menu search
Đóng menu
Đóng

TPHCM: Dư nợ cho vay tiêu dùng tăng nhanh

09:33 21/10/2015

Tín dụng tiêu dùng của ngành ngân hàng tại TPHCM đã tăng rất nhanh trong ba năm qua trước nhu cầu cao về vay vốn của người dân, đồng thời các ngân hàng, công ty tài chính cũng đang thúc đẩy tín dụng tiêu dùng do lợi nhuận cao mà hoạt động này đem lại.
Tại toạ đàm tài chính trực tuyến “Vay trả góp, thêm minh bạch, bớt phiền hà” do Thời báo Ngân hàng và Công ty tài chính Home Credit tổ chức hôm nay, 20-10, tại TPHCM, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, cho biết tín dụng tiêu dùng là sản phẩm được các ngân hàng, công ty tài chính rất quan tâm, và chú trọng mở rộng trong thời gian qua.

Tín dụng tiêu dùng của các ngân hàng và công ty tài chính tại TPHCM trong ba năm qua đã tăng gấp ba lần so với thời điểm năm 2011-2012, chiếm 6,8% trong tổng dư nợ của toàn ngành, tương đương khoảng 80.000 tỉ đồng. Trong đó, cho vay tiêu dùng có đảm bảo bằng tài sản chiếm 17,5-17,6% trong tổng tín dụng tiêu dùng, còn lại chủ yếu là vay tín chấp, tức không có tài sản đảm bảo.

Ông Nguyễn Hoàng Minh cho rằng với dân số, thành phần lao động và mức thu nhập của người dân hiện nay, tín dụng tiêu dùng trong thời gian tới sẽ còn tăng trưởng mạnh hơn nữa. Đây là một lĩnh vực mà các ngân hàng cũng ngày càng quan tâm, vừa giúp giải quyết phần nào khó khăn tài chính cho người dân, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, vừa tăng trưởng doanh thu cho ngân hàng.

Hiện một số ngân hàng cũng mua lại các công ty tài chính để đẩy mạnh hoạt động cho vay tiêu dùng.

Theo thống kê trên địa bàn TPHCM, lãi suất cho vay tiêu dùng của các ngân hàng thương mại cổ phần trong nước là 9-11%, của các ngân hàng nước ngoài nằm ở mức 6-11%, trong khi lãi suất của các công ty tài chính trên địa bàn TPHCM  phổ biến ở mức 39-49%/năm, cao gấp nhiều lần so với lãi suất của ngân hàng thương mại.

Theo ông Minh, mức lãi suất cao như trên của các công ty tài chính không vi phạm pháp luật vì quy định về tổ chức tín dụng và thông tư 12/2010 của NHNN cho phép ngân hàng và các công ty tài chính áp dụng lãi suất thoả thuận. Đến nay, NHNN chỉ quy định trần lãi suất cho vay tiền đồng ngắn hạn đối với năm lĩnh vực ưu tiên.

Mặc dù không vi phạm pháp luật, nhưng lãi suất của các công ty tài chính hiện khá cao khi đối chiếu với các ngân hàng và mặt bằng lãi suất chung hiện nay trên toàn quốc. Lãi suất cao một phần cho tính chất nguồn vốn huy động và rủi ro của các công ty tài chính.

Các công ty tài chính có đặc thù là không được phép huy động vốn tiết kiệm của dân cư mà phải huy động của tổ chức thông qua phát hành giấy tờ có giá, như trái phiếu, tín phiếu. Ngoài ra, công ty tài chính chỉ được vay vốn của NHNN thông qua hình thức tái cấp vốn.

Về nợ xấu, hiện tỷ lệ nợ xấu của tín dụng tiêu dùng khoảng 5,1%, cao gấp đôi so với tỷ lệ nợ xấu chung của toàn ngành ngân hàng tại TPHCM. Tính đến cuối tháng 9-2015, tỷ lệ nợ xấu của toàn ngành nằm ở mức 4,2%, tuy nhiên chỉ còn 2,4% nếu trừ nợ xấu của các ngân hàng đã được NHNN mua lại với giá 0 đồng/cổ phần. Báo cáo của Thủ tướng tại Quốc hội sáng nay 20-10 nêu mức nợ xấu là 2,9%.

Theo chuyên gia tài chính Lê Xuân Nghĩa, với tỷ lệ nợ xấu hơn 5%, mức lãi suất phổ biến 49% của các công ty tài chính là khá cao. Do đó, ông Nghĩa cho rằng NHNN nên có một cách thức nào đó để hạ mức lãi suất này, chẳng hạn như tạo điều kiện để nhiều công ty tài chính cho vay tiêu dùng hoạt động để cạnh tranh với nhau, theo đó lãi suất cũng cạnh tranh hơn và thấp hơn. Ngoài ra, dưới sự giám sát của NHNN, hoạt động của công ty tài chính cũng minh bạch và an toàn hơn.

Theo ông Minh, tín dụng tiêu dùng là hoạt động có hồ sơ thủ tục rất nhanh gọn và dễ dàng, nhưng càng đơn giản càng ngắn gọn không có nghĩa là không có điều kiện ràng buộc. Do đó, ông Minh khuyến nghị người dân khi đi vay nên đọc kỹ hợp đồng, tập trung vào một số thông tin như phương thức trả nợ và lãi suất cho vay.

Cụ thể, về lãi suất, người tư vấn phải tư vấn kỹ về lãi suất tối đa mà người vay phải trả là bao nhiêu phần trăm mỗi năm. Người vay cũng cần quan tâm đến phương thức trả nợ vì các công ty tài chính và ngân hàng thường thu nợ và lãi suất theo dư nợ gốc thay vì theo dư nợ giảm dần. Với việc tính theo nợ gốc, ngân hàng, công ty tài chính đưa ra nhiều ưu đãi nhưng khi tính toán kỹ thì lãi suất cao hơn rất nhiều so với lãi suất tính trên dư nợ giảm dần. Người đi vay thường không nắm được những điều này nên từ đó gây rủi ro cho chính khách hàng và ngân hàng, công ty tài chính.

Theo ông Friedrich Weiss, Tổng giám đốc của Công ty tài chính Home Credit, cách duy nhất để giảm thiểu rủi ro là đảm bảo khách hàng hiểu được hết các điều khoản quy định khi họ ký hợp đồng vay. Do đó, hiện công ty này đã đưa ra các chương trình phổ biến nhằm nâng cao hiểu biết của khách hàng.

Hiện tại TPHCM có 12 công ty tài chính đang hoạt động. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2015, NHNN chi nhánh TPHCM và Cục Thanh tra giám sát ngân hàng sẽ tiến hành thanh tra các công ty tài chính để hạn chế rủi ro cho khách hàng cũng như công ty tài chính, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

Theo T.Thu
TBKTSG

Nguồn:TBKTSG