Tuy nhiên, xét con số thực tế, kiều hối chuyển về gửi tiết kiệm bằng USD chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Xin ông cho biết, lượng kiều hối chuyển về khu vực TP. HCM đến nay đạt bao nhiêu?
Tính đến cuối tháng 9/2015, lượng kiều hối về khu vực TP. HCM ước đạt 3,250 tỷ USD, cả năm dự kiến đạt 5,5 tỷ USD. Lượng kiều hối về TP. HCM chiếm tỷ lệ khá cao so với cả nước. Có năm chiếm 40 - 45% và năm 2015 có thể chiếm 50% lượng kiều hối chuyển về trong cả nước.
Lượng kiều hối chuyển về chủ yếu từ các khu vực Mỹ, châu Âu và các nước mà Việt Nam xuất khẩu lao động nhiều. Đây là những thị trường mà kinh tế đang dần hồi phục, trong đó có thị trường Mỹ. Vì thế, các kiều bào có điều kiện tốt hơn trong việc chuyển kiều hối về cho người thân hoặc đầu tư, kinh doanh.
Cơ chế về kiều hối hiện nay khá thông thoáng, người nhận có thể nhận bằng tiền mặt, chuyển khoản mà không phải chịu thuế, phí cũng rất thấp từ 0,2 - 0,5%. Mặt khác, việc điều chỉnh tỷ giá USD/VND vừa qua đảm bảo hấp dẫn lượng kiều hối gửi về Việt Nam.
Nhưng việc giảm lãi suất ngoại tệ xuống mức thấp liệu có ảnh hưởng đến nguồn kiều hối, thưa ông?
Kiều hối chảy vào tiết kiệm không nhiều, chủ yếu được đưa vào hoạt động sản xuất - kinh doanh và đầu tư bất động sản. Số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ kiều hối chảy vào sản xuất - kinh doanh chiếm 70,6% trong tổng kiều hối chuyển về Việt Nam; tỷ lệ kiều hối chuyển vào bất động sản chiếm 20,7%; phần còn lại là hỗ trợ người thân trong việc chữa bệnh, đi du lịch…
Do đó, việc giảm lãi suất USD xuống mức thấp hầu như không ảnh hưởng đến nguồn kiều hối từ các nước trên thế giới chuyển về Việt Nam, do kiều hối chuyển về gửi tiết kiệm bằng USD chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Một điểm khá quan trọng trong việc thu hút lượng kiều hối thời gian gần đây, cũng như sắp tới, đó là sự hồi phục của thị trường bất động sản.
Theo ông, tiền gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ liệu có giảm?
Động thái giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước sẽ tác động tích cực đến hành vi của doanh nghiệp và người dân, buộc họ phải cân nhắc giữa việc giữ VND và USD. Đặc biệt, doanh nghiệp sẽ phải tính toán kỹ hơn trong việc tối ưu hóa trong sử dụng vốn, cũng như việc có nên duy trì tiền gửi bằng ngoại tệ.
Việc giảm lãi suất tiền gửi ngoại tệ giúp nâng cao vị thế tiền đồng và không loại trừ người có ngoại tệ sẽ mạnh dạn chuyển đổi sang tiền đồng để gửi ngân hàng, hoặc đầu tư bất động sản. Trường hợp những người có ngoại tệ kỳ vọng tỷ giá sẽ tăng trong thời gian tới và giữ ngoại tệ để hưởng chênh lệch giá thì việc mất đi nguồn tiền lãi có thể không gây thiệt hại đối với tài sản của họ. Nhưng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định, từ nay đến hết năm 2015 không điều chỉnh tỷ giá. Đồng thời, với biểu lãi suất ngoại tệ mới thì chênh lệch giữa lãi suất huy động VND và USD càng lớn, đặc biệt ở các kỳ hạn dài.
Cụ thể, cùng kỳ hạn 1 tháng gửi VND được lãi suất 4,4%/năm, trong khi gửi USD chỉ được 0,25%/năm; kỳ hạn 12 tháng, gửi VND được 6,2%/năm, nhưng gửi USD là 0,25%/năm. Như vậy, sau khi so sánh mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm VND và USD, người dân có thể tính toán được lợi ích của từng kênh gửi tiền để lựa chọn.
Thực tế, ngay trong ngày đầu (28/9) lãi suất USD giảm đã có sự chuyển dịch rất lớn về hành vi người gửi tiền. Theo báo cáo nhanh của các ngân hàng thương mại, hiện đã giải quyết được tình trạng găm giữ ngoại tệ của những tổ chức lớn. Cụ thể, lượng ngoại tệ doanh nghiệp bán cho ngân hàng cao gấp 3 lần so với bình quân những ngày trước đó. Việc gửi tiết kiệm cũng đã thay đổi, nhiều doanh nghiệp, cá nhân có lượng USD lớn đã thông báo bán để chuyển qua gửi tiết kiệm VND. Chúng tôi hy vọng, doanh số này sẽ tăng 3 - 4 lần trong tuần tới.
Lãi suất cho vay ngoại tệ có giảm sâu và nhu cầu vay vốn bằng USD có tăng cao, thưa ông?
Thực tế, nguồn tiền gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ của tổ chức và dân cư thời gian qua tăng. Tiền gửi ngoại tệ của tổ chức kinh tế vào các ngân hàng trên địa bàn trong tháng 8/2015 tăng 9,1% so với tháng 7/2015. Tiết kiệm dân cư bằng ngoại tệ có mức tăng 5,06% trong thời gian này.
Ngược lại, cho vay bằng USD từ đầu năm đến nay giảm hơn 3%, riêng trong tháng 8 giảm hơn 2%, nguyên nhân là nhiều doanh nghiệp lo ngại rủi ro về tỷ giá nên đã vay ngoại tệ trả nợ trước hạn. Đối với ngân hàng, tăng trưởng huy động tiết kiệm ngoại tệ tăng cao, trong khi tăng trưởng tín dụng ngoại tệ giảm là điều bất lợi, nhất là về thanh khoản.
Theo đó, việc Ngân hàng Nhà nước hạ trần lãi suất huy động ngoại tệ có hiệu ứng tích cực đến thanh khoản ngân hàng. Kỳ vọng thời gian tới, dư nợ ngoại tệ sẽ phục hồi và đi đúng đối tượng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có nhu cầu ngoại tệ thực sự vay USD với lãi suất thấp hơn, giảm chi phí tài chính, giảm giá thành sản phẩm trên thị trường. Tuy nhiên, lãi suất cho vay vốn bằng ngoại tệ dự báo sẽ không giảm nhiều, ngân hàng cũng cần có thời gian và mức độ giảm lãi suất tùy thuộc vào chiến lược của từng ngân hàng.
Theo Thùy Vinh
Đầu tư chứng khoán