menu search
Đóng menu
Đóng

OPEC+ không còn sợ Mỹ sẽ cản đà tăng của giá dầu

22:25 22/06/2021

Lần đầu tiên sau gần một thập kỷ, OPEC+ có cơ sở vững chắc để tin rằng họ có thể kiểm soát nguồn cung dầu thô toàn cầu mà không cần phải e ngại các công ty dầu đá phiến của Mỹ.
Sự thận trọng của ngành dầu mỏ Mỹ
Năm ngoái, lần thứ hai trong khoảng nửa thập kỷ, giá dầu thô phải hứng chịu một cú lao dốc nghiêm trọng khác. Dưới ảnh hưởng của vụ việc, các ông lớn ngành đá phiến Mỹ đã hạn chế đầu tư vào các giàn khoan mới.
Thay vào đó, họ thận trọng với các kế hoạch chi tiêu vốn, ưu tiên chi trả cổ tức cho cổ đông hơn là gia tăng sản lượng. Lập trường này cũng được thể hiện trong các sự kiện công bố kết quả kinh doanh quý I/2021 của khá nhiều công ty dầu mỏ Mỹ.
Theo oilprice.com, sản lượng dầu thô của Mỹ chỉ dao động ở mức 11 triệu thùng/ngày trong những tháng gần đây, giảm khoảng 2 triệu thùng/ngày so với mức cao kỷ lục hồi đầu năm 2020, trước khi đại dịch làm suy yếu nhu cầu và khiến giá dầu cắm đầu.
Tuần trước, một loạt các tổ chức dự báo lớn như Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA), Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Wood Mackenzie, IHS, Argus Media, Energy Intelligence và Energy Aspects báo với OPEC+ rằng sản lượng dầu thô của Mỹ trong năm nay sẽ chỉ tăng khoảng 200.000 thùng/ngày.
Đến năm 2022, sản lượng của các công ty dầu đá phiến Mỹ được dự báo tăng khoảng 500.000 - 1,3 triệu thùng/ngày. Các thông tin này được một số quan chức OPEC chia sẻ với Reuters tại cuối cuộc họp của liên minh dầu mỏ với các viện chính sách và chuyên gia kinh tế.
OPEC+ khong con so My
(Ảnh minh họa: Reuters).
Trong báo cáo tháng 6, bản thân OPEC dự đoán sản lượng trung bình của các công ty dầu mỏ Mỹ trong năm 2021 là khoảng 11,2 triệu thùng/ngày, giảm khoảng 120.000 thùng/ngày so với năm ngoái.
Con số mà EIA đưa ra thấp hơn một chút, theo đó Mỹ có thể sản xuất trung bình khoảng 11,1 triệu thùng/ngày trong năm nay. Đến năm 2022, sản lượng dự kiến tăng 700.000 thùng/ngày lên trung bình 11,8 triệu thùng/ngày.
Theo EIA, tốc độ tăng trưởng sản lượng của ngành dầu đá phiến Mỹ trong năm tới là tương đối khiêm tốn, đặc biệt là khi so với tốc độ tăng trưởng của giai đoạn 2017 - 2019.
Hơn nữa, oilprice.com cảnh báo rằng, thị trường có vẻ quá lạc quan khi tin tưởng sản lượng của các công ty dầu mỏ Mỹ có thể tăng đến 1,3 triệu thùng/ngày. Trang tin này đã trích dẫn chia sẻ của nhà phân tích David Blackmon trên Forbes.
Cụ thể, ông Blackmon nhấn mạnh, các công ty khai thác dầu mỏ Mỹ vẫn còn phải chịu áp lực gia tăng lợi nhuận cho các nhà đầu tư thay vì đốt tiền vào những dự án mới như trước đây.
OPEC+ sẽ nhàn hạ hơn
Nếu tốc độ tăng sản lượng của ngành dầu đà phiến Mỹ chững lại như dự báo, OPEC+ sẽ có nhiều dư địa để kiểm soát nguồn cung của các nước ngoài liên minh trong ngắn hạn. Cùng với thỏa thuận cắt giảm sản lượng, liên minh dầu mỏ có thể thuận lợi điều khiển thị trường hơn.
Đây là lần đầu tiên trong gần một thập kỷ, OPEC+ có lí do vững chắc để tin rằng họ thực sự có thể kiểm soát cán cân cung - cầu mà không lo sợ bị các công ty dầu mỏ Mỹ cản trở hay đe dọa.
Hiện tại, OPEC+ đang dần nới lỏng các lệnh giảm sản lượng. Sau cuộc họp đầu tháng 6, các nước thành viên OPEC+ sẽ bơm thêm 841.000 thùng dầu thô/ngày trong tháng 7, tiếp tục các đợt tăng sản lượng trong hai tháng 5 và 6.
Bộ trưởng Bộ Năng lượng Arab Saudi - Hoàng tử Abdulaziz bin Salman khi đó cho biết: "Bức tranh thị trường dầu thô đã có dấu hiệu cải thiện rõ rệt. Nhu cầu đã khởi sắc ở một số thị trường lớn nhất như Mỹ và Trung Quốc".
Ông Ole Hansen, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại Saxo Bank, cho hay: "Rõ ràng, OPEC+ vẫn nắm quyền kiểm soát trong khi nhu cầu dầu thô toàn cầu phục hồi. Xu thế đó sẽ kéo dài ít nhất là cho đến khi các nước ngoài OPEC+ tăng sản lượng khi doanh thu và lợi nhuận của họ cải thiện".
Theo kế hoạch, vào ngày 1/7 tới, các nước thành viên OPEC+ sẽ tổ chức họp để quyết định chính sách sản lượng cho nửa cuối năm 2021. Ông Hansen lưu ý, OPEC+ có thể phát tín hiệu rõ ràng rằng, liệu họ sẽ tiếp tục siết chặt nguồn cung để nâng giá dầu thô hay ưu tiên tăng sản lượng để duy trì tính ổn định của tổ chức.

Nguồn:Khả Nhân/Doanh Nghiệp Niêm Yết

Link gốc