Dầu thô Mỹ (WTI) tăng 86 US cent, tương đương 1,1%, đạt mức 81,25 USD/thùng và dầu thô Brent tăng 68 US cent, tương đương 0,8%, đạt mức 84,80 USD/thùng.
Cả hai loại dầu đều tăng cao hơn vào thứ Sáu (18/8) sau khi dữ liệu ngành cho thấy số lượng giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên của Mỹ, một chỉ báo sớm về sản lượng trong tương lai, đã giảm trong tuần thứ sáu liên tiếp. Sự sụt giảm trong sản xuất của Mỹ có thể làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm nguồn cung dự kiến trong suốt thời gian còn lại của năm nay.
Những lo ngại đó, được thúc đẩy bởi việc cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các nước sản xuất lớn, đã giúp giá dầu tăng trong bảy tuần liên tiếp. Dầu thô Brent tăng khoảng 18% và WTI tăng 20% trong bảy tuần kết thúc vào ngày 11 tháng 8.
Tuy nhiên, trong tuần này, giá dầu đã giảm khoảng 2% so với tuần trước, do cuộc khủng hoảng bất động sản ngày càng trầm trọng ở Trung Quốc làm tăng thêm lo ngại về sự phục hồi kinh tế chậm của nước này và làm giảm nhu cầu tìm đến tài sản rủi ro.
Rob Haworth, nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại U.S. Bank Asset Management, cho biết mối lo ngại của các nhà đầu tư vẫn tập trung vào nguy cơ tăng trưởng toàn cầu chậm lại và nguồn cung toàn cầu vẫn thắt chặt.
Mối lo ngại cũng gia tăng khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn chưa hoàn thành chiến dịch tăng lãi suất để giải quyết lạm phát. Chi phí vay cao hơn có thể cản trở tăng trưởng kinh tế và do đó làm giảm nhu cầu chung đối với dầu mỏ.
Jay Hatfield, Giám đốc điều hành của công ty Infrastructure Capital Management, cho biết giá dầu chuẩn bị giảm thêm do nhu cầu theo mùa yếu đi vào mùa Thu.
Ông Hatfield cho biết ông dự đoán nhu cầu sẽ ổn định ở Trung Quốc mặc dù nền kinh tế của nước này đang chậm lại và dự báo giá dầu sẽ giao dịch trong khoảng từ 75 USD đến 90 USD/thùng trong những tháng tới.
Trước đó, giá dầu thế giới ít thay đổi vào phiên chiều thứ năm (17/8), sau khi giảm trong ba phiên vừa qua, với chủ yếu là lo ngại rằng tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc và khả năng tăng lãi suất của Mỹ sẽ làm suy yếu nhu cầu nhiên liệu ở hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Dầu thô Brent không đổi ở mức 83,45 USD/thùng, sau khi giảm 0,5%. Dầu thô Mỹ (WTI) giảm 8 UScent ở mức 79,30 USD.
Tina Teng, nhà phân tích tại CMC Markets, cho biết: “Những lo ngại về kinh tế của Trung Quốc và tâm lý sợ rủi ro rộng rãi ở Phố Wall đã gây sức ép lên thị trường dầu mỏ, với việc đồng USD mạnh đồng thời gây thêm áp lực giảm giá dầu”. Teng cho biết các thương nhân sẽ theo dõi chặt chẽ dữ liệu kinh tế Trung Quốc và các động thái chính sách của chính phủ, bên cạnh dữ liệu tồn kho dầu của Mỹ, vì các nhà sản xuất dầu ở nước này có thể bắt đầu tăng sản lượng để giành thị phần trong bối cảnh nhóm OPEC+ cắt giảm sản lượng.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã bất ngờ cắt giảm lãi suất lần thứ hai trong ba tháng vào tuần này, nhưng các nhà phân tích lo ngại rằng điều đó có thể không đủ để ngăn chặn đà giảm của nền kinh tế.
Biên bản cuộc họp tháng 7 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ được công bố hôm thứ Tư cũng gây áp lực lên giá dầu, vì cho thấy các quan chức của ngân hàng trung ương không đưa ra dấu hiệu mạnh mẽ nào về việc tạm dừng tăng lãi suất, khi họ tiếp tục ưu tiên về việc chống lạm phát.
Lãi suất cao hơn làm tăng chi phí vay cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng, điều này có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và giảm nhu cầu dầu mỏ.
Trước đó, giá dầu thế giới giảm trong phiên sáng thứ Tư (16/8), kéo dài mức giảm 1% trong phiên trước đó, do tác động kéo dài của dữ liệu kinh tế ảm đạm từ Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, lấn át thông tin kho tồn trữ dầu của Mỹ giảm. Dầu thô Brent giảm 21US cent xuống 84,68 USD/thùng, trong khi dầu thô Mỹ (WTI) giảm 20 cent xuống 80,79 USD/thùng. Cả hai loại dầu đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 8 tháng 8 vào thứ Ba (15/8).
Các nhà phân tích của ANZ cho biết: “Những lo ngại rằng nền kinh tế đang chững lại của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu, lấn át thông tin nguồn cung khan hiếm trên thị trường dầu mỏ”.
Tồn trữ dầu thô của Mỹ đã giảm khoảng 6,2 triệu thùng trong tuần trước, theo các nguồn tin thị trường trích dẫn số liệu của Viện Dầu khí Mỹ. Đó là một mức giảm lớn hơn nhiều so với mức giảm 2,3 triệu mà các nhà phân tích thăm dò ý kiến của Reuters dự kiến.
Dữ liệu hoạt động kinh tế của Trung Quốc tháng 7 được công bố vào thứ Ba vẫn là thông tin chính dẫn đến thị trường giảm giá, sau khi doanh số bán lẻ, sản lượng công nghiệp và số liệu đầu tư không như kỳ vọng, làm dấy lên lo ngại về sự tăng trưởng chậm lại và kéo dài hơn.
Dữ liệu kinh tế tháng 7 đã khiến một số nhà kinh tế cảnh báo rủi ro rằng Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, có thể gặp khó khăn trong việc đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% trong năm nếu không có thêm kích thích tài chính.
Bắc Kinh cắt giảm lãi suất để thúc đẩy hoạt động và một số nhà phân tích đang hy vọng nhiều biện pháp kích thích sẽ sớm được thực hiện để thúc đẩy nền kinh tế và hỗ trợ nhu cầu đối với các mặt hàng như dầu mỏ.
Việc cắt giảm nguồn cung từ Saudi Arabia và Nga, một phần của nhóm OPEC+ bao gồm Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất lớn, đã đẩy giá dầu tăng trong bảy tuần qua.
Trước đó, giá dầu thế giới tăng vào phiên chiều thứ ba (15/8) khi Trung Quốc đã bất ngờ cắt giảm lãi suất chính trong một dấu hiệu cho thấy các nhà hoạch định chính sách của Bắc Kinh sẵn sàng làm nhiều hơn để hỗ trợ nền kinh tế đang giảm tốc. Dầu thô Brent tăng 32 US cent, tương đương 0,4%, giao dịch ở mức 86,53 USD/thùng. Dầu thô Mỹ tăng 26 UScent, tương đương 0,3%, lên 82,77 USD/thùng.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã cắt giảm lãi suất cho vay trung hạn (MLF) kỳ hạn một năm 15 điểm cơ bản, từ 2,65 xuống 2,5%. Lần cuối cùng PBoC cắt giảm 10 điểm cơ bản MLF là vào tháng 6.
Dữ liệu sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ của Trung Quốc hôm thứ Ba cho thấy nền kinh tế tiếp tục chậm lại vào tháng trước, gia tăng áp lực lên tăng trưởng vốn đã chững lại và khiến các nhà chức trách phải cắt giảm lãi suất để thúc đẩy hoạt động.
Bất chấp dữ liệu kinh tế vĩ mô yếu, nhu cầu dầu của Trung Quốc cho thấy khả năng phục hồi. Sản lượng lọc dầu của nước này trong tháng 7 đã tăng 17,4% so với một năm trước đó, do các nhà máy lọc dầu giữ sản lượng cao để đáp ứng nhu cầu du lịch trong nước vào mùa hè và tỷ suất lợi nhuận cao trong khu vực bằng cách xuất khẩu nhiên liệu.
Thông tin tác động tới giá dầu, nền kinh tế Nhật Bản đã tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với dự kiến từ tháng 4 đến tháng 6, do xuất khẩu ô tô tăng nhanh và lượng khách du lịch tăng.
Trong khi đó, sản lượng dầu và khí đốt tự nhiên từ các khu vực sản xuất đá phiến hàng đầu của Mỹ sẽ giảm trong tháng 9 trong tháng thứ hai liên tiếp xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5, dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng cho biết hôm thứ Hai (14/8).
Sản lượng giảm của Mỹ có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thắt chặt nguồn cung dầu toàn cầu khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các nước sản xuất lớn OPEC+ cắt giảm sản lượng.
Giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng tại Mỹ giảm
Giá khí đốt tự nhiên kỳ hạn của Mỹ giảm xuống mức thấp hơn hai tuần vào thứ Sáu (18/8), do dự đoán nhu cầu yếu và do đợt nắng nóng giảm bớt làm giảm nhu cầu tiêu thụ.
Giá khí đốt giao tháng 9 trên Sàn giao dịch hàng hóa New York giảm 6,3 cent, tương đương 2,4%, ở mức 2,56 USD/mmBtu. Hợp đồng này đang trên đà có mức giảm hàng tuần khoảng 8%.
Refinitiv cho biết sản lượng khí trung bình ở 48 tiểu bang của Mỹ là 101,7 bcfd từ đầu tháng 8 đến nay, gần bằng 101,8 bcfd trong tháng 7 và không xa kỷ lục hàng tháng 102,2 bcfd trong tháng 5.
Nhà cung cấp dữ liệu Refinitiv dự báo nhu cầu khí đốt của Mỹ, bao gồm cả xuất khẩu, hầu như không thay đổi từ 103,6 tỷ feet khối mỗi ngày (bcfd) trong tuần này lên 103,8 bcfd vào tuần tới.
Nguồn:VITIC/Reuters