Một số nguyên nhân dễ đoán dẫn đến thị trường khí đốt tăng giá, trong đó có việc thiếu các hoạt động khoan tìm kiếm mới, đầu tư ít vào các nguồn cung cấp mới, hạn chế vốn từ phía các nhà sản xuất và chuyển hướng phân bổ vốn cho năng lượng tái tạo trong hơn một năm nay. Bên cạnh đó, một số yếu tố mới làm trầm trọng thêm thị trường và sẽ tiếp tục có ảnh hưởng tới xu hướng giá khí đốt trong chín tháng đến một năm tới, Oilprice phân tích cụ thể như sau:
Châu Âu và Anh đang trả giá cho chiến lược "xanh hóa" năng lượng
Việc "xanh hóa" nguồn cung cấp năng lượng trên khắp thế giới, đặc biệt là ở châu Âu là một yếu tố tác động mạnh tới thị trường khí đốt vừa qua. Trong một thập kỷ qua, các nước châu Âu đã chuyển sang sử dụng năng lượng gió và mặt trời để sản xuất điện, theo đuổi các mục tiêu thỏa thuận Paris và cân bằng carbon vào năm 2050. Chiến lược này gặp khó khăn trong các tháng mùa hè, khi công suất gió thấp không đủ tạo ra điện năng và làm tăng thêm nhu cầu về nguồn cung khí đốt vốn chỉ được dự trữ ít ỏi ở châu Âu. Thực tiễn này cho thấy tình trạng bấp bênh mà các thị trường năng lượng trong khu vực phải đối mặt khi bước vào mùa đông dài ở châu Âu. Cú sốc giá điện là nghiêm trọng nhất ở Anh, vốn dựa vào các trang trại điện gió để loại bỏ lượng khí thải carbon vào năm 2050.
Giá tín dụng carbon, loại tín dụng mà các nhà sản xuất điện cần để đốt nhiên liệu hóa thạch, cũng đang cao ở mức kỷ lục. Châu Âu không khuyến khích sản xuất khí đốt nên đã áp dụng thuế carbon trong nhiều năm. Việc đóng cửa sớm mỏ khí đốt khổng lồ của Hà Lan Groninge đã làm giảm số lượng nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên quan trọng ở châu Âu. Nhập khẩu khí đốt tăng cao hơn, kể từ năm 2014 khi nguồn cung từ mỏ khí Groningen bắt đầu bị cắt giảm. Liên quan đến các biện pháp cắt giảm nguồn cung khí đốt của Groningen, Công ty tư vấn năng lượng Rystad tiên lượng về thị trường khí đốt châu Âu như sau: “Sản lượng sụt giảm nghiêm trọng từ Groningen sẽ tái định hình lại bối cảnh năng lượng châu Âu. Mỏ khí đạt 57 tỷ m3 vào năm 2013, là mỏ khai thác khí trung tâm trong hệ thống khí đốt của Tây Bắc châu Âu trong nhiều thập niên. Việc loại bỏ mỏ khí khổng lồ này sẽ buộc châu Âu phải mở rộng nhập khẩu khí đốt với tốc độ nhanh hơn nữa”.
Một cơ sở dự trữ khí tự nhiên ở châu Âu. Ảnh: Tư liệu.
Carlos Torres-Diaz, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường khí đốt tại Rystad Energy, cho biết có thể thấy sự thay đổi mạnh mẽ này đang diễn ra ở Hà Lan, nước đang trong quá trình chuyển đổi từ một nhà xuất khẩu khí đốt sang nhà nhập khẩu ròng. EU ngày càng phụ thuộc vào nguồn cung từ Mỹ và Nga. Châu Âu phải tăng cường nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ. Các lô hàng LNG từ các bờ biển của Mỹ đến châu Âu gần đây đã đạt mức cao nhất mọi thời đại. Tuy nhiên, từ năm 2020, châu Á bắt đầu trả giá cao hơn người mua châu Âu đối với nguồn cung LNG của Mỹ. Hiện nay, châu Á là trung tâm của nhu cầu LNG và nhu cầu ngày càng gia tăng. Việc chính phủ Trung Quốc muốn giảm sử dụng than đá, cùng với sự hồi sinh kinh tế chung, đang hút khí đốt từ cả Mỹ và Nga, trong khi đó lượng dự trữ khí đốt đang ở mức thấp trên toàn cầu trước mùa đông. Hiện nay, EU đang phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Một số người lo ngại rằng với thị trường khí đốt hiện nay, Nga muốn đưa ra tuyên bố chính trị với Đức về đường ống dẫn khí Nord Stream 2.
Nếu mùa đông sắp tới ở châu Âu dự báo lạnh giá, EU và Anh sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn trong 6 đến 9 tháng tới. Tình trạng thiếu hụt hoặc nguồn cung cấp khí đốt khan hiếm có thể sẽ kéo dài sang năm sau. Vấn đề ở châu Âu là vấn đề cơ cấu thị trường. Châu Âu buộc phải nhập khẩu khí đốt từ Mỹ hoặc Nga, hoặc từ cả hai nước. Trong khi đó, châu Á đã thiết lập lộ trình nhập khẩu khí đốt từ cả hai nguồn là Mỹ và Nga.
Cơ sở đường ống dẫn khí Nord Stream 2 trên lãnh thổ Nga. Ảnh: Peter Kovalev/Tass/Getty Images.Bức tranh khí đốt ở Mỹ có tốt hơn không?
Báo cáo dự trữ khí hàng tuần của Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy có một số cải thiện khiêm tốn, tuy nhiên vẫn thấp hơn 8% so với mức trung bình 5 năm thời điểm trước mùa đông. Nguồn cung cấp khí đốt của Mỹ bị cắt giảm do hoạt động khoan đá phiến bị ngừng hoạt động do các hiện tượng thời tiết. Việc xuất khẩu thu hút một phần lớn sản lượng khí đốt của Mỹ dưới dạng LNG và thông qua đường ống dẫn khí đến Mexico. Với việc tăng cường cơ sở hạ tầng đường ống, Mexico đã đưa ra quyết định chiến lược là sử dụng nhiều hơn nguồn khí đốt từ nước láng giềng phía bắc. Đường ống của Mehico kết nối trực tiếp với các trung tâm dầu khí WAHA và Agua Dulce ở Mỹ đã cho phép dòng chảy hàng tỷ feet khối khí mỗi ngày về phía nam. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết đường ống dẫn khí đốt tự nhiên xuất khẩu từ Mỹ sang Mexico đạt trung bình 6,8 Bcf/ngày trong tháng 6/2021, tăng 25% so với tháng 6/2020 và nhiều hơn 44% so với mức trung bình hàng tháng của 5 năm (2016-2020) trước đó. Toàn bộ lượng khí này được ký trong các hợp đồng dài hạn khi nguồn cung khí dồi dào hơn từ một năm trước.
Một tình trạng khan hiếm khí đốt tương tự như ở châu Âu cũng có thể xảy ra đối với Mỹ. Hai nơi đều gặp một số bất lợi giống nhau trong việc khó triển khai khoan tìm nguồn cung cấp mới, chính phủ liên bang và chính quyền bang ở Mỹ không đồng tình với việc khoan mới, cùng với các thách thức về tài chính. Những lo ngại về thị trường bên ngoài cũng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng này.
Tóm lại, bức tranh năng lượng khí đốt đã thay đổi trong 1 năm qua. Nguồn cung khan hiếm và các nhà sản xuất không muốn phân bổ vốn mới cho việc khoan tìm kiếm nguồn cung mới. Kết quả là giá khí đốt sẽ cao hơn trong tương lai gần ở Mỹ và ở châu Âu. Thách thức thực sự sẽ là việc phải đáp ứng nhu cầu với bất kể giá cả như thế nào.
Nguồn:Thanh Bình/Tạp chí điện tử Petrotimes