Iran là quốc gia lớn duy nhất của OEPC vẫn chưa phát biểu công khai về sự cần thiết gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Tehran trong quá khứ đã phản đối các chính sách của đối thủ Saudi Arabia, nói rằng Riyadh quá thân cận với Washington.
Mỹ không phải thành viên của OPEC, cũng không tham gia hiệp ước sản lượng. Washington đã yêu cầu Riyadh bơm thêm dầu để bù cho phần xuất khẩu ít đi từ Iran sau khi đưa thêm các lệnh trừng phạt mới với Tehran về chương trình hạt nhân của họ.
OPEC và các đồng minh dẫn đầu là Nga đã giảm sản lượng dầu kể từ năm 2017 để ngăn cản giá sụt giảm trong bối cảnh sản lượng tăng từ Mỹ, nước đã trở thành nhà sản xuất hàng đầu thế giới trong năm nay vượt Nga và Saudi Arabia.
Lo sợ về nhu cầu toàn cầu yếu hơn do tranh chấp thương mại Mỹ Trung đã bổ sung những thách thức với 14 quốc gia OPEC trong những tháng gần đây.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong ngày 29/6 cho biết ông đã đồng ý với Saudi Arabia gia hạn thỏa thuận sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày hay 1,2% nhu cầu dầu thế giới hiện nay thêm 6 tới 9 tháng, cho tới tháng 12/2019 hay tháng 3/2020.
Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Khalid al-Falih cho biết thỏa thuận này có nhiều khả năng gia hạn thêm 9 tháng và không cần cắt giảm sâu hơn.
Warren Patterson, giám đốc chiến lược hàng hóa tại ngân hàng ING Hà Lan cho biết OPEC mất nhiều hơn nếu không gia hạn thỏa thuận. Ông nói “giá dầu giảm mạnh xuống mức hòa vốn tài chính (là mức giá trung bình cần thiết để quốc gia xuất khẩu dầu cân bằng ngân sách của họ trong một năm cụ thể) - Saudi Arabia có giá hòa vốn khoảng 85 USD/thùng, và vì thế họ sẽ lo ngại về khả năng chênh lệch nới rộng giữa mức này và mức thị trường giao dịch”.
Dầu thô Brent đã tăng hơn 25% kể từ đầu năm 2019 lên 65 USD/thùng. Nhưng giá có thể trì trệ do nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại làm giảm nhu cầu và dầu thô của Mỹ tràn ngập thị trường.
Hiệp ước cắt giảm sản lượng hết hạn trong ngày chủ nhật 30/6/2019. OPEC nhóm họp tại Vienna trong ngày 1/7/2019 tiếp theo là cuộc đàm phán với Nga và các đồng minh khác gọi là OPEC+.
Bộ trưởng dầu mỏ Iraq Thamer Ghadhban cho biết ông mong thỏa thuận này gia hạn 6 tới 9 tháng nhưng Iraq đã có một quan điểm cởi mở về vấn đề này.
Ông Ghadhban trả lời các phóng viên “thứ quan trọng nhất là đạt được một thị trường ổn định và tránh biến động, đang cố gắng thực hiện điều gì đó về tồn kho đang ở mức cao”.
Iraq vượt qua Iran là nhà sản xuất dầu lớn thứ 2 của OPEC và xuất khẩu của họ tăng do đầu tư của các công ty lớn phương Tây.
Ngược lại, xuất khẩu của Iran, đã giảm xuống 0,3 triệu thùng/ngày trong tháng 6/2019 từ khoảng 2,5 triệu thùng/ngày trong tháng 4/2018 do các lệnh trừng phạt mới của Washington.
Các lệnh trừng phạt này đặt Iran vào áp lực chưa từng có. Ngay cả trong năm 2012, khi EU tham gia cùng Mỹ trừng phạt Tehran, xuất khẩu của quốc gia này đã ở mức khoảng 1 triệu thùng/ngày. Dầu mỏ chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu ngân sách của Iran.
Washington cho biết họ muốn thay đổi những cái gọi là một cơ chế “tham nhũng” tại Tehran. Iran đã tố cáo các lệnh trừng phạt này là bất hợp pháp. Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh đã không phát biểu trong những ngày gần đây về cuộc họp của OPEC.
Bà Ann-Louise Hittle, phó chủ tịch bộ phận dầu vĩ mô tại công ty tư vấn Wood Mackenzie cho biết “căng thẳng đang tồi tệ giữa Mỹ và Iran bổ sung thêm khả năng giá dầu biến động, điều đó có thể gây phức tạp cho các thành viên OPEC quản lý”.
Nguồn: VITIC/Reuters
Nguồn:Vinanet