0,52%.
Bạc xanh tiếp tục suy yếu và chạm mức thấp nhất trong 6 tuần so với các đồng tiền chủ chốt khác, trong khi đồng euro khởi sắc dựa trên triển vọng tươi sáng hơn nhờ chương trình vắc-xin tại khu vực này có tiến triển tốt.
Theo các chuyên gia, bạc xanh đã mất trợ lực khi lợi suất trái phiếu Mỹ dao động dưới mức đỉnh 14 tháng đạt được vào tháng trước, và điều này đã làm giảm sức hấp dẫn của đồng tiền Mỹ.
Diễn biến giá của bạc xanh hiện nay đang ngược chiều với những gì đã diễn ra trong 3 tháng đầu năm, khi USD liên tục tăng giá so với các đồng tiền chủ chốt khác nhờ lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mang lại lợi nhuận cao hơn cho đồng tiền này.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã chạm mức thấp nhất trong một tháng tại 1,529% vào tuần trước. Mặc dù đã tăng lên 1,605% vào hôm qua nhưng nó vẫn đứng dưới mức đỉnh tháng 3 là 1,776%, khi các nhà đầu tư dự đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể điều chỉnh dần chính sách ôn hòa của mình.
Giá dầu hôm nay tăng mạnh còn do thị trường dầu thô đặt kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu, trong đó có dầu thô, sẽ được cải thiện mạnh thời gian tới khi chính phủ các nước đẩy mạnh chiến dịch tiêm vắc-xin Covid-19, trong khi đó các lệnh phong toả, giãn cách xã hội đang được áp dụng cũng sắp đến thời hạn gỡ bỏ.
Bên cạnh đó, những dữ liệu tích cực từ Trung Quốc và các dự báo lạc quan về bức tranh kinh tế toàn cầu được đưa ra thời gian gần đây cũng là nhân tố hỗ trợ giá dầu tăng.
Xuất khẩu của Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ dầu thô hàng đầu thế giới, tăng kỷ lục trong tháng 3. Điều này đã làm gia tăng kỳ vọng hoạt động sản xuất của nền kinh tế lớn thứ 2 đang có sự phục hồi mạnh mẽ. Và điều này cũng được phản ánh vào số liệu nhập khẩu đầu thô của Trung Quốc tăng tới 21% trong tháng 3 khi các nhà máy lọc dầu của nước này đẩy mạnh hoạt động.
Nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu cũng được kỳ vọng được cải thiện khi Mỹ sắp bước vào mùa hè nắng nóng, nhu cầu đi lại nhiều hơn.
Cuộc thăm dò của Reuters cũng hỗ trợ giá, dự trữ dầu thô và sản phẩm chưng cất của Mỹ dự kiến sẽ giảm vào tuần trước, trong khi tồn kho xăng có thể tăng. Cuộc thăm dò được tiến hành trước các báo cáo từ Viện Dầu khí Mỹ (API) vào thứ ba và Cơ quan thông tin năng lượng (EIA), cơ quan thống kê của Bộ năng lượng Mỹ vào thứ tư.
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Libya (NOC) hôm thứ Hai tuyên bố tình trạng bất khả kháng đối với hàng hóa xuất khẩu từ cảng Hariga và cho biết họ có thể mở rộng biện pháp này sang các cơ sở khác vì tranh chấp ngân sách với ngân hàng trung ương của nước này. Sự gián đoạn có thể làm giảm sản lượng dầu của Libya 280.000 thùng/ngày (bpd), đẩy sản lượng xuống dưới 1 triệu thùng/ngày lần đầu tiên kể từ tháng 10, ING cho biết.
Xuất khẩu dầu thô của Saudi Arabia đã giảm xuống mức thấp nhất trong 8 tháng vào tháng 2, cam kết của nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới đã tự nguyện cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá dầu.
Tuy nhiên, các trường hợp COVID-19 gia tăng ở Ấn Độ, nhà nhập khẩu và tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới, làm giảm sự lạc quan về nhu cầu nhiên liệu toàn cầu phục hồi bền vững.
Nguồn:VITIC/Reuters