Dầu Brent tăng 1,60 USD, tương đương 1,8%, đạt mức 91,50 USD/thùng, trong khi dầu thô Mỹ (WTI) tăng 1,66 USD, tương đương 1,9%, đạt mức 88,32 USD/thùng. Ở mức cao nhất trong phiên, cả hai loại dầu chuẩn đều tăng hơn 3 USD/thùng.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết các công ty năng lượng đã rút 4,5 triệu thùng dầu thô khỏi kho dự trữ trong tuần kết thúc vào ngày 13 tháng 10. Con số này cao hơn nhiều so với mức giảm 0,3 triệu thùng mà các nhà phân tích dự đoán trong cuộc thăm dò của Reuters. Hôm thứ Ba, nhóm công nghiệp của Viện Dầu khí Mỹ (API) đã báo cáo mức giảm 4,4 triệu thùng.
Đây là lần giảm dự trữ dầu thô thứ tư trong 5 tuần. Nó vượt xa mức giảm 1,7 triệu thùng hàng tuần một năm trước đó và so sánh với mức tăng trung bình 5 năm (2018-2022) là 2,5 triệu thùng.
Nguồn cung giảm 0,8 triệu thùng tại cơ sở lưu trữ Cushing ở Oklahoma xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2014.
Giá dầu cũng được hỗ trợ bởi dữ liệu chính thức cho thấy tăng trưởng kinh tế nhanh hơn dự kiến ở Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, trong quý 3.
Tại Mỹ, nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, doanh số bán lẻ tháng 9 cao hơn dự kiến đã thúc đẩy kỳ vọng về một đợt tăng lãi suất khác vào cuối năm. Việc tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và giảm nhu cầu dầu mỏ.
Nguồn cung
Theo số liệu sơ bộ của OPEC, nguồn cung dầu mỏ toàn cầu trong tháng 9/2023 không đổi so với tháng trước, đạt trung bình 100,6 triệu thùng/ngày.
Sản lượng dầu thô của 13 quốc gia OPEC trong tháng 9/2023 tăng 273 nghìn thùng/ngày so với tháng trước đó, đạt trung bình 27,75 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu thô tăng chủ yếu tại Nigeria, Saudi Arabia, trong khi sản lượng giảm tại Venezuela và Guinea.
Nguồn cung của khu vực ngoài OPEC
Sản lượng dầu mỏ của khu vực ngoài OPEC (gồm NGL của OPEC) tháng 9/2023 giảm 0,1 triệu thùng/ngày so với tháng trước đó, đạt 73,3 triệu thùng/ngày, tăng 2,3 triệu thùng/ngày so với cùng tháng năm trước.
Mexico: Sở hữu trữ lượng dầu thô lên tới 9,7 tỷ thùng, Mexico hiện đang đứng thứ 17 thế giới về trữ lượng và thứ 11 về năng lực khai thác dầu thô với công suất thiết kế lên tới 2,4 triệu thùng/ngày.
Bắt đầu từ năm 2024, Mexico dự kiến giảm 70% lượng dầu thô xuất khẩu, từ đó chuyển lượng dầu này cung cấp cho các nhà máy lọc dầu trong nước nhằm tiến tới việc tự chủ nguồn cung xăng dầu thành phẩm vào cuối năm 2024.
Thông báo của Bộ Năng lượng Mexico cho biết theo kế hoạch, bắt đầu từ tháng 1/2024, Mexico sẽ giảm lượng dầu khô xuất khẩu từ con số hiện tại là 1 triệu thùng/ngày xuống còn 300.000 thùng/ngày. Toàn bộ lượng dầu thô khoảng 700.000 thùng/ngày dừng xuất khẩu sẽ được chuyển đến các nhà máy lọc dầu trong nước nhằm tiến tới việc tự chủ nguồn cung xăng dầu vào cuối năm 2024. Hiện tại, Mexico cũng đang tăng tốc cải tạo các nhà máy lọc dầu hiện có, đồng thời hoàn thiện các nhà máy mới nhằm nâng cao năng lực sản xuất.
Trên thực tế, nền kinh tế lớn thứ 2 Mỹ Latinh hiện đang xuất khẩu một lượng lớn dầu thô trong khi vẫn phải nhập khẩu xăng dầu thành phẩm để tiêu thụ nội địa.
Mexico cũng đã đầu tư một khoản ngân sách khổng lồ vào việc cải tạo 6 nhà máy lọc dầu, mua lại liên doanh lọc dầu Deer Park từ đối tác Mỹ và xây mới tổ hợp lọc dầu Dos Bocas. Sau khi toàn bộ chuỗi nhà máy này đi vào hoạt động, Mexico có thể đáp ứng tới 95% nhu cầu xăng dầu trong nước vào năm 2024.
Mỹ: Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) cho biết, tồn kho dầu thô của Mỹ đã tăng 1,4 triệu thùng lên 421,1 triệu thùng trong tuần kết thúc vào 20/10, vượt quá mức tăng 240.000 thùng mà các nhà phân tích dự đoán.
Sản lượng dầu mỏ của Mỹ năm 2023 dự báo tăng 1,2 triệu thùng/ngày so với năm 2022, đạt mức trung bình 20,5 triệu thùng/ngày, tăng 50 nghìn thùng/ngày so với dự báo tháng trước. Sản lượng dầu thô dự báo tăng 0,7 triệu thùng/ngày, đạt 8,6 triệu thùng/ngày.
Nga: Sản lượng dầu mỏ của Nga trong tháng 8/2023 giảm 14 nghìn thùng/ngày so với tháng trước, đạt trung bình 10,8 triệu thùng/ngày (bao gồm 9,5 triệu thùng thùng/ngày sản lượng dầu thô và 1,2 triệu thùng/ngày khí NGL).
Không chỉ hạn chế sản lượng, Nga cũng cam kết giảm xuất khẩu 500.000 thùng/ngày trong tháng 8/2023 và giảm xuống 300.000 thùng/ngày trong tháng 9/2023.
Năm 2023, sản lượng dầu mỏ dự báo giảm 0,5 triệu thùng/ngày xuống mức 10,5 triệu thùng/ngày, điều chỉnh tăng 80 nghìn thùng/ngày so với báo cáo tháng trước.
Na Uy: Sản lượng dầu mỏ của Na Uy trong tháng 8/2023 tăng 50 nghìn thùng/ngày so với tháng trước, đạt mức 2,0 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu thô của NaUy trong tháng 8/2023 giảm 47 nghìn thùng/ngày so với tháng trước, đạt 1,8 triệu thùng/ngày. Sản lượng NGL và khí ngưng tụ tăng 6 nghìn thùng/ngày, đạt 0,2 triệu thùng/ngày.
Năm 2023, sản lượng dầu mỏ dự báo sẽ tăng 0,1 triệu thùng/ngày, đạt 2,0 triệu thùng/ngày, với việc triển khai giai đoạn 2 của mỏ dầu lớn Johan Sverdrup sẽ là nguồn tăng sản lượng chính.
Brazil: Sản lượng dầu thô của Brazil trong tháng 8/2023 giảm 51 nghìn thùng/ngày, đạt trung bình 3,5 triệu thùng/ngày.
Tổng sản lượng nhiên liệu lỏng của Brazil gồm cả nhiên liệu sinh học trong tháng 8/2023 giảm 53 nghìn thùng/ngày, đạt 4,2 triệu thùng/ngày.
Trong năm 2023, nguồn cung nhiên liệu lỏng bao gồm cả nhiên liệu sinh học dự báo tăng 0,3 triệu thùng/ngày, đạt mức trung bình 4,1 triệu thùng/ngày, điều chỉnh tăng 45 nghìn thùng/ngày so với dự báo tháng trước.
Trung Quốc: Sản lượng dầu mỏ của Trung Quốc trong tháng 8/2023 tăng 37 nghìn thùng/ngày so với tháng trước đó, đạt trung bình 4,1 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu thô trong tháng 8/2023 tăng 37 nghìn thùng/ngày so với tháng trước, đạt 4,1 triệu thùng/ngày. Trung Quốc đặt ra kế hoạch 5 năm (2021-2025) duy trì sản lượng dầu mỏ trên 4 triệu thùng/ngày. Trong năm 2023 dự báo sản lượng dầu mỏ ở mức trung bình 4,6 triệu thùng/ngày, tăng 85 nghìn thùng/ngày so với năm 2022.
Canada: Sản lượng dầu mỏ của Canada trong tháng 8/2023 tăng 30 nghìn thùng/ngày so với tháng liền trước, đạt trung bình 5,7 triệu thùng/ngày. Sản lượng tiếp tục phục hồi sau việc bảo trì đã được hoàn thành tại các mỏ cát dầu, cũng như phục hồi sản xuất ở các khu vực bị cháy rừng.
Sản lượng dầu thô truyền thống trong tháng 8/2023 đạt 1,3 triệu thùng/ngày, tăng 13 nghìn thùng/ngày so với tháng trước.
Trong năm 2023 nguồn cung dầu dự báo sẽ tăng 50 nghìn thùng/ngày lên mức trung bình 5,7 triệu thùng/ngày, giảm 25 nghìn thùng/ngày.
Sản lượng dầu mỏ khu vực ngoài OPEC năm 2023 dự kiến đạt 67,4 triệu thùng/ngày, tăng 1,6 triệu thùng/ngày so với năm 2022. Những nước đóng góp vào tăng trưởng nguồn cung trong năm 2023 là Mỹ, Brazil, Canada, Nauy và Trung Quốc trong khi sản lượng dầu dự kiến giảm chủ yếu ở Nga.
Nguồn:VITIC/Reuter