menu search
Đóng menu
Đóng

6 tháng cuối năm: Dệt may có đạt kim ngạch 5,3 tỷ USD?

10:49 11/07/2008
Chỉ tiêu Chính phủ giao cho ngành dệt may Việt Nam năm 2008 đạt kim ngạch xuất khẩu 9,5 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2007. Sáu tháng đầu năm nay, ngành dệt may đã xuất khẩu được 4,2 tỷ USD. Tuy nhiên 6 tháng cuối năm, ngành dệt may có đạt kim ngạch 5,3 tỷ USD hay không còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.
Thách thức trong bối cảnh khó khăn!
Theo Hiệp hội dệt may Việt Nam từ đầu năm đến nay ngành dệt may đã đạt kim ngạch xuất khẩu 4,2 tỷ USD tăng 20% so với cùng kì năm trước. Riêng tập đoàn dệt may Việt Nam tốc độ tăng trưởng đạt 15% nhưng tổng doanh số chỉ tăng 8% và lợi nhuận đạt 119 tỷ đồng. Mặc dù nhìn vào tình hình xuất khẩu 6 tháng đầu năm nay, ngành dệt may vẫn tăng trưởng đúng theo kế hoạch nhưng trên thực tế ngành dệt may đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Cụ thể, giá bông nguyên liệu đã tăng tới 30% so với năm trước, lãi suất ngân hàng liên tục tăng cao từ đầu năm, khiến chi phí tăng cao, lợi nhuận giảm. Bên cạnh đó lạm phát cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nhân lực của ngành dệt may Việt Nam, khiến vấn đề lao động ngày càng trở nên trầm trọng. Hiện, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng 45% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhưng các doanh nghiệp này đang gặp phải khó khăn do công nhân đình công quá nhiều. Bên cạnh đó, Việt Nam còn phải cạnh tranh gay gắt với các đối thủ trên thị trường quốc tế như: Trung Quốc, Ấn Độ, Bănglades, Indonesia…
Khó nhưng không phải không thực hiện được
Đó là nhận xét của ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam về khả năng thực hiện nhiệm vụ xuất khẩu mà Chính phủ giao cho ngành dệt may. Trong điều kiện khó khăn hiện nay, nếu doanh nghiệp xác định được cho mình một chiến lược kinh doanh đúng thì vẫn có thể cạnh tranh tốt, vì bên cạnh những thách thức, dệt may Việt Nam vẫn có những lợi thế cạnh tranh. Trước hết, các đơn hàng hiện nay rất nhiều nên không sợ thiếu đơn hàng.
Giá trị xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vào các thị trường lớn như Mỹ được xếp vào nhóm các nước xuất khẩu với giá cao nên không lo sợ vấn đề chống bán phá giá. Hiện bình quân Việt Nam xuất vào Mỹ là 3,8 USD/m2. Trong khi đó giá bình quân hàng dệt may thế giới xuất vào Mỹ chỉ có 2,7 USD/m2, còn Trung Quốc chỉ có 1,5 USD/m2…
Trước những thách thức và thuận lợi đó, để đạt được kế họach xuất khẩu 5,3 tỷ USD trong 6 tháng cuối năm, cần có sự nỗ lực của doanh nghiệp và các cơ quan có liên quan cùng đồng hành. Cụ thể, hiện các đơn hàng không thiếu nhưng vấn đề làm thế nào để các ngân hàng phối hợp cung ứng đủ vốn và thủ tục nhanh gọn giúp doanh nghiệp đảm bảo đúng tiến độ giao hàng. Về phía các doanh nghiệp, cần phải khắc phục nhanh chóng những điểm yếu của mình đó chính là trình độ quản lý ở cán bộ trung và cao cấp cũng như năng suất lao động cần phải nâng cao hơn nữa. Mặt khác, các doanh nghiệp tiếp tục quan tâm mở rộng thị trường xuất khẩu để tránh rủi ro khi tập trung quá nhiều vào một thị trường.
Về phía các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trước mắt cần phải giải quyết ổn thỏa vấn đề người lao động. Các công ty cần phải có người giao tế nhân sự giỏi để giao dịch với người lao động được thuận lợi, tránh những xung đột về khác biệt văn hóa. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng phải quan tâm hơn đến đời sống người lao động trong bối cảnh lạm phát hiện nay. Có như vậy mới ổn định sản xuất và đảm bảo đúng tiến độ giao hàng.
Về phía Hiệp hội dệt may Việt Nam cũng đã cố gắng hỗ trợ làm việc với các chủ doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài phải quan tâm và tăng lương đảm bảo đời sống cho người lao động trong bối cảnh lạm phát hiện nay. Vì trên thực tế, lương bình quân công nhân ở khu vực này còn thấp hơn lương công nhân thuộc các đơn vị dệt may trong nước. Ngược lại người lao động cũng cần phải có ý thức, phải có sự hợp tác trên tinh thần cả hai cùng ngồi trên một con thuyền, nên nếu doanh nghiệp nước ngoài làm ăn thua lỗ, đóng cửa nhà máy thì chính bản thân công nhân cũng thất nghiệp. Vì vậy, cần có người đại diện thương thuyết có tổ chức chứ không nên tự ý bỏ việc đình công một cách bừa bãi.

Nguồn:Vinanet