menu search
Đóng menu
Đóng

Nguồn cung- cầu dầu thế giới năm 2023 và dự báo

08:45 28/10/2023

Trong năm 2023 nguồn cung dầu dự báo sẽ tăng 50 nghìn thùng/ngày lên mức trung bình 5,7 triệu thùng/ngày, giảm 25 nghìn thùng/ngày.
Theo số liệu sơ bộ của OPEC, nguồn cung dầu mỏ toàn cầu trong tháng 9/2023 không đổi so với tháng trước, đạt trung bình 100,6 triệu thùng/ngày.
Sản lượng dầu thô của 13 quốc gia OPEC trong tháng 9/2023 tăng 273 nghìn thùng/ngày so với tháng trước đó, đạt trung bình 27,75 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu thô tăng chủ yếu tại Nigeria, Saudi Arabia, trong khi sản lượng giảm tại Venezuela và Guinea.
Nguồn cung của khu vực ngoài OPEC
Sản lượng dầu mỏ của khu vực ngoài OPEC (gồm NGL của OPEC) tháng 9/2023 giảm 0,1 triệu thùng/ngày so với tháng trước đó, đạt 73,3 triệu thùng/ngày, tăng 2,3 triệu thùng/ngày so với cùng tháng năm trước.
Mexico: Sở hữu trữ lượng dầu thô lên tới 9,7 tỷ thùng, Mexico hiện đang đứng thứ 17 thế giới về trữ lượng và thứ 11 về năng lực khai thác dầu thô với công suất thiết kế lên tới 2,4 triệu thùng/ngày.
Bắt đầu từ năm 2024, Mexico dự kiến giảm 70% lượng dầu thô xuất khẩu, từ đó chuyển lượng dầu này cung cấp cho các nhà máy lọc dầu trong nước nhằm tiến tới việc tự chủ nguồn cung xăng dầu thành phẩm vào cuối năm 2024.
Thông báo của Bộ Năng lượng Mexico cho biết theo kế hoạch, bắt đầu từ tháng 1/2024, Mexico sẽ giảm lượng dầu khô xuất khẩu từ con số hiện tại là 1 triệu thùng/ngày xuống còn 300.000 thùng/ngày. Toàn bộ lượng dầu thô khoảng 700.000 thùng/ngày dừng xuất khẩu sẽ được chuyển đến các nhà máy lọc dầu trong nước nhằm tiến tới việc tự chủ nguồn cung xăng dầu vào cuối năm 2024. Hiện tại, Mexico cũng đang tăng tốc cải tạo các nhà máy lọc dầu hiện có, đồng thời hoàn thiện các nhà máy mới nhằm nâng cao năng lực sản xuất.
Trên thực tế, nền kinh tế lớn thứ 2 Mỹ Latinh hiện đang xuất khẩu một lượng lớn dầu thô trong khi vẫn phải nhập khẩu xăng dầu thành phẩm để tiêu thụ nội địa.
Mexico cũng đã đầu tư một khoản ngân sách khổng lồ vào việc cải tạo 6 nhà máy lọc dầu, mua lại liên doanh lọc dầu Deer Park từ đối tác Mỹ và xây mới tổ hợp lọc dầu Dos Bocas. Sau khi toàn bộ chuỗi nhà máy này đi vào hoạt động, Mexico có thể đáp ứng tới 95% nhu cầu xăng dầu trong nước vào năm 2024.
Mỹ: Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) cho biết, tồn kho dầu thô của Mỹ đã tăng 1,4 triệu thùng lên 421,1 triệu thùng trong tuần kết thúc vào 20/10, vượt quá mức tăng 240.000 thùng mà các nhà phân tích dự đoán.
Sản lượng dầu mỏ của Mỹ năm 2023 dự báo tăng 1,2 triệu thùng/ngày so với năm 2022, đạt mức trung bình 20,5 triệu thùng/ngày, tăng 50 nghìn thùng/ngày so với dự báo tháng trước. Sản lượng dầu thô dự báo tăng 0,7 triệu thùng/ngày, đạt 8,6 triệu thùng/ngày.
Nga: Sản lượng dầu mỏ của Nga trong tháng 8/2023 giảm 14 nghìn thùng/ngày so với tháng trước, đạt trung bình 10,8 triệu thùng/ngày (bao gồm 9,5 triệu thùng thùng/ngày sản lượng dầu thô và 1,2 triệu thùng/ngày khí NGL).
Không chỉ hạn chế sản lượng, Nga cũng cam kết giảm xuất khẩu 500.000 thùng/ngày trong tháng 8/2023 và giảm xuống 300.000 thùng/ngày trong tháng 9/2023.
Năm 2023, sản lượng dầu mỏ dự báo giảm 0,5 triệu thùng/ngày xuống mức 10,5 triệu thùng/ngày, điều chỉnh tăng 80 nghìn thùng/ngày so với báo cáo tháng trước.
Na Uy: Sản lượng dầu mỏ của Na Uy trong tháng 8/2023 tăng 50 nghìn thùng/ngày so với tháng trước, đạt mức 2,0 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu thô của NaUy trong tháng 8/2023 giảm 47 nghìn thùng/ngày so với tháng trước, đạt 1,8 triệu thùng/ngày. Sản lượng NGL và khí ngưng tụ tăng 6 nghìn thùng/ngày, đạt 0,2 triệu thùng/ngày.
Năm 2023, sản lượng dầu mỏ dự báo sẽ tăng 0,1 triệu thùng/ngày, đạt 2,0 triệu thùng/ngày, với việc triển khai giai đoạn 2 của mỏ dầu lớn Johan Sverdrup sẽ là nguồn tăng sản lượng chính.
Brazil: Sản lượng dầu thô của Brazil trong tháng 8/2023 giảm 51 nghìn thùng/ngày, đạt trung bình 3,5 triệu thùng/ngày.
Tổng sản lượng nhiên liệu lỏng của Brazil gồm cả nhiên liệu sinh học trong tháng 8/2023 giảm 53 nghìn thùng/ngày, đạt 4,2 triệu thùng/ngày.
Trong năm 2023, nguồn cung nhiên liệu lỏng bao gồm cả nhiên liệu sinh học dự báo tăng 0,3 triệu thùng/ngày, đạt mức trung bình 4,1 triệu thùng/ngày, điều chỉnh tăng 45 nghìn thùng/ngày so với dự báo tháng trước.
Trung Quốc: Sản lượng dầu mỏ của Trung Quốc trong tháng 8/2023 tăng 37 nghìn thùng/ngày so với tháng trước đó, đạt trung bình 4,1 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu thô trong tháng 8/2023 tăng 37 nghìn thùng/ngày so với tháng trước, đạt 4,1 triệu thùng/ngày. Trung Quốc đặt ra kế hoạch 5 năm (2021-2025) duy trì sản lượng dầu mỏ trên 4 triệu thùng/ngày. Trong năm 2023 dự báo sản lượng dầu mỏ ở mức trung bình 4,6 triệu thùng/ngày, tăng 85 nghìn thùng/ngày so với năm 2022.
Canada: Sản lượng dầu mỏ của Canada trong tháng 8/2023 tăng 30 nghìn thùng/ngày so với tháng liền trước, đạt trung bình 5,7 triệu thùng/ngày. Sản lượng tiếp tục phục hồi sau việc bảo trì đã được hoàn thành tại các mỏ cát dầu, cũng như phục hồi sản xuất ở các khu vực bị cháy rừng.
Sản lượng dầu thô truyền thống trong tháng 8/2023 đạt 1,3 triệu thùng/ngày, tăng 13 nghìn thùng/ngày so với tháng trước.
Trong năm 2023 nguồn cung dầu dự báo sẽ tăng 50 nghìn thùng/ngày lên mức trung bình 5,7 triệu thùng/ngày, giảm 25 nghìn thùng/ngày.
Sản lượng dầu mỏ khu vực ngoài OPEC năm 2023 dự kiến đạt 67,4 triệu thùng/ngày, tăng 1,6 triệu thùng/ngày so với năm 2022. Những nước đóng góp vào tăng trưởng nguồn cung trong năm 2023 là Mỹ, Brazil, Canada, Nauy và Trung Quốc trong khi sản lượng dầu dự kiến giảm chủ yếu ở Nga.
Nhu cầu
Trung Quốc: Nhu cầu xăng dầu trong tháng 8/2023, tăng 2,3 triệu thùng/ngày, tăng tháng thứ tư liên tiếp. Tăng trưởng nhu cầu dầu chủ yếu được thúc đẩy bởi nhiên liệu vận tải, sự phục hồi liên tục trong ngành du lịch hàng không.
Nhập khẩu dầu thô tháng 9/2023 của Trung Quốc tăng so với một năm trước do du lịch, sản xuất phục hồi, các nhà lọc dầu tăng cường mua vào. Trong tháng 9/2023, Trung Quốc nhập 45,74 triệu tấn dầu thô, tương đương 11,13 triệu thùng/ngày (bpd). Nhập khẩu 9 tháng/2023 tăng 14,6% so với một năm trước đó lên 424,27 triệu tấn hay 11,34 triệu thùng/ngày.
Trong 8 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu dầu thô từ Nga đạt 71,2 triệu tấn, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước, trong bối cảnh Bắc Kinh tận dụng được ưu đãi giảm giá và tăng tốc dự trữ dầu thô Nga. Tuy nhiên, xét về giá trị, nhập khẩu dầu từ Nga sang Trung Quốc đứng ở mức 38,1 tỷ USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trung Quốc mua thêm dầu của Nga sau khi nhiều nước phương Tây dần tách khỏi nguồn dầu này vì các lệnh trừng phạt liên quan đến Ukraine. Sau lệnh cấm vận của G7 và việc áp trần giá dầu của Nga năm ngoái, Moskva cũng tích cực chuyển hướng dòng dầu của mình sang châu Á.
So sánh giữa các nước, Nga một lần nữa vượt qua Saudi Arabia để trở thành nhà cung cấp dầu hàng đầu cho Trung Quốc. Saudi Arabia xuất khẩu sang Trung Quốc 60,1 triệu tấn dầu trị giá 36,49 tỷ USD. Đứng thứ ba là Iraq, cung cấp 40,3 triệu tấn dầu trị giá 23,04 tỷ USD.
Lượng nhập khẩu tăng mạnh do nhu cầu nhiên liệu vận tải tăng trong kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng, kéo dài từ cuối tháng 9 đến tuần đầu tiên của tháng 10. Hoạt động sản xuất của Trung Quốc cũng phục hồi trong tháng 9, PMI sản xuất tháng 9 tăng lên 50,2, trên mức 50 điểm.
Trước đó, Trung Quốc đã ban hành hạn ngạch nhập khẩu dầu thô đợt thứ tư cho năm 2023, nâng khối lượng trong năm lên 203,64 triệu tấn, tăng 14% so với năm 2022.
Ấn Độ: Nhu cầu dầu của Ấn Độ tăng 272 nghìn thùng/ngày tháng 8/2023 so với năm trước đó. Trong hơn một năm qua, lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đã phát triển mạnh, thúc đẩy nhu cầu xăng. Thu nhập của người tiêu dùng tăng, thúc đẩy hoạt động du lịch, tổng lưu lượng hành khách hàng không của Ấn Độ (trong nước và quốc tế) tăng.
Nhu cầu dầu diesel được hỗ trợ mạnh mẽ từ hoạt động sản xuất, sản lượng công nghiệp, tỷ lệ lạm phát giảm. Chỉ số PMI sản xuất ở Ấn Độ vẫn ở mức cao, đạt 60,1 điểm trong tháng 8/2023 so với 57,7 điểm trong tháng 7/2023.
OECD Châu Âu: Nhu cầu dầu trong khu vực vẫn giảm trong tháng 7/2023, giảm 157 nghìn thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước, là tháng thứ 11 giảm liên tiếp. Khu vực vẫn đang phải đối mặt với thách thức khó khăn, do đang diễn ra căng thẳng địa chính trị, cùng với lạm phát và hoạt động kinh tế chậm lại, tiếp tục tác động đến nhu cầu dầu mỏ trong khu vực.
Nhu cầu sản phẩm dầu ở khu vực đồng tiền chung châu Âu xu hướng giảm trong hơn năm, do ảnh hưởng bởi hoạt động yếu của khu vực công nghiệp và lạm phát cao.
Nhu cầu sản phẩm dầu ở OECD châu Âu vẫn yếu trong hơn một năm, chủ yếu là do áp lực lạm phát làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế trong khu vực và căng thẳng địa chính trị tiếp tục là thách thức lớn. Ngành công nghiệp hóa dầu trong khu vực cũng vẫn yếu. Tuy nhiên duy trì tăng trưởng trong hoạt động lĩnh vực hàng không và chuyển đổi từ khí đốt sang dầu đang diễn ra sẽ hỗ trợ nhu cầu dầu trong thời gian tới.
Dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA): Trong báo cáo IEA đã nâng triển vọng nhu cầu dầu thế giới lên mức 102,3 triệu thùng/ngày trong năm 2023, đồng thời cho biết, nhu cầu này sẽ được hỗ trợ bởi các nền kinh tế đang phát triển nhanh hơn ở các nước đang phát triển.
Dự báo của OPEC: Nhu cầu dầu thế giới trong năm 2023 sẽ tăng thêm 2,4 triệu thùng/ngày lên mức trung bình 102 triệu thùng/ngày, không đổi so với dự báo tháng trước.
Tại khu vực OECD, nhu cầu dầu mỏ dự báo trong năm 2023 sẽ tăng 0,09 triệu thùng/ngày đạt 46,1 triệu thùng/ngày. Nhu cầu của châu Mỹ dự đoán sẽ có mức tăng lớn nhất trong khu vực, dẫn đầu là Mỹ do phục hồi nhu cầu về nhiên liệu máy bay và nhu cầu xăng dầu.
Ở khu vực không thuộc OECD, tổng nhu cầu dầu dự đoán sẽ tăng 2,3 triệu thùng/ngày đạt 56,2 triệu thùng/ngày, vượt qua mức nhu cầu trước đại dịch năm 2019 gần 3,5 triệu thùng/ngày. Nhu cầu nhiên liệu công nghiệp và vận tải tăng trưởng ổn định, được hỗ trợ bởi sự phục hồi trong hoạt động của Trung Quốc và các khu vực ngoài OECD khác.
Năm 2024, tăng trưởng kinh tế toàn cầu vững, trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc tiếp tục được cải thiện dự kiến sẽ thúc đẩy tiêu thụ dầu. Nhu cầu dầu thế giới 2024 dự đoán sẽ tăng 2,2 triệu thùng/ngày so với năm 2023, đạt 104,3 triệu thùng/ngày.

Nguồn:VITIC/Reuter